Nếu có biến động giá ở các khu vực trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp sẽ tổ chức bán hàng lưu động để cung ứng kịp thời - Ảnh: Minh Tâm |
Sở Công Thương TPHCM sẽ điều phối để các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá mang hàng về cung ứng cho các khu vực trên địa bàn thành phố nếu nơi đó xảy ra tình trạng đột biến tăng giá.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo như vậy trong cuộc họp với các sở ban ngành về tình hình thực hiện bán hàng và chuẩn bị nguồn cung của chương trình bình ổn giá vừa diễn ra sáng 25-8. Theo ý kiến chỉ đạo của bà Hồng, UBND tất cả các quận, huyện phải nắm chắc tình hình giá cả trên địa bàn, nếu có tình trạng đột biến về giá xảy ra phải báo cáo ngay với Sở Công Thương để đơn vị này điều phối các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động, cung ứng hàng hóa kịp thời, tránh tình trạng "sốt" giá cục bộ. Hàng cung ứng cho khu vực biến động giá sẽ là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng các loại, dầu ăn… do các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực hiện. Đặc biệt, ở mặt hàng thịt heo, trong bối cảnh dịch heo tai xanh đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải có phương án dự trữ thịt đông lạnh lẫn thịt heo tươi đủ cung ứng cho thị trường trước, trong và sau tết. Tương tự, các mặt hàng thay thế như trứng gia cầm, thịt gia cầm... cũng có thể phải tăng thêm lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường khi sức mua thịt heo giảm. UBND TPHCM sẽ xem xét việc rót thêm vốn cho các doanh nghiệp và mời thêm các đơn vị khác tham gia chương trình bình ổn. Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, trại chăn nuôi, kho hàng của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá như Công ty Ba Huân, Công ty Vĩnh Thành Đạt, Công ty Vinh Phát, Vissan, Saigon Co.op… cho thấy nguồn hàng phục vụ chương trình đảm bảo đầy đủ. Các đơn vị đều có kế hoạch sản xuất hoặc liên kết sản xuất với nông dân để tạo nguồn hàng, thu mua dự trữ hàng. Trên toàn thành phố hiện có 2.085 điểm bán hàng bình ổn. Theo thông tư 122 vừa được Bộ Tài chính ban hành và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 10 tới, mặt hàng sữa phải thực hiện đăng ký giá khi bán lần đầu hoặc trước mỗi lần điều chỉnh giá. Do vậy, UBND TPHCM quyết định không đưa sữa vào danh mục hàng bình ổn giá như đề nghị trước đó của một số đơn vị.TPHCM: Không đưa sữa vào danh mục mặt hàng bình ổn giá
(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)