Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới dẫn đến suy thoái kinh tế ở nhiều nền kinh tế lớn. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước được mùa, làm giá nông, lâm, thuỷ sản thế giới giảm nhanh đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến nông nghiệp Việt Nam vốn là nền sản xuất hướng mạnh ra xuất khẩu trên nhiều mặt ngay từ những tháng cuối năm 2008 và dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2009.
![]() |
Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản |
Đánh giá tác động
Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đến nông nghiệp Việt Nam thể hiện trên nhiều phương diện. Rõ rệt nhất đó là tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tiếp đó là đến sản xuất, đầu tư và hệ luỵ tất yếu và việc làm, thu nhập của người nông dân bị suy giảm.
Ảnh hưởng đến xuất khẩu
Khủng hoảng của thị trường tài chính, tín dụng lan sang các thị trường khác trong đó có thị trường nông sản. Từ giữa năm 2008, giá nông sản trên thị trường thế giới giảm đột biến. Điều này đã tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ giữa tháng 9/2008. Hầu hết các mặt hàng đều có số lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm so với các tháng trước đó. Tính đến tháng 12/2008 giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh. So với thời điểm giá cao nhất trong năm giá gạo đã giảm 20%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2008 đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng 8; tháng 10 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng 9; tháng 11 đạt 1,17 tỷ USD, giảm 10% so với tháng 10 và ước tháng 12 đạt 1,15 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 11. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của tháng 12/2008 đã giảm 34% so với tháng 7 - tháng đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 1,75 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, xuất khẩu giảm do sức cầu tại các thị trường lớn suy giảm. Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản là những nước có nền kinh tế phát triển, có sức tiêu thụ lớn nhất hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam nhưng kinh tế lại đang lâm vào khủng hoảng và suy thoái nên nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hoá bị sụt giảm.
Hoa Kỳ là nước nhập khẩu lớn nhất về hạt điều, đồ gỗ; thứ hai về cà phê, thuỷ sản, đứng thứ 5 về chè của Việt Nam. EU luôn đứng đầu về nhập khẩu cà phê, hạt tiêu và hàng mây tre đan; đứng thứ hai về nhập cao su, gỗ và sản phẩm gỗ; đứng thứ ba về nhập khẩu thuỷ sản; đứng thứ tư về nhập khẩu chè của Việt Nam. Nhật Bản đứng đầu về nhập khẩu hàng thuỷ sản và đứng thứ ba về nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam (chiếm 65,4% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2008). Trung Quốc nhập khẩu mủ cao su Việt Nam chủ yếu để sản xuất lốp x bán vào Mỹ và EU.
Theo thống kê, nhu cầu đối với thuỷ sản trên thế giới thường tăng lên vào tháng 11 và đầu tháng 12 để chuẩn bị cho dịp Noel và Tết dương lịch. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng đơn hàng nhập giảm nhiều, khách hàng nhập khẩu chủ trương chỉ mua nhỏ giọt, tiêu thụ đến đâu nhập khẩu đến đó, không tích trữ trong kho. Dự báo, xuất khẩu thuỷ sản của cả thế giới giảm 20-30% về khối lượng kể từ 3 cuối tháng cuối năm 2008 đến hết quý I năm 2009. Ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ và Nhật Bản đang bị khủng hoảng mạnh, tiêu thụ giảm nhất trong vòng 30 năm qua. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su và săm lốp ô tô giảm theo. Thương mại đồ gỗ cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có lượng tồn kho lớn, không bán được nên đã không thực hiện được hợp đồng đã ký hoặc không ký thêm hợp đồng mới. Theo thống kê các năm trước, thời điểm tháng 9,10 là các đơn hàng năm sau đã ký đến 70%, nhưng riêng năm 2008, tính thời điểm tháng 11, đơn hàng của năm 2009 ký chưa đạt 30% kế hoạch.
Thứ hai, xuất khẩu giảm do khả năng thanh toán bị hạn chế. Xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến việc thanh toán quốc tế gặp khó khăn. Hệ thống ngân hàng ở các nước Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều đang có vấn đề về khả năng thanh khoản nên việc cho vay và bảo lãnh tín dụng cho các nhà nhập khẩu bị thu hẹp. Thậm chí, nhiều ngân hàng chưa đến mức khó khăn, nhưng do niềm tin bị suy giảm hoặc vì mục tiêu thu hồi bớt các khoản vay nên cũng đã hạn chế cho vay hoặc bảo lãnh nhập khẩu.
