Thành phố Cần Thơ hiện có 5 khu công nghiệp (KCN) tập trung với tổng diện tích tự nhiên 924 ha, bao gồm: KCN Trà Nóc I với qui mô diện tích 135 ha, KCN Trà Nóc II với qui mô diện tích 165 ha, KCN Hưng Phú I có diện tích tự nhiên 262 ha, KCN Hưng Phú II có diện tích tự nhiên 212 ha và KCN Thốt Nốt có diện tích tự nhiên 150 ha. Trong 5 KCN nêu trên chỉ có KCN Trà Nóc I là xây dựng kết cấu hạ tầng khá tốt, đáp ứng được yêu cầu của các chủ đầu tư đến thuê đất để sản xuất kinh doanh và đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp.
![]() |
Bến Ninh Kiều, Cần Thơ |
Những kết quả đạt được
Năm 2006, các KCN của TP Cần Thơ có 75/139 doanh nghiệp hoạt động với tổng doanh thu đạt 740,3 triệu USD, tăng 22,6% so với năm 2005; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 481,3 triệu USD tăng 20,3% so với năm 2005, chiếm 73% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Thành phố; dịch vụ thương mại đạt 259,0 triệu USD, tăng 27,1% so với năm 2005; kim ngạch xuất khẩu đạt 225,2 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2005, chiếm 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Thành phố; nộp thuế các loại đạt 841,4 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2005, chiếm 48,7% tổng thu ngân sách nội địa của toàn Thành phố.
Năm 2007, các KCN của TP Cần Thơ có 157 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 883,6 triệu USD, tăng 47,6% so với năm 2006; trong đó có 21 dự án đầu tư mới tăng 16,7% so với năm 2006; có 24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 280 triệu USD, tăng 78,8% so với năm 2006; thu hút mới 8.620 lao động, tăng 34,6% so với năm 2006, nâng tổng số lao động có việc làm tại KCN Cần Thơ lên 26.098 lao động.
Với kết quả về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả xuất khẩu, đóng góp ngân sách như kể trên, cho thấy, các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã góp phần tích cực làm cho nền kinh tế Thành phố sống động hơn, biến tiềm năng đất đai sình lầy, sinh lợi thấp, sau khi xây dựng KCN, thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh đã trở nên sầm uất, đời sống kinh tế - xã hội trong vùng được cải thiện rõ rệt.
Bài học kinh nghiệm
Từ những kết quả nêu trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm bước đầu trong quá trình phát triển các KCN của TP Cần Thơ như sau:
Một. Cần có chính sách cụ thể, linh hoạt trên cơ sở đảm bảo lợi ích thoả đáng cho các bên trong việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho KCN
Thu hồi đất và giải phóng mặt bằng cho KCN hiện nay được coi là khâu mấu chốt quyết định sự thành công của các KCN và là khâu có nhiều khó khăn nhất được ghi nhận trong thời gian qua.
Thứ nhất, các cơ chế chính sách liên quan đến thu hồi đất và bồi thường giải toả còn quá nhiều bất cập, chính sách tái định cư không được chú trọng đúng mức, dẫn đến người dân không ủng hộ, đôi khi dẫn đến bất hợp tác, cản trở việc triển khai dự án KCN, ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững KCN.
Thứ hai, nhận thức tốt vai trò của chính quyền địa phương trong tổ chức đền bù, giải toả, bố trí vốn ngân sách hỗ trợ, hoặc hỗ trợ được vay vốn ưu đãi để triển khai công tác giải phóng mặt bằng KCN, là rất quan trọng, giúp việc đền bù giải toả tạo ra “đất sạch” nhanh chóng, xoá bỏ tình trạng quy hoạch “treo”, giải toả “treo”, thiếu “đất sạch” phục vụ các nhà đầu tư như hiện nay.
