Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài 2: Khó khăn chồng chất

Những bất cập của chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên vô tình đẩy những gia đình nghèo vào cảnh thêm khốn khó. Do thủ tục rắc rối nhiêu khê, không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Đã vậy, năm học này nhiều gia đình bị rơi vào thế bí khi ngân hàng ngưng cho vay những trường hợp không có sổ hộ nghèo…

  • Bài 1: Theo chân đi vay nóng

“Hết cách nên đi vay nóng”

 
Trần Hữu Phước và xấp hồ sơ vay vốn tín dụng bị từ chối.

Lật tới lật lui tập hồ sơ vay vốn ngân hàng, Trần Hữu Phước, sinh viên khoa cơ khí chế tạo máy đại học Sư phạm kỹ thuật, buồn giọng: “Ngân hàng ngưng cho vay vốn đột ngột, tiền học phí giờ em chưa biết tính sao. Ba năm trước đều được vay vốn, giờ nộp hồ sơ họ bảo không có sổ hộ nghèo thì không được vay. Ba mẹ em đang tính bán đất vì em học năm cuối rồi bỏ thì uổng quá”. Lớp Phước có 50 sinh viên thì tới 80% phải vay vốn đi học.

Bức xúc như Phước, Trần Thị Kiều Ni, quê Dăk Nông, sinh viên năm cuối trường đại học Ngân hàng, rầu rĩ: “Nhà nghèo, bố mẹ làm mướn nên để nuôi hai chị em em học đại học phải vay vốn ngân hàng. Nhưng năm nay họ không thông báo gì, cắt cái rụp nên nhà em phải ứng trước tiền bán càphê gửi xuống cho hai chị em”. Thông tin ngưng cho vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội còn làm nhiều gia đình khác rơi vào thế bị động. Bà Trương Thị Ngọc Lành bật khóc khi kể về hành trình vay vốn đi học của cháu mình là Trần Quang Huy, sinh viên đại học Kiến trúc TP.HCM: “Gia đình đơn thân, điều kiện kinh tế khó khăn mà không được vay tiền đi học thì biết tính sao”. Ngày biết tin Huy đậu đại học, thay vì vui nhà bà lại khóc bởi “không biết có nuôi nổi cho nó ăn học”. Nghe tin sinh viên được vay vốn, bà chạy hết nơi này, nơi khác hỏi tin, làm giấy tờ thủ tục, chờ cả tháng trời rồi cuối cùng cũng được vay 8.600.000 đồng, nhưng “năm nay nghe nói không có sổ hộ nghèo thì không được vay, Huy còn ba năm ăn học, chẳng lẽ đau lòng nhìn cháu nghỉ học”.

Theo các sinh viên, trước đây để nhận được tiền tín dụng cũng hết sức gian nan bởi quá nhiều thủ tục, nhiều khâu trung gian. Làm xong thủ tục chờ cả tháng trời mới có tiền. Có những gia đình dù làm đủ hồ sơ vẫn không thể tiếp cận được nguồn tín dụng này. Hai năm nay, không biết bao nhiêu lần bà Nguyễn Thị Loan cũng như cô con gái cứ chạy tới chạy lui hết trụ sở phường đến ngân hàng chính sách địa phương để nộp hồ sơ vay vốn. Nhưng mẹ con bà chỉ nhận được những lời hứa suông. Biết có chờ thêm cũng chẳng được, từ ngày con rời Đồng Tháp lên TP.HCM học, bà luôn trong tâm thế sẵn sàng đi vay tiền để gửi cho con.

Tự thân vận động

Đã có 1,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn

• Năm đầu tiên (2007) thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên, dư nợ cho vay là 2.807.034 triệu đồng, với 629.367 học sinh, sinh viên • Đến 12.2008, dư nợ cho vay là 9.740.810 triệu đồng, với 1,2 triệu học sinh, sinh viên • Đến tháng 12.2009, dư nợ cho vay là 18.230.856 triệu đồng, với 1,6 triệu học sinh, sinh viên• Sau ba năm, đến hết tháng 8.2010, dư nợ cho vay trên 24.000 tỉ đồng, với trên 1,9 triệu học sinh, sinh viên của trên 1,7 triệu hộ gia đình được vay vốn• Một lãnh đạo ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, cho biết mức cho vay đối với học sinh, sinh viên năm học này là 860.000 đồng/tháng/người, lãi suất 6%/năm.