Thứ ba, xuất khẩu giảm do suy giảm đầu cơ của các quỹ. Gần đây, thị trường giao dịch nông sản quốc tế đã có sự thay đổi về cơ cấu, các quỹ đầu tư đã tham gia ngày càng sâu với quy mô lớn vào thị trường. Luồng tài chính từ các quỹ cũng tăng dần và đến mức có thể chi phối cung, cầu trong từng thời điểm nhất định. Sự đầu tư của các quỹ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều. Khu khủng hoảng tài chính xảy ra, kinh tế suy thoái làm các quỹ đầu cơ rút tiền khỏi các hoạt động đầu tư nông sản và có xu hướng chuyển đầu tư sang thị trường tiền tệ, dẫn đến giảm cầu trên các thị trường kỳ hạn, làm giá giảm đột ngột.
Thứ tư, xuất khẩu giảm do tác động của tỷ giá. Đa số các nước xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam đều thu về bằng USD nên giảm giá nông sản tính theo USD đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập xuất khẩu. Mặt khác, trong thời gian vừa qua, các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới có các mặt hàng nông sản mũi nhọn như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, ấn Độ, Brazil, Colombia... đều đã giảm mạnh giá đồng tiền nội tệ so với đồng USD từ mức 13-33%, trong khi con số này của Việt Nam chỉ ở mức 6%.
Ảnh hưởng đến nhập khẩu
Việc giảm giá một số vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp là một tín hiệu đáng mừng cho nông dân. Tuy vậy, việc giảm giá quá nhanh đã làm cho một số doanh nghiệp đã nhập hoặc ký hợp đồng nhập một khối lượng lớn vật tư phân bón, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trước đó bị lỗ nặng nề. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, giá phân bón các loại nhập khẩu từ Nga giảm từ mức 850 USD/T xuống khoảng 270 USD/T, phân DAP từ 1.350 USD/T xuống 600 USD/T, phân SA từ 350-380 USD/T xuống 120-130 USD/T. Việc này sẽ tác động đến nhập khẩu phân bón cho những tháng tiếp theo gây nguy cơ thiếu hụt phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất các vụ tới.
Nhiều loại nông sản trên thị trường thế giới và ở các nước láng giềng đang giảm giá mạnh và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2009, trong khi Việt Nam đã và đang thực hiện các cam kết mở cửa thị trường với các tổ chức và quốc gia trên thế giới theo xu hướng thương mại ngày càng tự do thông thoáng hơn. Như vậy, nếu không có biện pháp quản lý hữu hiệu (hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch, thuế...) việc nhập khẩu ồ ạt các loại nông sản vào nước ta sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, rõ rệt nhất là các loại sản phẩm chăn nuôi, rau, quả...
Ảnh hưởng đến sản xuất
Khủng hoảng kinh tế làm cho cầu giảm, thị trường tiêu thụ bị co hẹp, nông sản ứ đọng, giá hầu hết các nông sản (lúa, gạo, cà phê, cao su) giảm không kích thích nông dân sản xuất. Hơn thế, do hàng hoá không tiêu thụ được, doanh nghiệp và nông dân thiếu vốn cho sản xuất vụ tới. Vừa qua, Chính phủ đã thực hiện giải pháp kích cầu thông qua việc thu mua lúa cho dân nên đối với nông dân trồng lúa đã giải toả được một phần khó khăn về vốn cho vụ sản xuất tới.
Nhưng đối với người trồng cao su, cà phê, nuôi trồng thuỷ sản cũng chưa có giải pháp hữu hiệu. Trong lĩnh vực thuỷ sản, người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến đang bị tác động nhất do đầu ra chủ yếu là xuất khẩu. Doanh nghiệp tồn kho lớn do không xuất được trong khi ngân hàng yêu cầu trả nợ cũ (lãi suất cao) mới cho vay mới. Nhiều hộ trồng cao su tiểu điền, nuôi cá tra, nuôi tôm đang rất khó khăn do không thể trả nợ ngân hàng, thiếu vốn để tiếp tục duy trì sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề đang gặp khó khăn nghiêm trọng do không tiêu thụ được sản phẩm, chưa ký được hợp đồng mới...
Ảnh hưởng đến đầu tư
Đầu tư trực tiếp nước ngoài kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp suy giảm do các nhà đầu tư thiếu hụt nguồn tài chính để thực hiện dự án. Tuy vốn đã cam kết lớn, nhưng lượng vốn thực hiện giảm do ngân hàng thắt chặt cho vay và khó huy động được từ các nguồn vốn khác.
Không những đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mà đầu tư trong nước cũng sụt giảm do các nhà đầu tư có xu hướng bảo toàn vốn, không mở rộng rộng sản xuất hoặc chờ đợi tình hình.
