Quốc đảo Sư Tử đang là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của người Việt |
Ngọc Hạnh, bạn tôi, vừa hí húi scan bức ảnh gia đình, vừa bảo, cô đã tìm ra giải pháp mới để thỏa niềm đam mê du lịch của chồng mà lại không “viêm màng túi”.
ấy là xét từ góc độ người tiêu dùng. Còn xét từ góc độ người kinh doanh thì có vẻ đó như một “nghề tay trái” mới ra đời theo kiểu “cái khó ló cái khôn”. Đó là “share” nhà trọ làm du lịch. Hạnh scan ảnh để email cho chủ “khách sạn” mà gia đình cô sẽ nghỉ lại khi đi du lịch 10 ngày ở Singapore - một cậu sinh viên tháo vát. Cậu sẽ ra đón khách tại sân bay và làm hướng dẫn viên cho gia đình Hạnh theo cách của cậu.
Hoàng Vũ, du học tại Singapore đã 2 năm, nhà ở phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gia cảnh khá giả, nên khi cậu sang học, ông bố đã chu đáo thuê luôn cho cậu một căn hộ ba phòng ngủ, có bếp và khu vệ sinh tiện nghi. Thời buổi kinh tế khó khăn, công việc kinh doanh hàng điện máy của gia đình Vũ tại Hà Nội không dễ dàng như trước, cậu sinh viên đã nghĩ ra cách làm thêm khá độc đáo. Cậu nhờ bạn bè, em gái và người thân trong gia đình ở Hà Nội tìm kiếm đối tượng khách thích hợp, kể cả những “gia đình du lịch” như của Hạnh, mời họ ở cùng căn hộ của mình. Không thể đưa khách đi thăm mọi nơi mọi chỗ như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, nhưng Vũ đã cẩn thận hướng dẫn khách cách sử dụng bản đồ thành phố, các tuyến tàu điện ngầm... Cậu còn đưa cho khách một chiếc điện thoại di động có sẵn số của mình để khách “hỏi đâu đáp đấy” bất cứ lúc nào. Hai năm “sục sạo” mọi ngõ ngách ở quốc đảo nhỏ bé này, Vũ đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết kha khá về tất cả địa điểm tham quan, ăn uống, mua sắm; thạo giá mọi mặt hàng mà du khách ưa chuộng... Tất nhiên, khách của cậu thường là những người trẻ tuổi biết tiếng Anh và đủ tự tin để tự mình khám phá thành phố.
Rõ ràng đây là một cơ chế “win - win”, Thành, chồng Hạnh nhận định. Anh không thích những tour thiết kế sẵn thường “lôi” khách xềnh xệch từ chỗ này sang chỗ khác, không còn có thời gian để nhìn ngắm, thưởng thức hay mua sắm theo ý thích. Anh lại càng... không thích cái giá 150 đô Sing (SGD)/ngày đêm tại một khách sạn “thường thường bậc trung” ở đây, trong khi Vũ chỉ nhận có 70 SGD/ ngày đêm, lại còn cho trả bằng tiền Việt ở ngay nhà mình tại... Hà Nội. Hạnh có thể mua đồ tươi sống từ các siêu thị về nấu nướng bữa tối theo đúng khẩu vị cho cả nhà, nhất là cho cô con gái nhỏ mới 3 tuổi khá kén ăn của họ với chi phí chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 so với ăn hiệu.
Đừng nghĩ đây chỉ là một công việc thi thoảng như bắt gặp những trái sung rụng! Vũ “bật mí”, mỗi tháng căn hộ của cậu có khách từ 20 - 25 ngày! Những dịp ở Việt Nam mọi người được nghỉ dài ngày, có khi Vũ phải từ chối khách. Khoảng nửa năm nay, bố mẹ không còn phải trang trải chi phí sinh hoạt và học tập tại thành phố nổi tiếng là đắt đỏ này cho Vũ. Tay trái đang lo cho tay phải rất tốt - cậu sinh viên nửa đùa nửa thật bảo. Một điều nữa khiến Vũ rất thích là căn hộ của cậu luôn vui vẻ (nhà có khách mà!). Hơn nữa, cậu còn có cơ hội nhận được đặc sản Việt Nam như bánh chưng, giò chả, trà mạn... mà mẹ và em gái cậu chu đáo gửi sang. Đa phần là người quen, ít ai từ chối việc mang gói quà sang cho cậu sinh viên xa nhà.
Người Việt đầy sáng kiến và chịu khó. Những đức tính ấy đang lấp lánh ở mọi nơi, mọi chỗ và dường như càng trở nên thật quý báu trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
(Theo Viết Nguyên - Doanh nhân)