Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Định hướng và những giải pháp thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lào cai năm 2009 và những năm tiếp theo

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc Việt Nam cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 345 km theo đường bộ. Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 203 km đường biên giới. Lào Cai có 25 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai có nhiều bước phát triển quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.
   

Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Bằng sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự hỗ trợ có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã vượt qua khó khăn thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng cả về kinh tế và xã hội. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2008 đạt 12,85%/năm, qui mô GDP của tỉnh năm 2008 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2005 và gấp 3,4 lần so với năm 2000, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 10,65 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông, lâm nghiệp chiếm 34,53%, công nghiệp - xây dựng 30,36%, dịch vụ 35,11%), thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.400 tỷ đồng (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2010). Các hoạt động giáo dục, văn hoá, xã hội phát triển tích cực, các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, đời sống dân cư ngày càng được cải thiện, nâng cao. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh; tạo được sự đồng thuận xã hội; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Tỉnh đã tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn, củng cố lòng tin với các nhà đầu tư (từ năm 2006 đến nay luôn đạt TOP 10 về chỉ số PCI) nhờ đó đã thu hút được nguồn lực đáng kể cho đầu tư cho phát triển...

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều điểm yếu, do xuất phát điểm thấp, cùng với những khó khăn vốn có của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, đến nay Lào Cai vẫn còn là tỉnh nghèo, qui mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP bình quân đầu người mới bằng 50% của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Hệ thống giao thông trọng yếu từ Hà Nội đến Lào Cai (cả đường sắt, đường bộ) đã quá tải và xuống cấp nghiêm trọng, đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, cản trở lớn đến việc phát triển và giao thương quốc tế. Hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, vùng cao còn khó khăn, nhất là giao thông nông thôn (chưa đi được 4 mùa), vùng cao thiếu nước sinh hoạt; chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tình trạng di cư tự do còn xảy ra.

Năm 2009 được dự báo còn rất nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống nhân dân.

Một số mục tiêu chủ yếu năm 2009

(1) Tốc độ tăng trưởng GDP từ 11% - 12%; trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 16,6% đến 19,7% và dịch vụ tăng 10,9%.

(2) GDP bình quân đầu người: Từ 10,8 triệu đồng - 10,9 triệu đồng; tăng 11,3% - 13,5% so thực hiện năm 2008

(3) Tổng sản lượng lương thực có hạt: 203 nghìn tấn, tăng 2,04% so thực hiện năm 2008. Trồng rừng mới: 5.850 ha, tăng 41,8% so với năm 2008.

(4) Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 1.538 tỷ đồng, tăng 18,7% so thực hiện năm 2008

(5) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn: 810 triệu USD, tăng 15,7% so thực hiện 2008. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu do tỉnh quản lý: 75 triệu USD, tăng 12,1%; trong đó xuất khẩu: 40 triệu USD, tăng 5,5% so thực hiện 2008.

(6)  Du lịch: Tổng lượng khách du lịch: 695 nghìn lượt người, tăng 4,2%; tổng doanh thu du lịch: 440 tỷ đồng, tăng 12,8% so thực hiện 2008.

(7) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 1.200 tỷ đồng.

(8) Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học đúng độ tuổi và THCS tại 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

(9) Giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Tạo việc làm mới cho 9.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,65%. Đào tạo nghề cho 7.658 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo: 33,5%, trong đó đào tạo nghề: 22,96%.

(10) Xoá đói giảm nghèo: Phấn đấu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

(11) Tỷ lệ số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh: 73%.

Thủ tướng làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Lào Cai

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Một là, tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 4 năm 2008: Chỉ đạo giải ngân các nguồn lực khắc phục lụt bão trên cơ sở lồng ghép với các nguồn lực khác để cơ bản khắc phục hậu quả do cơn bão số 4 để lại, sớm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân vùng thiên tai.

Hai là, tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008. Các ngành liên quan của tỉnh chủ động đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế của tỉnh, theo hướng tập trung tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất chè, rau, hoa, nông sản, chế biến lâm nghiệp trên địa bàn; đề xuất các dự án, công trình xây dựng cơ bản đầu tư từ ngân sách cần bố trí tăng vốn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đi vào sử dụng; rà soát, thực hiện việc giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp khi có hướng dẫn của ngành cấp trên; lập Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo qui định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh việc kiểm tra, củng cố và hoàn thiện mạng lưới phân phối để đảm bảo cung ứng hàng hoá với giá cả hợp lý, đặc biệt là các hàng hoá đầu vào của sản xuất, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu của nhân dân và tại những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Giữ vững tốc độ và chất lượng tăng trưởng của tỉnh.

Ba là, tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng cao, vùng khó khăn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất và hiệu quả đầu tư. Phát huy có hiệu quả lợi thế về cây trồng, vật nuôi để thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống đối với người nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là,
rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch chi tiết các cụm tiểu thủ công nghiệp đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp, các cụm tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch. Tập trung thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, Cụm công nghiệp Tằng Loỏng, Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường. Kịp thời giải quyết các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về thuỷ điện và dự án công nghiệp lớn như: Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai; Dự án khai thác, tuyển apatít Bắc Nhạc Sơn; Dự án nhà máy DAP 2, nhà máy sản xuất xi măng Lào Cai; nhà máy gang thép Việt - Trung, Nhà máy vàng Minh Lương... Rà soát các dự án đã được chấp thuận đầu tư, kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai theo đúng cam kết.
 

Một phiên chợ dân tộc ở Lào Cai


Năm là,
kết hợp sự hỗ trợ từ Trung ương với huy động tốt nguồn nội lực của tỉnh, tích cực vận động vốn ODA để tập trung xây dựng các công trình trọng điểm, các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2009. Bố trí sử dụng vốn đúng quy định, có ưu tiên và trọng điểm (vùng cao, hạ tầng nông thôn, Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, hệ thống giao thông toàn tỉnh, huyện Mường Khương); đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tốc độ giải ngân để sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh kiểm tra nhằm bảo đảm chất lượng của công trình, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham ô, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Sáu là,
tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hoá giai đoạn 2; nâng cấp y tế tỉnh, huyện để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và y tế. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Nghiên cứu mở rộng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề theo nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh hình thức đào tạo tại chỗ và tăng cường liên kết đào tạo với các trung tâm có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo và nâng cao chất lượng lao động, đội ngũ công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng tái định cư; gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý nhà nước.

Tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ Chương trình cải cách hành chính của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, chú trọng vào những việc đang gây vướng mắc, phiền hà cho dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh thông qua việc khai thác một cách hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Cổng giao tiếp điện tử, để thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin, là cầu nối giữa nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân; nâng cấp hoàn chỉnh Sàn giao dịch điện tử giúp doanh nghiệp trao đổi hoạt động qua mạng; đưa các quy định liên quan đến chính sách kích cầu của Chỉnh phủ lên Cổng thông tin điện tử; thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và một số các dịch vụ công khác có tác dụng thiết thực cho doanh nghiệp qua mạng Internet. Phấn đấu duy trì chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong TOP 10 của cả nước.

Tám là,
củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền; xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.

Chín là, củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, duy trì an ninh nông thôn và các đô thị trọng điểm để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh./.
 

(Nguyễn Hữu Vạn - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Nam Định vượt qua khó khăn hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2010
  • Huyện SaPa: phát triển văn hoá, du lịch - Động lực thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao đời sống nhân dân
  • Các giải pháp phát triển ngành Công Thương Lào Cai năm 2009
  • Xây dựng thành phố Lào Cai xứng đáng là thành phố xanh, sạch đẹp của các tỉnh miền núi phía Bắc
  • Tác động của khủng hoảng tài chính thế giới đến nông nghiệp Việt Nam và các giải pháp khắc phục
  • Lào Cai: Điểm đến của các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư
  • Hai năm Việt Nam gia nhập WTO: Những tác động và định hướng trong thời gian tới
  • Yên Bái: Điểm đến của các nhà đầu tư
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi