Nếu sự viêm nhiễm chỉ xảy ra ở vùng nướu, tình trạng này gọi là viêm nướu, nướu sưng, đỏ, đau. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ hết toàn toàn sau khi điều trị. Nếu sự viêm nhiễm lan đến và phá hủy những cấu trúc bên dưới (như: dây chằng, xương ổ răng…) thì tình trạng này gọi là viêm nha chu. Lúc này, ngoài biểu hiện ở nướu, vị trí sang thương có xuất hiện túi nha chu, có hiện tượng tiêu xương ổ răng, lâu ngày sẽ làm răng bị lung lay nếu không điều trị.
Bệnh nha chu thường xảy ra trước hết do những nguyên nhân tại chỗ như: vôi răng, chấn thương khớp cắn do nhồi nhét thức ăn, các khiếm khuyết của nướu và niêm mạc xung quanh răng… Bệnh lý của tủy răng cũng có thể là nguyên nhân cho những sang thương nha chu. Khi mang thai, sự thay đổi hormone cũng làm gia tăng một số vi khuẩn gây viêm nướu. Ngoài ra, theo y văn, viêm nha chu là biểu hiện của một số bệnh hệ thống như: tiểu đường, các rối loạn về máu, các bệnh di truyền: hội chứng downs, một số hội chứng toàn thân…
Việc điều trị bệnh nha chu nên được đánh giá toàn diện, loại trừ những nguyên nhân gây bệnh tại chỗ, và kiểm soát các yếu tố toàn thân. Cần thời gian và sự kiên nhẫn để có thể điều trị ổn định bệnh viêm nha chu. Vì thế, nếu có dấu hiệu bị bệnh, nên đến cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị sớm, không nên để bệnh tiến triển nặng./.
(Theo Thanh Niên/VOV)