Thứ ba, sự phát triển bền vững của các KCN phải gắn liền với sự phát triển của các khu dân cư xung quanh KCN. Ngoài khu tái định cư, phải khuyến khích xây dựng khu nhà ở cho công nhân, nhà giá rẻ bán trả dần cho người lao động và cán bộ làm việc trong KCN, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với KCN.
Hai. Phải công khai hoá một cách rộng rãi và minh bạch quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết KCN
Ngày 7/9/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2025 định hướng rõ: TP Cần Thơ phải hình thành thêm từ 3.000 đến 3.800 ha đất cho KCN tập trung, kể cả kho tàng và cảng; ngoài ra còn bố trí khoảng 4.000 ha đất dự trữ tại Nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ để phát triển công nghệ và đô thị khi cần thiết. Nội dung quy hoạch này nhằm thực hiện Nghị quyết 45/NQ/TW, ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị định hướng cho TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sớm trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Do vậy, phải công khai hoá một cách rộng rãi và minh bạch quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết TP Cần Thơ theo định hướng đô thị loại I trực thuộc Trung ương; quy hoạch phát triển các KCN không có nghĩa là chỉ xác định số lượng bao nhiêu, qui mô như thế nào, đặt ở đâu mà cần tính đến những tác động có thể có về mặt môi trường và xã hội. Phát triển KCN đi đôi với quy hoạch đồng bộ mạng lưới khu dân cư, đô thị mới với các điều kiện sinh hoạt hiện đại. Quy hoạch KCN mới cần phải theo xu thế: (1). Chuyển từ KCN sản xuất sản phẩm sử dụng nhiều lao động, tài nguyên sang sử dụng nhiều vốn và công nghệ kỹ thuật cao; (2). Chuyển từ KCN có ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường sang sản phẩm công nghiệp sạch; (3). Chuyển từ KCN sản xuất, kinh doanh đơn thuần sang KCN kết hợp sản xuất kinh doanh với nghiên cứu khoa học công nghệ và triển khai kỹ thuật công nghệ cao.
![]() |
Ba. Phải hợp tác xây dựng được hệ thống các qui định chi tiết xử phạt hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, làm cơ sở cho việc quản lý môi trường và tăng cường tính răn đe trong việc thực thi nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong KCN
Vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển các KCN hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của các KCN gây ra ngày càng trở nên trầm trọng. Thực tế cho thấy một tình trạng phổ biến là phần đông các doanh nghiệp KCN đều chưa tuân thủ đầy đủ các ràng buộc về bảo vệ môi trường (cả môi trường nước, chất thải rắn, không khí và tiếng ồn). Do vậy, bảo vệ môi trường trong các KCN phải được coi là một nội dung quan trọng cần thực hiện với những giải pháp thiết thực và cấp bách, để đảm bảo tính bền vững trong phát triển các KCN.
Trước hết, Nhà nước mà cụ thể là các cơ quan có liên quan, như: Bộ Công An, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính,... phải hợp tác xây dựng được hệ thống các qui định chi tiết xử phạt hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, làm cơ sở cho việc quản lý môi trường và tăng cường tính răn đe trong việc thực thi nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong KCN.
Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh tham gia bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, cần quan tâm không thu tiền thuê đất đối với diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải và nước thải bảo vệ môi trường, kể cả khu xử lý tập trung và các khu xử lý cục bộ trong các doanh nghiệp.
Bốn. Cần có chính sách đồng bộ về đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo lao động kỹ thuật tại chỗ, đáp ứng cho nhu cầu phát triển dài hạn của các KCN
Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nhân công, kể cả lao động quản lý lẫn lao động phổ thông, đang trở thành một vấn đề quan trọng tại các KCN Cần Thơ. Vì vậy, Thành phố cần có chính sách đồng bộ về đào tạo cán bộ quản lý và đào tạo nghề phục vụ nhu cầu phát triển các KCN Cần Thơ sắp tới. Cần mở rộng qui mô đào tạo lao động kỹ thuật để có thể tạo nguồn lao động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn của các KCN trên địa bàn. Cơ cấu đào tạo có thể dựa trên dự báo nhu cầu theo quy hoạch phát triển KCN và theo đơn đặt hàng trực tiếp của các doanh nghiệp trong KCN.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN tự đào tạo lao động tại chỗ hoặc gửi đi đào tạo tại nước ngoài, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật. Đồng thời, xây dựng các dịch vụ hỗ trợ quanh KCN, trong đó phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ lưu trú, dịch vụ văn hoá - thể thao, dịch vụ thương mại, cung cấp các sản phẩm cần thiết cho đời sống người lao động, có như vậy mới đảm bảo tạo điều kiện cho người lao động an tâm gắn bó lâu dài với địa bàn và với KCN.
Năm. Nâng cao tính hấp dẫn về cơ sở hạ tầng, về chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê, thời gian thuê đất... của KCN có ý nghĩa then chốt trong thu hút đầu tư
Tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư có ảnh hưởng quyết định hiệu quả hoạt động của KCN cũng như khả năng phát triển một cách bền vững của chúng. Sức hấp dẫn của KCN phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó:
Trước hết, cần hoàn thiện môi trường pháp lý và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, kiến nghị với Quốc hội nhanh chóng xây dựng và thông qua Luật về KCN, hoàn thiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, coi đây là công cụ quan trọng tạo lập môi trường hành chính thuận lợi trong KCN.
Thứ hai, khuyến khích mọi thành phần kinh tế xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Trong đó, Ngân hàng phát triển Trung ương nên có chính sách cho các KCN được vay vốn phục vụ công tác đền bù, giải toả KCN, khu tái định cư, khu nhà ở công nhân, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các KCN theo quy hoạch và cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
Thứ ba, ngân sách địa phương phải hỗ trợ trong công tác bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất của dân, tạo điều kiện giảm tiền thuê đất cho nhà đầu tư, giảm chi phí sử dụng dịch vụ công cộng và chi phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Thứ tư, phải hết sức quan tâm công tác xúc tiến đầu tư, thông qua việc thiết lập các kênh thông tin tập trung (Website, các chiến dịch xúc tiến đầu tư, thiết lập các đoàn vận động đầu tư, cùng với việc liên kết chặt chẽ với các tổ chức, các nhà đầu tư quốc tế) để nâng cao tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào các KCN. Hoạt động này cần có sự chỉ đạo tập trung bởi một cơ quan chuyên trách với sử dụng ngân sách Nhà nước để tiến hành hoạt động.
Tóm lại, để đạt được mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, TP Cần Thơ phải tập trung mọi nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn xã hội, nhằm tạo được sự đồng tình nhất trí chăm lo công tác cải thiện môi trường đầu tư, biến TP Cần Thơ thành một môi trường hấp dẫn đầu tư nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, phải huy động tối đa sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt 04 sẵn sàng sau:
Cần Thơ sẵn sàng có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” mời đón các nhà đầu tư (thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục về đất nước, con người Cần Thơ và trong thực hiện dân chủ, công khai hoá các loại quy hoạch đô thị, công nghiệp hoá, hiện đại hoá...).
Cần Thơ sẵn sàng cấp Giấy Chứng nhận đầu tư nhanh nhất và phục vụ các nhà đầu tư tận tình, tận tâm nhất (thông qua cải cách hành chính và xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh...).
Cần Thơ sẵn sàng có đất “sạch” cho thuê và có lao động được đào tạo để các nhà đầu tư tuyển dụng (thông qua bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và đào tạo công nhân có tay nghề theo đơn đặt hàng của các dự án đầu tư).
Cần Thơ sẵn sàng có chính sách ưu đãi thoả đáng và đúng pháp luật cho các nhà đầu tư vào thuê đất thô hoặc thuê lại đất (theo thẩm quyền của địa phương và qui định của Trung ương)./.
(ThS. Huỳnh Thanh Nhã - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com