Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Thành tựu và giải pháp

Trong thời gian qua Nhà nước ta đã có nhiều chương trình, chính sách, để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bước đầu đã đạt được những thành tựu hết sức có ý nghĩa, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên thách thức đặt ra cho đầu tư cho hạ tầng nông thôn còn rất lớn. Để giải quyết phần nào những thách thức đặt ra, bài viết kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
   
Những thành tựu đạt được


Khi nói đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chúng ta thường nhắc tới các hạng mục công trình như: Đường giao thông (trong thôn, liên thôn, liên xã, liên huyện...), hệ thống thuỷ lợi (các công trình thuỷ nông tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp), hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện, công trình văn hoá thể thao, trạm y tế, trường học, thông tin liên lạc...
 

Chè Tuyên Quang

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhờ tập trung đầu tư của Nhà nước, cùng với sự đóng góp của nhân dân, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được cải thiện đáng kể, điều kiện sống, ăn ở, đi lại học hành, bộ mặt kinh tế-xã hội ở nông thôn có sự thay đổi rõ rệt.

Từ năm 1999 đến nay đã huy động được trên 29 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trong nước, kết hợp với tài trợ quốc tế để xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó nhân dân đóng góp hơn 12 nghìn tỷ đồng (chiếm 41,99%) và hơn 409 triệu ngày công lao động; địa phương đóng góp hơn 9,7 nghìn tỷ đồng (33,26%); Trung ương hỗ trợ hơn 2,5 nghìn tỷ đồng (8,76%); các nguồn huy động khác hơn 4,6 nghìn tỷ đồng (15,99%). Đến năm 2006 cả nước có 8.792 xã có đường ô tô đến được trụ sở UBND xã, chiếm 96,9% tổng số xã  (năm 1994 là 87,9% và năm 2001 là 94,2%); trong đó, có 8.488 xã (chiếm 93,55%) có đường ô tô đi lại được quanh năm, có 6.356 xã (chiếm 70%) đường ô tô được nhựa, bê tông hóa.

Về thuỷ lợi: Tới nay, cả nước có trên 1.952 hồ chứa có dung tích chứa trên 0,2 triệu m3 nước; 10 ngàn trạm bơm, 1000km kênh trục chính... Tổng năng lực thiết kế tưới của các hệ thống đảm bảo cho 11,45 triệu ha gieo trồng, trong đó tưới cho 6,85 triệu ha đất lúa, 1 triệu ha rau màu; đảm bảo tiêu cho khoảng 1,71 triệu ha, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo 1,6 triệu ha đất, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ trên 5 tỷ m3/năm. Trong giai đoạn 2001 - 2005, năng lực tưới đã tăng thêm 575 ngàn ha, năng lực tiêu tăng thêm 235 ngàn ha.

Về điện lưới quốc gia: Điện lưới quốc gia đã cấp điện cho 525/536 huyện đạt 97,95%; 10.522 xã phường có điện lưới quốc gia, đạt 96,80%; số hộ dùng điện lưới quốc gia đạt 93,34%.

Về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn:  Đến cuối năm 2005, đạt tỷ lệ 62% dân cư nông thôn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đạt vệ sinh. Tới cuối năm 2007, đã có 70% cư dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh và có khoảng 30% người dân được dùng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, 12% số xã có hệ thống thoát nước thải chung...

Nhờ đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nên đã tạo điều kiện phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nên thu nhập của người dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã giảm rõ rệt. Trong 5 năm 2001-2005, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,4%/năm, vượt mức mục tiêu Đại hội đảng IX (4,8%), năm 2006 tăng 4,1%, năm 2007 tăng 4,6%. Năm 2006, thu nhập bình quân 1 hộ nông thôn đạt 26,1 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng (75,8%) so với năm 2002; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 18% giảm 3,2% so 2004. Năm 2002, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố ở khu vực nông thôn tương ứng là 12,58% và 59,19% thì năm 2006 tăng lên là 17,2% và 61%; tỷ lệ nhà tạm giảm từ 28,2% xuống còn 19,3%.

Những thách thức trong thời gian tới

Các thành tựu đạt được trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua là hết sức đáng kể như đã đề cập. Tuy nhiên, hiện trạng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn hiện còn là vấn đề rất lớn như: Hiện còn 281 xã chưa có đường ô tô đến khu vực trung tâm, hệ thống đường tới trung tâm xã mới được 70% là đường nhựa, bê tông hoá, thiếu nhiều đường liên thôn. Nhiều vùng còn thiếu nước sinh hoạt gay gắt vào mùa khô, chất lượng nước sinh hoạt mới được khoảng 30% đạt tiêu chuẩn y tế. Trong đầu tư cho tưới tiêu, hệ thống thuỷ lợi, mới chỉ 2,4/4,1 triệu ha đất lúa được tưới, khoảng 50% cà phê, 20% rau màu được tưới. Nhiều hệ thống thuỷ lợi xuống cấp, không đồng bộ nên hiệu quả thấp, chỉ phát huy được 60-70% công suất thiết kế, mới 19% kênh mương được kiên cố hoá, tình trạng thẩm thấu lãng phí nước còn khá phổ biến. Điện dùng cho nông nghiệp, nông thôn chưa được đảm bảo, mới được 95% hộ dân có điện dùng. Các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở nông thôn khác cũng còn thiếu và xuống cấp nhiều...

Đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% yêu cầu thực tế, đầu tư còn dàn trải, nhiều công trình chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao, chất lượng kết cấu hạ tầng còn kém xa so với thành phố.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cho thấy đầu tư của Nhà nước và xã hội cho khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Trong giai đoạn 2001-2005, tổng mức đầu tư toàn xã hội vào khu vực nông nghiệp, nông thôn là khoảng 358 nghìn tỷ đồng (chiếm 30%) tổng nguồn đầu tư toàn xã hội, trong đó Nhà nước 193 nghìn tỷ đồng (54%), đầu tư từ các khu vực ngoài Nhà nước khoảng 165 nghìn tỷ đồng (46%). Năm 2006, đầu tư ngân sách cho nông nghiệp đạt 15%, bằng 7% giá trị sản xuất nông nghiệp, 1,3% GDP.

Trong thời gian tới nhu cầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra cho những năm tới là rất lớn như:

Đến năm 2010 đảm bảo có đường ô tô đi lại 4 mùa đến tất cả các xã, cụm xã (trừ hải đảo), 70% mặt đường được cứng hoá... Phấn đấu đến năm 2020 cấp đủ nước để khai thác 11 triệu ha đất nông nghiệp; 80% diện tích đất nuôi trồng được cấp nước chủ động; 100% cư dân nông thôn có nước sạch và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh... Đảm bảo điện cho sản xuất nông nghiệp; Điện cho sinh hoạt; Chất lượng điện ở địa bàn nông thôn. Đến năm 2020, 100% hộ nông thôn có điện sử dụng...

Giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển


Thứ nhất, điều chỉnh lại chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách giá cả, ổn định giá vật tư xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch ngói,...

Thứ hai, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn từ mức 33% hiện nay lên mức khoảng 50% tổng vốn đầu tư Nhà nước cho toàn bộ nền kinh tế. Trong tổng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cho hạ tầng chiếm tỷ trọng khoảng 2/3.

Thứ ba, huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

Để có nguồn tăng thêm đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần có chủ trương chuyển một số dự án lớn về hạ tầng cơ sở giao thông, bến cảng, đê biển trước đây đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước sang kêu gọi các nguồn vốn khác đầu tư (như BOT, BT, BOO chẳng hạn), vốn ngân sách nhà nước chủ yếu dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, cho các vấn đề xã hội, cho xoá đói giảm nghèo, cho giáo dục, y tế, cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa,...

Xây dựng chính sách xã hội hoá về nước sạch, vệ sinh nông thôn, xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá xã hội, xử lý môi trường ở các vùng có điều kiện để dồn lực cho các vùng khó khăn. Hướng hỗ trợ chia 3 mức: (i) hỗ trợ một phần đối với các xã ven các đô thị hạng 3 trở lên; (ii) hỗ trợ đối với các xã đặc biệt khó khăn và (iii) hỗ trợ các xã còn lại.

Thứ tư, xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư về hạ tầng hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, cơ sở chăn nuôi tập trung, giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm.

Thứ năm, tăng cường công tác giám sát cộng đồng đối với các công trình hạ tầng nông thôn, công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra vốn nhà nước, kỷ luật báo cáo về các dự án đầu tư, hoàn thiện các văn bản về đầu tư.

Thứ sáu, đổi mới công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với kế hoạch. Việc xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng phải đặt trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, khắc phục tình trạng điều chỉnh nhiều lần quy hoạch./.
    

(Trần Anh Dũng - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
  • Rút ngắn - Yêu cầu khách quan để Việt Nam “hóa rồng”
  • Một số vấn đề trong quá trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
  • Về chủ trương trồng 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên
  • Một số vấn đề về phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố Hồ Chí Minh
  • Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh
  • Kinh nghiệm kiềm chế lạm phát của thế giới: Giải pháp phải đồng bộ
  • Phân biệt mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số trong lập kế hoạch phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi