LTS. Để nuôi ước mơ đại học, nếu kinh tế gia đình eo hẹp lại khó tiếp cận một chính sách cho vay vốn đi học của Nhà nước thì sinh viên phải xoay xở đủ cách, từ vay nóng, thế chấp tài sản đến lên mạng cầu cứu, chấp nhận làm thêm bất cứ chuyện gì, kể cả bán thân!
Người viết đang thoả thuận vay tiền với chủ tiệm cầm đồ T.A ở làng đại học Thủ Đức. |
Trong vai một sinh viên kẹt tiền đóng học phí, PV Sài Gòn Tiếp Thị đã tiếp cận những điểm cho vay nóng, cầm đồ này để hình dung phần nào nỗi khốn đốn của sinh viên con nhà nghèo.
Các địa điểm cho vay nóng, cầm đồ mọc nhan nhản gần các trường đại học. Sinh viên đến đây với nhiều lý do: cần tiền đóng học phí, trả nợ, đóng viện phí, mua quà tặng bạn… Có người cầm thẻ sinh viên lấy 300.000 đồng để lo cho gần một tháng tiền ăn.
Tiệm cơm, quán càphê kiêm cho vay nóng
Hữu Chí, cựu sinh viên dẫn chúng tôi tới làng đại học Linh Trung (quận Thủ Đức) nói rành rẽ: “Ở đây có ba, bốn tiệm cho vay nóng kiêm cầm đồ, khách chủ yếu là sinh viên”. Tuy nhiên, Đ.B – tiệm đầu tiên mà cựu sinh viên này giới thiệu – có mặt tiền là nơi bán cơm. Khi vòng xe ra sau nhà thì mới thấy một hệ thống phòng biệt lập: đây là tiệm cầm đồ kiêm cho vay nhưng không công khai. Một người trung niên thấy khách lạ, bước ra dò xét. Sau khi hạch hỏi ai giới thiệu, sinh viên trường nào… thì người này mới hỏi “Muốn vay (bao) nhiêu?” Ở đây nhận cầm giấy tờ xe, chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên mỗi loại 300.000 đồng, lãi suất 5%, còn cầm xe thì mỗi đợt vay là 10% (vay 1 triệu đồng thì tiền lời 10.000 đồng/ngày). Quán này mở đã lâu và là quán duy nhất cho vay nóng với điều kiện để lại thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân. Đây là điểm cho vay có nhiều khách sinh viên nhất bởi lãi thấp, điều kiện dễ dàng.
Qua một địa chỉ khác ở ngã ba ký túc xá, quán này đặc biệt hơn bởi cái biển hiệu “hai trong một”: hiệu thuốc và hiệu cầm đồ. Đây cũng là nơi cho vay nóng, nhưng chỉ tiếp người quen. Thử vay tiền đóng học phí, bà chủ tiệm lắc đầu: “Chỉ cầm nữ trang, không cho vay tiền nữa”. Cố thương lượng thêm như muốn cầm xe, dây chuyền bạc thì bà chủ vẫn lắc đầu vì “trông cậu lạ quá”. Ngoại trừ tiệm này có trưng biển hiệu cầm đồ, các địa chỉ cho vay nóng khác ở khu vực này chủ yếu hoạt động ngầm. Có những quán bề ngoài kinh doanh càphê, karaoke… như ở quán cà phê Tr., khách quen có thể vay 300.000 đến 500.000 đồng mà không cần thế chấp giấy tờ. “Muốn vay số tiền lớn phải chịu lãi suất 10% và có người bảo lãnh”, Hữu Chí cho biết.
Từ cầm đồ đến lên mạng… bán thân
Cùng với vay nóng, cầm đồ đang là giải pháp được nhiều sinh viên lựa chọn mỗi khi túng tiền. Cùng phải đóng tiền lãi như vay nóng, nhưng cầm đồ có thể mang lại khoản tiền lớn hơn. Gần khu vực các trường học, tiệm cầm đồ đang xuất hiện với mật độ ngày càng dày và khách hàng chủ yếu tất nhiên là sinh viên.
Khu vực trường đại học Giao thông vận tải (cơ sở 2) trên đường Lê Văn Việt (quận 9), có đến ba, bốn tiệm cầm đồ. Xách laptop vào hỏi một hiệu cầm đồ cách cổng trường khoảng 200m, anh chủ tiệm không cần hỏi lý do, chỉ săm soi chiếc máy tính và ra giá. Anh này xác nhận, đa số điện thoại di động trong quầy và những chiếc máy tính xếp trên kệ đều của sinh viên. Khu vực đại học Sư phạm kỹ thuật, đại học Công nghiệp, đại học Kỹ thuật công nghệ cũng xuất hiện nhiều tiệm cầm đồ với khách chủ yếu là sinh viên…
Mạng internet cũng là một kênh kiếm tiền đang được các sinh viên rỉ tai nhau. Người thì rao bán điện thoại, máy ảnh, máy tính, xe máy thậm chí… “đổi tình lấy tiền” và “nhận làm bất cứ việc gì, bất cứ giờ nào”. Đa số người đi vay đều nêu lý do “kẹt tiền đóng học phí”, “trang trải học hành”, “về quê thăm nhà”… Cũng có người cầu cứu cộng đồng mạng chỉ giúp chỗ vay tiền, với lời rao: “Ai biết chỗ cho vay nóng thì chỉ cho em nha, em là sinh viên nhưng thiếu tiền học phí”, “Mình là nam sinh viên cần vay một số tiền là bảy triệu để trả nợ vì bị lừa, mình không có gì giá trị để thế chấp cả”…
Tưởng rằng vay tiền từ nguồn vay tư nhân sẽ thuận lợi hơn vay vốn ngân sách Nhà nước, nhưng nhiều khi nắm được một địa chỉ vay nóng, thế chấp tài sản mà cũng chưa thể cười được, phải trải qua bao nhiêu hạch hỏi, dò xét... Đó là chưa kể đến những sinh viên không có tài sản gì để thế chấp thì biết lấy tiền đâu trang trải việc học? (Còn tiếp)
BÀI TRUNG DŨNG ẢNH P.V.TIỆP
|
( Theo T.VĂN // Báo SG Tiếp Thị Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com