Theo phản ánh của sinh viên và phụ huynh, ngay cả khi đã nhận tiền cũng chưa thể cười nổi. Nguyễn Thị Phước, sinh viên đại học Kỹ thuật công nghệ cho rằng: “Đầu năm học là thời điểm phải chi nhiều khoản như học phí, mua sắm đồ dùng cá nhân, thuê phòng trọ… Tuy nhiên, sau khi nhập học trường mới xác nhận sinh viên, lúc đó mới được vay vốn thì không kịp”. Cũng theo Phước, vay vốn ngân hàng là chuyện của người vay và ngân hàng nhưng lại bắt buộc phải qua trung gian là địa phương, nên nếu “cửa” này bị tắc, người vay vốn đi học phải mòn mỏi chờ. Nguyễn Phú Quí, sinh viên đại học dân lập Văn Lang, đúc kết: “Lúc cần tiền để đóng học phí thì chưa nhận được tiền giải ngân, trong thời gian đó gia đình phải vay tiền ở ngoài chịu lãi”. Còn Phạm Thị Kiều Trang, sinh viên đại học công nghệ Sài Gòn, bộc bạch: “Em qua xã thì họ bảo phải chờ ý kiến của ngân hàng, qua ngân hàng huyện thì lại nói chờ danh sách xã gửi lên. Chạy lòng vòng cuối cùng họ xin số điện thoại sau này sẽ liên lạc, đến nay đã nửa học kỳ mà chưa thấy đả động gì”. Trong thời gian chờ đợi, gia đình ở quê phải vay nóng gửi lên cho Trang.

Chính vì những bất cập đó mà sinh viên phải tự xoay xở tiền nong khi cần kíp. “Sinh viên kỹ thuật thì cần mua đồ thực hành nhiều, mà tiền cho vay chỉ đủ đóng học phí và tiền ăn ở, chưa kể những lúc đau ốm”, Hữu Phước nói. Vì vậy, mấy năm nay Phước phải bươn chải làm thêm đủ nghề từ dạy kèm tới phụ nhà hàng, chạy bàn quán càphê… “Có cái máy tính nhưng em không dám cầm vì cầm thì lấy gì làm đồ án tốt nghiệp?” Cùng tình cảnh, vì không vay được tiền tín dụng nên Nguyễn Thị Phước phải tất bật làm thêm – “Đợt rồi mẹ không gửi tiền lên kịp để đóng học phí, em suýt nữa nghỉ học nhưng may mượn được bốn triệu của một người cùng chỗ làm”…

Sự quan liêu trong quá trình xét duyệt thủ tục của chính quyền địa phương cũng vô tình đẩy nhiều sinh viên nghèo vào thế bí. Chị Kim Dung, có em học ở khoa kinh tế đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: “Làm đủ thủ tục, chờ mãi vẫn không được vay. Lên hỏi thì phía ngân hàng bảo phải có xác nhận của hiệu trưởng, không chấp nhận chữ ký của trưởng khoa. Gia đình phải viết giấy trình bày, trưởng khoa đích thân ký và bổ sung thêm giấy xin phép thành lập khoa trực thuộc mới được”. Cũng vì thiếu một con dấu mà hai năm nay Huỳnh Thanh Sang, sinh viên học viện Hành chính quốc gia đi học trong tình trạng nợ học phí. Khi Sang trúng tuyển, gia đình làm hồ sơ xin vay vốn nhưng bị từ chối vì “không chấp nhận dấu mộc của cơ sở hai”. “Em phải đi làm thêm đủ việc từ phát tờ rơi, dạy thêm… để tự lo tiền ăn học vì gia đình nghèo, mẹ lại bị bệnh nặng. Năm rồi em của em đậu vào đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhưng không có tiền học phải xin bảo lưu để đi làm thêm. Em làm tiếp hồ sơ vay vốn nhưng họ bảo chờ”, Sang kể.

Khi chúng tôi hỏi nhà trường có chính sách hỗ trợ như liên kết với ngân hàng nào tạo nguồn vốn giúp sinh viên thì đa số sinh viên đều lắc đầu. Liên hệ lãnh đạo một số trường để hỏi về việc này, các vị này đều cho biết là không có. Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên một trường đại học tại TP.HCM (xin giấu tên), thừa nhận: “Mấy năm trước trường có liên kết với một ngân hàng cho sinh viên vay vốn và phát hành thẻ nhưng giờ thì không. Vì siết nợ sinh viên bằng cách giam bằng, bị phản ảnh quá nên chúng tôi ngưng. Giờ chỉ tạo điều kiện giấy tờ cho các em được vay vốn tín dụng ở địa phương thôi”.

(còn tiếp)

BÀI VÀ ẢNH: TRUNG DŨNG

(Theo sgtt)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi