Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rút ngắn - Yêu cầu khách quan để Việt Nam “hóa rồng”

Phát triển rút ngắn, hay rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH – HĐH) đất nước được hiểu là việc đẩy nhanh tốc độ, đi tắt đón đầu… đưa đất nước đạt tới trình độ phát triển đồng đều với các nền kinh tế khu vực và thế giới với thời gian ít hơn và ngắn hơn so với những nước đi trước khác có hoàn cảnh tương đương trong thời kỳ so sánh. Rút ngắn không chỉ là một nhu cầu của mỗi quốc gia đi sau, nó còn là một yêu cầu khách quan, một xu thế tất yếu cho các quốc gia đang và chậm phát triển, trong đó có Việt Nam.
   
Rút ngắn - yêu cầu khách quan của lịch sử


Do những khác biệt về điều kiện tự nhiên, chế độ chính trị – xã hội, phương hướng, chính sách phát triển kinh tế, cũng như do nhiều nguyên nhân lịch sử khách quan và chủ quan của mình, nên các nước trên thế giới (và ngay cả giữa các địa phương trong một quốc gia) cũng có sự khác nhau về thời điểm bắt đầu và kết thúc, cũng như giãn cách xa nhau về trình độ và thành quả đạt được trong quá trình CNH – HĐH. Vì vậy, để đuổi kịp các nước đi trước và phát triển hơn, bắt buộc các nước đi sau phải tăng tốc, rút ngắn lộ trình phát triển của mình.

Thực tiễn thế giới cho thấy có sự rút ngắn rõ rệt qua những giai đoạn lịch sử trong quá trình CNH – HĐH đất nước. Xét trên phạm vi toàn cầu: Nếu như các nước Tây Âu và Bắc Mỹ phải mất trên 200 năm để tạo dựng nền công nghiệp phát triển của mình, thì Nhật Bản nhờ mở cửa cầu thị và hướng về Âu – Mỹ, nên chỉ mất 50 – 60 năm để hoàn thành CNH – HĐH đất nước; còn các nước NICs do bắt đầu muộn hơn, lại biết kết hợp cả sự giúp đỡ và kinh nghiệm của Âu, Mỹ và Nhật Bản, đồng thời phát huy các lợi thế so sánh của mình, đã rút ngắn thời gian phát triển nền công nghiệp của họ xuống còn bằng 1/2 thời gian của Nhật, tức chỉ bằng khoảng 1/10 thời gian mà các nước Âu – Mỹ phải đi qua. Đến lượt Thái Lan, thời gian này còn được rút ngắn hơn nữa…

Với Việt Nam, rút ngắn vừa là mục tiêu, vừa là phương thức quan trọng hàng đầu trong quá trình CNH - HĐH đất nước. Việt Nam bắt tay vào công cuộc CNH – HĐH đất nước chậm hơn so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới khác (cả về thời gian và trình độ phát triển) từ vài thập kỷ đến hàng thế kỷ do xuất phát điểm của nền kinh tế rất thấp cả về lượng và chất, hơn nữa lại bị chiến tranh kéo dài tàn phá nặng nề và cơ chế bao cấp kìm hãm khá lâu,…

Chính vì vậy, để “vượt vũ môn hóa rồng”, Việt Nam phải đồng thời vừa triển khai trên bề rộng quá trình công nghiệp hóa, phát triển nền công nghiệp truyền thống, vừa phải nhanh chóng hiện đại hóa, đi thẳng vào phát triển từng bộ phận cấu thành của kinh tế tri thức, nhằm sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020… Điều đó cũng có nghĩa là phát triển rút ngắn phải trở thành sự lựa chọn bắt buộc quan trọng hàng đầu cả về mục tiêu và phương thức trong quá trình phát triển đất nước.

Một góc phố của Tokyo, Nhật Bản


Nội dung và yêu cầu rút ngắn trong quá trình phát triển của Việt Nam

Phát triển rút ngắn được thể hiện trong các nội dung và yêu cầu cả về lượng (thời gian, tốc độ, quy trình phát triển), lẫn về chất của sự phát triển (sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường tổng hợp…).

Thời gian và tốc độ

Phát triển rút ngắn được thể hiện qua việc rút ngắn và giảm thiểu thời gian đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng nền kinh tế chậm phát triển. Mục tiêu đặt ra là trong vòng 15 năm tới Việt Nam cơ bản trở thành nền kinh tế có công nghiệp phát triển, nông nghiệp sinh thái và các ngành dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và trở thành động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển.

Tốc độ cao trong phát triển rút ngắn không phải là trung bình cộng đơn giản tốc độ phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực, bộ phận trong cơ cấu kinh tế và bộ máy tái sản xuất quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, mà đó phải và chỉ là kết quả từ sự phát triển mạnh mẽ trong môi trường thể chế thuận lợi của các nguồn lực và lợi thế tiềm năng dồi dào và hữu hiệu nhất của đất nước, địa phương và doanh nghiệp được lựa chọn và khuyến khích phát triển trong từng thời kỳ lịch sử thích hợp. Tuy nhiên, quan điểm phát triển rút ngắn cũng khuyến khích các tốc độ phát triển doanh thu, sản lượng, kim ngạch và lợi nhuận siêu ngạch trên mức bình quân cao, thậm chí từ 20 - 40%/năm trên cơ sở lựa chọn đúng hướng đột phá, tập trung đầu tư “đánh nhanh, thắng nhanh, chuyển hướng nhanh” của một số lĩnh vực, doanh nghiệp khi chớp được thời cơ thuận lợi, đặc biệt trong công nghệ thông tin…

Phương thức

Phát triển rút ngắn được thực hiện và là kết quả trong tổ hợp các quá trình và hoạt động đồng bộ, trên tinh thần mạnh dạn đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm… Một mặt, nó tạo điều kiện thuận lợi huy động mọi nguồn lực cho sự tăng trưởng nhanh theo bề rộng trên tất cả các ngành, lĩnh vực; mặt khác, nó đòi hỏi phải mạnh dạn bỏ qua các công nghệ cũ, đi thẳng, đi tắt, đón đầu, đi ngay vào phát triển các lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp, công nghệ mới có chọn lọc phù hợp với thực tế trong nước và xu hướng thị trường, coi trọng tập trung phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực, các địa bàn đầu tầu, vùng động lực tạo sự phát triển liên ngành, liên vùng và thúc đẩy sự hợp tác, gắn kết giữa các lĩnh vực, ngành, sản phẩm, các doanh nghiệp, thành phần, khu vực kinh tế, các địa phương, trong nước và quốc tế.

Phát triển rút ngắn đòi hỏi cả việc cắt giảm các quy trình, giai đoạn và cơ cấu phát triển kiểu tuần tự cổ điển. Cần mạnh dạn bỏ qua một số giai đoạn (ví dụ, thời kỳ đầu cần bỏ qua giai đoạn nghiên cứu khoa học cơ bản để tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, nhập công nghệ thích hợp để triển khai tạo đột phá và nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất – kinh doanh của đất nước, doanh nghiệp, địa phương); hy sinh một số ngành, sản phẩm không có triển vọng hoặc kém sức cạnh tranh thị trường; thậm chí chấp nhận ở mức độ có thể kiểm soát được sự phát triển không đồng đều, sự phân hóa xã hội giàu – nghèo, sự phá sản của một số doanh nghiệp… để tạo sự thanh lọc, làm “nhẹ mình” và tăng xung lực mạnh hơn cho thời kỳ đầu “cất cánh” của nền kinh tế…

Đặc biệt, để tăng tốc một cách hiệu quả quá trình phát triển rút ngắn, thì đất nước cũng như mỗi địa phương, từng doanh nghiệp cần coi trọng việc tham gia ngày càng càng sâu, rộng vào phân công lao động quốc tế, tham gia hiệu quả, toàn diện vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những nấc thang có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn, hội nhập vững chắc hơn vào mạng lưới sản xuất quốc tế và không ngừng học hỏi (có bỏ qua những giai đoạn thấp), nâng dần trình độ từ bắt chước, thích nghi, tiến tới nghiên cứu sáng tạo cái mới trong các lĩnh vực, sản phẩm và công nghệ có lợi thế so sánh cao nhất…

Hiệu quả và mục đích

Mục tiêu chung nhất, bao trùm và xuyên suốt của toàn bộ quá trình CNH – HĐH, phát triển rút ngắn là làm cho nước ta sớm trở thành một nền kinh tế công nghiệp phát triển, có cơ cấu kinh tế hiện đại hiệu quả, có cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ, phát triển ở trình độ cao, có nền khoa học công nghệ tiên tiến và ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; từng bước tăng cường hàm lượng tri thức trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội; nâng cao năng suất lao động, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, không ngừng cải thiện chất lượng sống của nhân dân, đồng thời tạo ra một xã hội công dân trật tự, kỷ cương văn minh và hạnh phúc, với nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, ngày càng vươn lên sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Một số giải pháp và điều kiện chủ yếu để thúc đẩy “rút ngắn”

Phát triển rút ngắn là mục tiêu, công cụ của sự phát triển đất nước, song tất cả chỉ là tiềm năng nếu không biết coi trọng sử dụng đồng bộ các giải pháp và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để biến các tiềm năng thành hiện thực, trong đó cần coi trọng những nhóm giải pháp và nhân tố sau :

Thứ nhất, đổi mới công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng, mở rộng dân chủ hóa, hoàn thiện môi trường pháp lý theo các nguyên tắc kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong đời sống kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chống tham nhũng, thay thế những cán bộ, công chức không đủ năng lực chuyên môn cần thiết, chống lại mọi biểu hiện bè phái, cục bộ làm giảm sút uy tín và sức chiến đấu của bộ máy Đảng, chính quyền.

