Ai cũng nghĩ mùa hè cần uống nước nguội, nước lạnh và ăn nhiều trái cây. Nhưng hóa ra không đơn giản như vậy.
Ảnh minh họa |
Điều dưỡng hợp lý theo mùa chẳng những hạn chế sự xuất hiện bệnh tật của mùa đó mà còn tạo cơ sở tốt cho mùa sau. Nếu không điều dưỡng tốt tại mùa này, mùa sau rất dễ bị nhiễm bệnh.
Việc lựa chọn các món ăn trong mùa, nếu có hiểu biết nhất định về dinh dưỡng học cổ truyền, sẽ có lợi rất nhiều so với việc chỉ có kiến thức thuần túy theo y học hiện đại.
Theo Hoàng đế Nội kinh, quyển y thư nổi tiếng, trong quãng thời gian mùa hè (từ lập hạ, 5/5 dương lịch, cho đến lập thu, 7/8 dương lịch, khí nóng quá thịnh khiến miệng khô, tâm phiền, nhiều mồ hôi, thân thể sa sút, mệt mỏi, muốn uống đồ lạnh, ngực oi bức, trướng, ác tâm dục thổ (khó chịu buồn nôn).
Điều ít người để ý là, do tình trạng thấp nhiệt (nóng ẩm) của mùa hạ, nếu thường xuyên ngâm mình trong nước lạnh hoặc vào những nơi ẩm ướt, hoặc sau khi ra mồ hôi nhiều không kịp thời thay quần áo, dễ dẫn đến mắc bệnh thấp.
Đặc điểm của loại bệnh này là thân cảm trầm trọng, tứ chi đau mỏi, đầu căng bụng trướng, đại tiện ít. Một số người dễ bị nhiễm bệnh thấp chẩn, mụn nhọt lở loét.
Mặt khác, do mùa hạ có quan hệ mật thiết với tâm và tỷ, thường bị viêm lưỡi, lưỡi bị viêm loét hoặc thối rữa, hôn mê, nói mê sảng. Ngoài ra, dễ bị tiêu chảy và các bệnh về hô hấp như ho, viêm họng.
Ăn uống và điều lý bệnh
Sau bốn đợt nắng nóng khiến hàng nghìn người nhập viện, đầu tuần này, Bắc và Trung Bộ lại chịu đợt nóng tiếp theo và, từ nay cho đến hết mùa hè (giữa tháng Tám), còn đôi ba đợt nắng nóng nữa. Chuyên trang Sức khỏe kỳ này xin cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản liên quan chế độ dưỡng sinh và phòng bệnh không chỉ cho gần hai tháng mùa hè còn lại. |
Y học cổ truyền cho rằng, phòng chống các bệnh nói trên, việc bồi bổ cơ thể phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chữ thanh.
Chữ thanh bao hàm hai nghĩa. Một là thanh nhiệt - lựa chọn thức ăn có tính mát để lập lại sự cân bằng giữa nội giới và ngoại giới. Hai là thanh đạm nghĩa là dùng đồ ăn thức uống dễ tiêu, dễ ăn và không gây trở ngại cho quá trình tiêu hoá và hấp thu của tỳ vị.
Có thể dùng các đồ ăn và loại thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải thử nhiệt như dưa hấu, canh đậu xanh, hà diệp, ngân hoa, hoắc hương, mai chua...
Để chống lại trạng thái miệng khát, nhiều mồ hôi, không muốn ăn cơm, mệt nhọc, nên chọn những loại đồ ăn thức uống có thể thanh tâm hỏa, phương hương (có mùi thơm), trừ thấp, như củ cải, trúc diệp, lá sen (hà diệp), cúc hoa, bội lan, mạch đông, dưa hấu, phục linh.
Khi ra mồ hôi nên kịp thời thay quần áo. Không nên quá ham mát lạnh, ăn uống nhiều đồ lạnh, sống, nhất là nước đá. Ẩm thực nên thanh đạm, dễ tiêu hoá. Không nên ăn quá nhiều cá, thịt, và đồ cay nóng.
(Theo Lương y Vũ Quốc Trung // Tienphong Online)