Thuốc có tác dụng tăng độ lọc cầu thận và ức chế tái hấp thu natri tại nephron – đơn vị cấu trúc và chức năng thận.
Các loại thuốc lợi tiểu
Dựa vào cơ chế tác dụng của thuốc lên các vị trí của nephron, người ta chia thành các nhóm sau:
Thuốc lợi tiểu thẩm thấu:
+ Glucose: viên, dịch truyền 5%, 10%, 15%, 30%, 40%, 50%.
+ Mannitol: dịch truyền 5%, 10%, 20%.
Thuốc lợi tiểu ống lượn gần: thuốc ức chế men carbonic anhydraza (acetazolamid, diamox) viên 125mg, 250mg, ống 500mg/5ml.
Thuốc lợi tiểu quai ức chế tái hấp thu natri ở nhánh xuống quai Henlé:
+ Furosemid (lasix, lasilix) gồm viên 40 mg và ống 20 mg. Đây là loại thuốc lợi tiểu mạnh.
+ Acid etacrinic viên 25mg, 50 mg. Lọ 50mg tiêm tĩnh mạch.
+ Bumétanide (burinax, bumex) viên 1 mg, ống 0,5mg.
+ Pirétanide (arélix, diumax) viên nang 6mg.
Nhóm thiazid: Đó là những dẫn chất của sulfonamid:
+ Hydrochlorothiazid (esidrix, didral) viên 25mg, 50 mg, 100mg.
+ Clortalidone (hygroton, uridon) viên 15mg, 25mg, 50 mg.
+ Indapamide (fludex, natrilix) viên 1,25mg; 1,5mg; 2,5mg.
Thuốc dùng trong tăng huyết áp đơn thuần. Các thuốc này ức chế tái hấp thu natri ở đoạn gần của ống lượn xa, phần pha loãng.
Nhóm ống góp vỏ bao gồm:
+ Triamteren (teriam) viên 50 mg, 100mg.
+ Amiloride (modamide) viên 5 mg.
+ Kháng aldosteron (spironolactone – aldacton) viên 25 mg, 50 mg, 100 mg. Các thuốc nhóm này kháng lại sự trao đổi natri/kali, tác dụng lợi tiểu yếu và muộn. Dùng trong xơ gan, suy tim. Không dùng khi đái ít, suy thận.
Thuốc lợi tiểu từ thảo mộc: râu ngô, chè xanh, hoa hòe, kim tiền thảo… Các thuốc này có tác dụng yếu.
Dùng thuốc lợi tiểu trong trường hợp nào?
Các thuốc lợi tiểu được chỉ định trong một số bệnh lý sau:
- Tăng huyết áp: tùy theo mức độ và giai đoạn để chọn đơn trị liệu hay đa trị liệu (phối hợp với thuốc hạ áp).
+ Nhóm thiazid viên 25 mg. Chỉ định trong tăng huyết áp đơn thuần, bệnh lý thận nhẹ, chưa suy thận.
+ Nhóm lợi tiểu quai viên 40 mg chỉ định trong tăng huyết áp của các bệnh thận, kể cả đã suy thận.
- Suy tim: trong suy tim có phù, đái ít vì ứ trệ natri và dịch ngoại bào. Thuốc lợi tiểu được chọn là:
+ Nhóm thiazid viên 25mg. Thận trọng khi đang dùng thuốc digitalin.
+ Nhóm lợi tiểu quai furosemid viên 40 mg.
+ Nhóm lợi tiểu giữ kali spironolacton viên.
- Xơ gan cổ trướng:
+ Nhóm thiazid viên 25mg.
+ Nhóm furosemid viên 40 mg.
+ Nhóm giữ kali viên 50 mg, 100 mg.
- Bệnh thận có phù, đái ít: Thường dùng thuốc lợi tiểu quai (furosemid) viên hoặc ống viêm tĩnh mạch. Trong trường hợp suy thận, vô niệu mới hình thành có thể dùng liều cao gây lợi tiểu cưỡng bức. Ít chỉ định nhóm thiazid và không chỉ định nhóm kháng aldosteron khi có suy thận.
- Bệnh thiên đầu thống: Thuốc ức chế men carbonic anhydraza (diamox) được chỉ định trong bệnh thiên đầu thống.
Tác dụng không mong muốn của thuốc lợi tiểu
Khi dùng thuốc lợi tiểu người bệnh có thể gặp các tác dụng có hại sau:
- Dị ứng thuốc: nổi mẩn, ngứa, đau bụng, đi ngoài…
- Rối loạn cân bằng điện giải – nước:
+ Hạ kali huyết: thường gặp ở bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu quai (furosemid) gây tê bì, co rút các ngón tay, ngón chân.
+ Hạ natri và mất nước gây hạ huyết áp, có khi truy tim mạch.
+ Tăng kali huyết khi dùng lợi tiểu nhóm giữ kali (spironolactone – aldactone).
- Rối loạn chuyển hóa:
+ Tăng acid uric huyết.
+ Rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol và triglycerid huyết).
Vì vậy cần dùng thuốc lợi tiểu hợp lý, không tự động dùng thuốc khi chưa có ý kiến của thầy thuốc, đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em để đề phòng tai biến của thuốc./.
(Theo Sức khỏe & Đời sống/VOV)