Mạnh dạn đề bạt các cán bộ đủ đức, đủ tài vào những cương vị lãnh đạo quan trọng các cấp. Đa dạng hoá về tổ chức, nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội. Phát triển các loại hình “đường dây nóng”, “hộp thư góp ý”, “họp mặt định kỳ”,... để tăng cường tiếp xúc trực tiếp, nhanh chóng giữa Đảng với dân, với doanh nghiệp…

Thứ hai, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới nội dung và phương thức đầu tư tài chính và hỗ trợ phát triển theo hướng phù hợp các yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, xóa bỏ các hỗ trợ trực tiếp mang tính bao cấp và theo cơ chế xin-cho từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp; bình đẳng hóa các điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các yếu tố nguồn lực; chỉ cấp tín dụng ưu đãi theo lĩnh vực, ngành, sản phẩm chủ lực cần ưu tiên phát triển đồng thời chuyển mạnh từ phương thức hỗ trợ ưu đãi trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, thay vì dùng vốn ưu đãi cấp thẳng cho doanh nghiệp và dự án, cần chuyển sang dùng nguồn vốn này phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ tư vấn - hỗ trợ kinh doanh…

Thứ ba, chủ động thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH, đổi mới và hiện đại hoá về tổ chức của khối doanh nghiệp theo hướng tăng cổ phần hoá, liên kết và hoạt động xuyên quốc gia, mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm một số mô hình hợp tác mới. Chủ động chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và hàm lượng chế biến cao, có triển vọng thị trường trong nước, quốc tế và phù hợp lợi thế so sánh của đất nước, địa phương và doanh nghiệp. Tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tạo ra các quần trung tâm dân cư – làng nghề – du lịch sinh thái và văn hoá...

Thứ tư, nâng cao năng lực về  khoa học – công nghệ cho khu vực doanh nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh và triển vọng thị trường cao. Tăng cường đầu tư tới ngưỡng về cơ sở vật chất cho các cơ quan khoa học và công nghệ trọng điểm, đảm bảo cho các cơ quan này có đầy đủ những trang thiết bị nghiên cứu ngang với trình độ của các nước trong khu vực và quốc tế; đổi mới tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ theo hướng chỉ giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực nghiên cứu thực sự đảm đương các đề tài lớn, quan trọng; đa dạng hóa các lĩnh vực, vấn đề, đối tượng nghiên cứu khoa học;…

Thứ năm, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Phát triển các dịch vụ bám sát các phương hướng và đáp ứng mục tiêu đa dạng hóa về số lượng, nâng cao chất lượng các ngành, sản phẩm dịch vụ, ưu tiên phát triển một số dịch vụ gắn bó, phục vụ hiệu quả sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống của người dân; không ngừng củng cố và tăng cường năng lực các cơ cấu tổ chức hỗ trợ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; hỗ trợ về đảm bảo an ninh tài sản và an toàn cá nhân, hỗ trợ về thủ tục, thậm chí bảo lãnh pháp lý, xin nước sở tại cho phép thành lập các hiệp hội doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp và tổ hợp sản xuất- kinh doanh của người Việt Nam tại nước ngoài,…

Thứ sáu, tăng cường vai trò và nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội nghề nghiệp, đoàn thể, cũng như chất lượng, hiệu quả sử dụng lao động và đội ngũ doanh nhân. Trước mắt, cần sớm kiện toàn, đổi mới các tổ chức Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội công thương, Hội doanh nghiệp ... theo hướng phi hành chính và phi công chức hóa. Coi trọng cả công tác cán bộ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, lẫn các cán bộ, giám đốc doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần coi trọng thu hút nhân tài vào các vị trí quản lý và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường lao động trình độ cao, các chuyên gia kỹ thuật, chuyên viên quản lý và giám đốc quản lý chuyên nghiệp làm thuê cho tất cả các loại hình doanh nghiệp có nhu cầu…

Cuối cùng, coi trọng phát triển kinh tế phải gắn với quan tâm bảo vệ môi trường, đảm bảo công bằng xã hội. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ và cải thiện môi trường, chú trọng hiệu quả kinh tế lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chủ động phòng tránh, giảm thiểu tác hại của các cú sốc, biến động kinh tế ngoại nhập, không ngừng cải thiện mức sống thực tế của nhân dân. Chú ý phát triển kinh tế với đảm bảo công bằng và sự đồng thuận xã hội. Phát triển hệ thống đảm bảo xã hội, đặc biệt cho các đối tượng chính sách, người có công, người già, trẻ em cô đơn; khuyến khích các hoạt động từ thiện, các quỹ xã hội và tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng, tặng nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết; có chính sách khuyến khích đầu tư cho những dự án khả thi, thiết thực đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp…/.
     TS. Nguyễn Minh Phong

(- Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Thành tựu và giải pháp
  • Một số vấn đề trong quá trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
  • Về chủ trương trồng 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên
  • Một số vấn đề về phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố Hồ Chí Minh
  • Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh
  • Kinh nghiệm kiềm chế lạm phát của thế giới: Giải pháp phải đồng bộ
  • Phân biệt mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số trong lập kế hoạch phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi