Nói tới Sóc Trăng từ nhiều chục năm nay, người ta nghĩ ngay tới bánh pía, mè láo và lạp xưởng Vũng Thơm – những thực phẩm của người Tiều (Triều Châu) Sóc Trăng. Nhưng có một thứ thực phẩm làm nên danh tiếng Tiều Sóc Trăng xưa đến nay hiếm người biết, đó là mì sụa. Món ăn này vẫn âm thầm bền bỉ sống trong đời sống ẩm thực cũng như trong lòng những người Hoa ngụ cư lâu đời ở đất địa này.
Mì sụa Sóc Trăng. |
Mì sụa “định cư” ở Sóc Trăng, sản xuất và phát triển. Nó đã được Trịnh Hoài Đức nhắc tới trong “Gia Định thành thông chí”. Trước năm 1975, một bên sông Maspero (thị xã Khánh Hưng (tên cũ của Sóc Trăng) có dãy phố người Tiều cư ngụ tập trung “lò” sản xuất mì sụa. Mùa nắng, suốt ngày trên con đường này tràn ngập màu vàng của sợi mì đong đưa trên những sào tre bóng lưởng. Không hiểu sao, mì sụa Sóc Trăng tự nhiên vắng hẳn?! Hiện nay thị trường vẫn có mì sụa, nhưng được sản xuất từ nhà máy ở TP.HCM.
Mì sụa có hai loại: loại mặn và loại không mặn. Người sành ăn cho rằng mì sụa mặn ngon nhất. Không như các loại mì thường, mì sụa chỉ làm được hai món: thứ nhất là dùng để xào với tim, gan, cật, nạc, phèo, phổi heo cùng nấm rơm, hành, tỏi, cải xanh... chấm nước tương hoặc nước mắm giấm ớt, tùy khẩu vị. Món này xưa kia có mặt trong mấy tiệm “cao lầu” ở thị xã Khánh Hưng, rất được nhiều khách phương xa “tín nhiệm”. Thứ hai, rất đặc biệt người ta thường dùng mì sụa nấu chè để ăn mừng sinh nhật. Thức giải khát này rất “lạ miệng” là món “tủ” của những người Tiều gốc.
Sóc Trăng còn có một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực Triều Châu là bún tiêu. Bún tiêu được bán ở một góc phố nhỏ với vài ba ghế bàn lỏng chỏng. Dù đơn sơ nhưng quán bún này rất đắt hàng. Muốn thưởng thức đặc sản này, bạn phải nhanh chân tới sớm.
Ngồi lên chiếc ghế nhựa bên lề đường, chốc lát, cô chủ quán sẽ mang đến cho bạn tô bún bốc hơi nóng nghi ngút. Phủ lên nền bún trắng tinh là mấy miếng bao tử heo vàng sậm cùng những hột tiêu đen nằm lẫn đâu đó. Cho ớt và rau ghém cho vào, trộn đều, nhẩn nha gắp bún đưa vào miệng. Vị cay của tiêu và ớt hòa trong vị mặn ngọt của miếng bao tử hầm nhừ nhưng vẫn giòn sừn sựt trong răng, thật là thú vị! Hương vị bún tiêu giống như bao tử hầm tiêu. Sáng sớm, ăn tô bún tiêu nóng hổi và cay nồng, mồ hôi “túa”, thật là sảng khoái.
( Theo báo Cần Thơ online)