Ảnh hưởng của suy giảm đầu tư sẽ tác động đến việc làm và thu nhập của bộ phận lao động nông thôn đang mưu sinh bằng các hoạt động phi nông nghiệp ở các đô thị và khu công nghiệp hoặc tham gia các hoạt động dịch vụ.
Giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thứ nhất, giải pháp điều chỉnh cơ cấu sản xuất
Đối với nhóm cây lương thực
Diện tích gieo trồng lúa duy trì khoảng 7,2 triệu ha. Các địa phương xác định cơ cấu giống hợp lý, tăng các loại giống chất lượng; triển khai mạnh mẽ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao chất lượng. Mục tiêu đạt sản lượng lúa khoảng 37,5 triệu tấn; trong đó dành cho xuất khẩu 4,4-5 triệu tấn gạo.
Tiếp tục mở rộng diện tích ngô đạt 1,1-1,2 triệu ha thâm canh bằng giống năng suất cao, đảm bảo các yếu tố về vật tư, nước tưới để tăng năng suất và sản lượng đạt trên 4,5 triệu tấn.
Cây sắn, do giá dầu xuống thấp, việc sử dụng sắn cho chế biến nhiên liệu sinh học sẽ giảm, nên các địa phương hướng dẫn nông dân phát triển ở mức độ phù hợp với nhu cầu nguyên liệu các nhà máy chế biến, không phát triển ồ ạt.
Đối với các cây thực phẩm: Tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất rau, đậu tập trung theo công nghệ sạch, rau chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ ra cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đối với các cây ăn quả: Tập trung rà soát, xây dựng, chỉ đạo thực hiện theo quy hoạch các vùng cây ăn quả tập trung; phổ biến, ứng dụng các kỹ thuật sơ chế, bảo quản, bao bì, đóng gói, kho lạnh để hạn chế thất thoát và chất lượng, kéo dài thời gian tiêu thụ tươi.
Đối với các cây công nghiệp ngắn ngày
Giữ ổn định diện tích trồng lạc 270 nghìn ha, tập trung ở Khu 4, Bắc Giang, Tây Ninh; các địa phương rà soát lại quỹ đất, kể cả tăng vụ để mở rộng diện tích và tăng nhanh sản lượng đậu tương đang có nhu cầu lớn cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mục tiêu tăng diện tích trồng đỗ tương trên 200 nghìn ha.
Tập trung phát triển vùng mía nguyên liệu các nhà máy theo quy hoạch 300 nghìn ha, đưa các giống năng suất cao với cơ cấu giống chín sớm, chín muộn và trung bình hợp lý, giải quyết nước tưới để tăng năng suất, đảm bảo các nhà máy đường hoạt động hết công suất.
Đối với các cây công nghiệp dài ngày chủ lực
Cây cao su: giá dầu thô giảm thấp sẽ kéo giá cao su xuống thấp. Do đó, việc chỉ đạo phát triển sản xuất cao su năm 2009 và những năm tiếp theo phải được tính toán hết sức chặt chẽ theo hướng: (1) Đối với diện tích đang kinh doanh thực hiện biện pháp chăm sóc bón phân phù hợp để giảm chi phí; (2) Đối với diện tích đã hết thời kỳ kinh doanh, vừa qua do được giá tập trung chăm sóc tận dụng, nên thanh lý để trồng mới chuẩn bị cho giai đoạn sau; (3) Việc trồng mới nên tập trung trên diện tích thích hợp nhất.
Cây cà phê: Năm 2009 không đặt kế hoạch trồng mới cà phê, trừ trồng tái canh trên diện tích thanh lý; tập trung chỉ đạo hệ thống khuyến nông, nhất là khuyến nông cơ sở hướng dẫn bà con chăm sóc vườn cà phê hiện có hợp lý, tiết kiệm, giảm chi phí; thực hiện nghiêm quy trình thu hái kết hợp với công nghệ sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng.
Cây chè: Năm 2009 chủ yếu thâm canh, trồng dặm, trồng tái canh bằng các giống mới chất lượng cao; triển khai Chương trình xây dựng các vùng chè sạch, thực hiện quy hoạch và đầu tư hiện đại hoá các cơ sở chế biến chè để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường quốc tế.
Đối với chăn nuôi
Tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Giá nguyên liệu thấp nên giá thức ăn công nghiệp có thể giảm trong khi giá sản phẩm chăn nuôi đã bắt đầu xu hướng tăng là thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Tuy vậy, yêu cầu phải nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường quản lý giống, gia tăng công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra bảo đảm nguồn thực phẩm chất lượng và an toàn cho tiêu dùng trong nước.
