Thông tin vừa được đăng tải trên LiveScience cho thấy “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” còn là toa thuốc hữu hiệu cho gìn giữ mái ấm gia đình.
Trong một cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học xếp “độ mạnh yếu” của những nụ cười này từ 1 đến 10 và họ thấy bất cứ ai lọt vào nhóm này với các nụ cười tươi tắn ít bao giờ xảy ra chuyện ly dị. Độ mạnh yếu được căn cứ vào hệ thống hai bắp thịt, bắp thịt mép của miệng kéo hai môi ra và bắp thịt hai bên khóe mắt hoạt động mạnh yếu ra sao. Trái lại trong nhóm 10% còn lại tức là những người cười như cười gượng thì có 1/4 các cuộc hôn nhân đã tan vỡ. Trong cuộc thí nghiệm thứ hai, các nhà khoa học đã xin xem các album ảnh gia đình của các cụ từ 65 tuổi trở lên, chụp ảnh họ lúc còn niên thiếu. Họ ghi nhận và “đo đạc” các nụ cười khi các cụ khoảng 10 tuổi và khám phá chỉ có 11% trong số những cụ có “nụ cười tươi nhất” là ly dị, nhưng trong số những người “không cười hay nhăn nhó” thì có tới 31% đã tan vỡ hôn nhân. Nhìn chung thì kết quả thẩm định cho thấy những người có vẻ nghiêm trang quá sẽ có khả năng ly dị cao gấp 5 lần so với những người tươi cười khi chụp ảnh.
Nhưng mặc dù các số liệu là chắc chắn, các nhà tâm lý vẫn không hiểu được nguyên nhân nào đưa tới khám phá khá lạ lùng này. Matthew Hertenstein, giáo sư tâm lý thuộc đại học DePauw của Indiana, nhận định: “Có thể nụ cười là một thái độ tích cực của con người trong cuộc sống, hay những người tươi cười khiến người khác thấy hạnh phúc lây theo”. Hertenstein cho là còn có những lý do khác, thí dụ như ông thấy người tươi vui thường có nhiều bạn bè và có khi chính “mạng lưới bạn bè tươi vui” cũng giúp cho hạnh phúc hôn nhân bền vững. Ngoài ra ông cũng nêu ra một lý do khả dĩ rất thú vị. Đó là các bác phó nhòm khi chụp ảnh hay nói “Nào, mọi người hãy cười lên!” và những người cười thường có khuynh hướng vâng lời một cách vô thức và... vâng lời có khi lại là yếu tố bảo đảm hạnh phúc gia đình!
Các nhà tâm lý còn bàn rộng ra chân trời rộng hơn. Hertenstein nói: “Đó là nụ cười trong ảnh còn là phản ảnh của một dạng xúc động tích cực (positive emotionality) và nét tâm lý này thường mang lại nhiều điều tốt đẹp, một thái độ đa phần lạc quan trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Những khám phá còn thú vị ở chỗ là các ảnh chụp thường khi người ta còn trẻ, có khi rất trẻ và kết quả hôn nhân là rất lâu sau đó”.
Giáo sư Hertenstein kết luận: “Nó củng cố ý tưởng theo đó thì cái gì xảy ra trong tâm trí lúc chụp ảnh có thể giúp tiên đoán chuyện gì có thể xảy ra vài thập niên sau trong lĩnh vực hạnh phúc gia đình”.
( Theo NGUYỄN CAO // Báo Bình Dương)