Bánh tổ. Ảnh: Phúc Minh |
Cũng như món bánh chưng, bánh tét của người Việt, bánh tổ và bánh củ cải là hai món ăn gần như không thể thiếu trong ngày tết của người Hoa gốc Triều Châu sinh sống tại Việt Nam.
Bánh tổ là một trong những loại bánh ngọt không thể thiếu trong các món ăn ngày tết của người Hoa. Món bánh này được làm bằng bột nếp trộn với đường đã nấu loãng, sau đó đổ vào khuôn hình tròn đem hấp. Bánh làm khéo có thể để dành được hàng tháng trời mà không bị hư. Nhưng sau khoảng một tuần, bánh sẽ trở nên cứng, khi ăn phải đem hấp hoặc chiên lại, có thể chiên bánh với trứng gà. Hàng năm, má tôi thường làm bánh tổ vào khoảng sau ngày tiễn ông Táo về trời. Bánh tổ tiếng Hoa gọi là “Niên cao”, tượng trưng cho sự phát triển năm mới sẽ cao hơn năm cũ. Bánh tổ có màu vàng (làm bằng đường thẻ), hoặc màu trắng (làm bằng đường cát) tượng trưng cho vàng bạc, với mong muốn vàng bạc đầy nhà, năm này sẽ nhiều hơn năm trước. Bánh củ cải là loại bánh mặn nên không để được lâu như bánh tổ. Sáng 30 tết, má tôi đi chợ sớm để mua đồ về làm bánh củ cải. Như cái tên gọi, bánh này được làm từ củ cải trắng và một số nguyên liệu khác như bột gạo, tôm khô, thịt ba rọi, nấm đông cô và tỏi tây. Lượng củ cải trắng nhiều gấp đôi lượng bột gạo. Đi chợ về, má tôi cặm cụi bào củ cải trên chiếc bào đục nhiều lỗ nhỏ, ngâm tôm khô và nấm, rồi xắt thịt… Cách làm bánh củ cải rất đơn giản. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, xào sơ mọi thứ rồi cho vào nồi trộn đều với bột gạo, gia vị và nước cho đến khi hỗn hợp quyện lại thì múc ra từng xửng lớn đã tráng sẵn dầu ăn để bánh không dính xửng, sau đó mang hấp cách thuỷ. Ngày xưa, má tôi thường làm công việc này với bà nội. Bây giờ, nội tôi không còn nữa. Thế nhưng, hình ảnh bà và má cùng hấp bánh bên cạnh bếp lửa hồng nghi ngút khói ngày 30 tết khiến tôi không sao quên được. Mỗi lần nhớ đến hình ảnh ấm áp ấy, sống mũi tôi lại thấy cay cay. Trở lại với việc làm bánh. Bánh hấp đến khi nào dùng đũa xom không dính bột là chín. Người ta để bánh nguội rồi xắt thành từng miếng hình thoi, hình chữ nhật hoặc hình vuông, rồi sắp ra dĩa để bày cúng. Bánh cúng xong nguội ngắt vẫn ngon. Trong bánh có đủ vị mặn ngọt của gia vị, vị béo của thịt ba rọi, vị bùi của tôm khô cùng mùi thơm nồng của nấm đông cô và tỏi tây. Xưa, khi phần đông gia đình vẫn chưa dùng tủ lạnh, người ta làm bánh củ cải để cúng vào hôm 30 tết và dùng luôn trong ngày. Giờ thì bánh củ cải có thể để dành ăn suốt tuần lễ nếu được bỏ tủ lạnh. Thông thường sau khi cúng xong, người ta cứ thế mà ăn hoặc mang chiên, sẽ có món bánh bột chiên củ cải thơm ngon dùng với nước tương pha dấm đường. Bánh củ cải có thể dùng làm điểm tâm hoặc dùng trong bữa ăn chính. Những ngày tết, gia đình tôi thường ăn sáng với món bánh củ cải hấp. Buổi trưa, khách đến nhà, chúng tôi lại đãi khách bằng món bánh bột chiên củ cải. Tuy cách làm bánh đơn giản, nhưng món bánh của mỗi gia đình có hương vị riêng, không nhà nào giống nhà nào. Nhiều người cho rằng, cuộc sống vội vàng, bận rộn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến khẩu vị và phong cách ẩm thực của mọi người; nhưng có thể nói rằng món bánh củ cái ngon nhất vẫn là bánh được làm theo đúng theo truyền thống. Bánh quá mềm hay quá cứng cũng đều không ngon và chuyện này liên quan đến việc chọn gạo. Vì vậy, người làm bánh không được tùy tiện dùng gạo kém chất lượng. Ngoài ra, lượng nước dùng để pha bột và độ lửa dùng để hấp cũng cần có kinh nghiệm của người nội trợ. Bánh củ cải ít được bày bán trên đường phố nhưng gắn bó với đời sống của người Triều Châu vốn có thói quen ăn gạo và củ cải, là món ăn phổ biến của các gia đình trong dịp tết. Và nếu để ý, bạn sẽ thấy các món ăn của người Hoa trong ngày tết thường được đặt những cái tên rất kêu và mang ý nghĩa tốt lành. Mỗi món ăn được người ta ký gửi một ý nguyện trong năm mới với tinh thần lạc quan như trường hợp món bánh tổ đã nói trên chẳng hạn. Một ví dụ khác là món cá sốt chua ngọt được gọi tên là "Niên niên hữu dư", ý nói là năm nào cũng có dư. Trong tiếng Hoa, "cá" đồng âm với "dư". Riêng món bánh củ cải chẳng được đặt cho tên gọi mỹ miều nào, nhưng bù lại, gần như không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo và người lớn, trẻ em đều rất thích món ăn truyền thống này, một món ăn mang đậm hương vị ẩm thực Triều Châu.Bánh củ cải. Ảnh: Phúc Minh
(Theo Phúc Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)