Tăng cường công tác khuyến cáo và hỗ trợ phát triển chăn nuôi công nghiệp theo quy mô gia trại, trang trại gắn với cơ sở giết mổ, chế biến tập trung và xử lý nước thải.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi sạch.
Đối với nuôi trống, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Kiểm soát tốt quy hoạch và áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc đối với vùng nuôi nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng và sạch bệnh, đủ cho sản xuất; phát triển hạ tầng thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tập trung; nghiên cứu và chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng theo hướng: Nuôi tôm sú cỡ nhỏ hơn, thu hoạch sớm hơn và chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng để đáp ứng nhu cầu thị trường và cung tôm sú để bảo đảm cân đối cung cầu. Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng phải được rà soát diện tích, quy mô nuôi, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm giá thức ăn để bảo đảm có lãi cho người nuôi cá.
Rà soát lại nguồn lợi thuỷ sản gần bờ, hướng dẫn ngư dân kế hoạch khai thác hợp lý. Triển khai thực hiện kế hoạch điều tra nguồn lợi xa bờ để có biện pháp hỗ trợ ngư dân đầu tư tàu thuyền, ngư cụ, các thiết bị thông tin cần thiết, đầu tư các cơ sở hạ tầng như khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, mở rộng đánh bắt xa bờ có hiệu quả và an toàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền về luật pháp trong nước và một số nước lân cận cho ngư dân.
Triển khai quyết liệt phương thức liên kết các chủ thể trong chuỗi sản xuất, phân rõ trách nhiệm cho các chủ thể trong liên kết dọc (ngân hàng, doanh nghiệp, nhà nuôi trồng thuỷ sản, nhà sản xuất và cung ứng các dịch vụ). Phát huy tối đa vai trò của Hiệp hội làm đầu mối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo công bằng, công khai về lợi ích và rủi ro.
Đối với lâm nghiệp: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; đảm bảo nhiệm vụ trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng theo Nghị quyết của Quốc hội; khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và đẩy mạnh chế biến đồ gỗ, lâm sản xuất khẩu. Tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, hướng mạnh vào sử dụng nguyên liệu nội địa, đồng thời tăng tín dụng cho các doanh nghiệp.
Đối với sản xuất muối: Tập trung phát triển sản xuất muối trong nước, nhằm đáp ứng đủ các nhu cầu kể cả tiêu dùng và nguyên liệu công nghiệp trên cơ sở tăng diện tích, năng suất và sản lượng; tiếp tục tập trung cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất muối ăn; đầu tư hoàn thành đồng muối công nghiệp Quán Thẻ; tăng cường công tác khuyến diêm, nhân rộng các mô hình sản xuất muối sạch, với năng suất, chất lượng cao.
Thứ hai, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Đẩy mạnh công tác khuyến nông, lâm, ngư. Năm 2009 đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất đến nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hoá có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiệm vụ trọng tâm là: Thực hiện các Chương trình khuyến nông dân sản xuất giống lúa lai đáp ứng trên 20% nhu cầu giống cho sản xuất; hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm (rau, quả...) sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng phương thức chăn nuôi tập trung gắn với giết mổ và xử lý chất thải; trồng rừng kinh tế thâm canh và bảo vệ môi trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng chất lượng nông sản, thuỷ sản; thực hiện dự án khuyến nông cho người nghèo và hỗ trợ sản xuất...
Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Tập trung hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất tốt (GAP), tăng dần số sản phẩm nông, thuỷ sản đạt chuẩn chất lượng EuroGAP, GlobalGAP... Triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và nông, lâm thuỷ sản hàng hoá, xử lý nghiêm theo luật pháp các trường hợp vi phạm.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp
Chính sách tài chính: áp dụng chính sách thuế linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nông, lâm, thuỷ sản, cụ thể: giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, giảm thuế xuất khẩu, thuế VAT cho các loại nông sản và phụ phẩm; Tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá phù hợp theo hướng tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam; Đáp ứng yêu cầu vay vốn tín dụng của nông dân và doanh nghiệp.
Chính sách thương mại: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn vốn lớn hơn cho chương trình này; Tăng cường công tác theo dõi, phân tích, dự báo thông tin thị trường.
Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn
Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã nghèo, hộ nghèo; triển khai chương trình hỗ trợ phát triển 61 huyện nghèo nhất; tăng mức hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn lên 1-1,5 tỷ đồng/xã/năm.
Tăng dự trữ quốc gia để cứu trợ kịp thời khi có thiên tai, bão lũ hoặc dịch bệnh xảy ra./.
(Đỗ Xuân Trường - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com