Nam Định là tỉnh nằm ở Đông Nam Đồng bằng Bắc Bộ, diện tích 1.669 km2; Dân số hơn 1,9 triệu người. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước đây là địa phương có lịch sử hào hùng, nơi đã sản sinh nhiều anh hùng dân tộc; đây cũng là địa phương có truyền thống hiếu học và đỗ đạt nổi tiếng trong cả nước. Thời kỳ đổi mới và hội nhập ngày nay, Nam Định đã có những bước phát triển vững chắc, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của kinh tế địa phương được nâng lên. Đặc biệt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVII mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; Thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp...
![]() |
Kinh tế - xã hội thời kỳ 2006-2008 tăng trưởng ổn định
Nhìn chung 3 năm qua Nam Định đã đạt được thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm GDP theo giá cố định tăng bình quân hàng năm đạt 11,5% (mục tiêu là 11-12%); Cơ cấu kinh tế có bước chuyển khá rõ, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng đã tăng từ 32% (năm 2006) lên 36,1% (năm 2008), tỷ trọng nông-lâm- thuỷ sản giảm từ 32,1% năm (2006) xuống 31,3% (năm 2008). Khu vực kinh tế dân doanh ngày càng phát triển chiếm tỷ trọng 79,3% GDP...
Về sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng qua các năm với tốc độ cao, bình quân 3 năm 2006-2008 tăng 24,8%. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP đã tăng từ 22,4% (năm 2005) lên 28,1% (năm 2008). Tổng số lao động đang làm việc chiếm khoảng 14%. Công nghiệp địa phương nhất là khu vực dân doanh và làng nghề có bước phát triển đồng đều, năng động và đa dạng, tổng giá trị sản xuất với tốc độ tăng bình quân 26,9%/năm. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp chưa có ngành sản xuất mũi nhọn và nhiều sản phẩm mũi nhọn; Một số cơ sở sản xuất thiết bị công nghệ lạc hậu, thiếu vốn lưu động, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chậm được đổi mới, giá thành sản phẩm còn cao... Công nghiệp dệt may, da giày và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của Tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra; Trong khi đó công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp cơ khí, điện- điện tử tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu.
Nam Định hiện có 3 KCN đã đi vào hoạt động, hiện có 124 dự án của 101 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN với tổng mức đầu tư đăng ký là 135 triệu USD và 9.865,8 tỷ đồng, trong đó có 75 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. KCN Hoà Xá và KCN tàu thuỷ Vinashin diện tích cho thuê đã lấp đầy 100%; KCN Mỹ Trung tỷ lệ lấp đầy đạt 31%. Các KCN khác đã được phê duyệt trong Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/89/2006 của Thủ tướng Chính phủ đều đang được triển khai như: KCN Bảo Minh, KCN Hồng Tiến, KCN Nghĩa An, KCN Thành An, KCN ý Yên II...
Nam Định quan tâm phát triển các cụm công nghiệp nông thôn nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nội lực, thu hút lao động nông nhàn. Toàn Tỉnh có 18 cụm công nghiệp được phê duyệt với tổng mức đầu tư 377,8 tỷ đồng, tổng diện tích 251,5 ha. Sau 3 năm đã thực hiện được 156,8 tỷ đồng; Đã có 311 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký là 1.295 tỷ đồng; Có 15 cụm công nghiệp có các dự án đầu tư đi vào sản xuất; Ước doanh thu năm 2008 đạt 1.120 tỷ đồng, thu hút 11.370 lao động.
Công tác phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì. Hiện nay toàn Tỉnh có 94 làng nghề theo tiêu chí công nhận của Bộ NN và PTNT. Đây thực sự trở thành hạt nhân trong việc tìm kiếm thị trường, áp dụng tiến bộ KHKT, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn...Thời gian từ 2006-2008 các làng nghề đã thu hút thêm 1.500 lao động có việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, các làng nghề chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ, công nghệ còn lạc hậu khó có khả năng thực hiện các hợp đồng lớn.
Sản xuất nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông nghiệp thời kỳ 2006-2008 tăng bình quân 4,98% (mục tiêu 2,95%); Ngành trồng trọt tiếp tục phát triển bảo đảm giữ vững an ninh lương thực đồng thời chú trọng tới các sản phẩm có giá trị cao. Đã khai thác tốt tiềm năng đất đai và đưa được các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Sản lượng lương thực bình quân đạt 956,1 nghìn tấn/năm (mục tiêu 950 nghìn tấn/năm). Giá trị thu được trên 1 ha canh tác năm 2008 đạt 53,5 triệu đồng. Ngành chăn nuôi tuy gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đàn lợn, bò và gia cầm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2008 đạt 97 nghìn tấn.
Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Năm 2006 tỷ trọng tương ứng là 64,7% và 35,5% thì năm 2008 tỷ trọng đó còn 63,7% và 36,3%.
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã tăng đáng kể từ 14.224 ha (năm 2006) lên 15.620 ha (năm 2008). Toàn Tỉnh hiện có 45 trại giống thuỷ sản sản xuất tôm giống, cua giống, cá bớp giống... Sản lượng nuôi trồng tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng số tàu thuyền khai thác của tỉnh hiện có 1.670 chiếc, ba năm qua sản lượng đánh bắt khá ổn định với tốc độ tăng hàng năm đạt 3,36%.
Các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được ưu tiên bố trí vốn đầu tư như: xây dựng cống tưới tiêu và hệ thống kênh mương, nâng cấp các trạm giống cây con, trạm thú y. Ngoài ra, Tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phục vụ đời sống nhân dân như: trường học, trạm y tế, cấp nước sinh hoạt... Từ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của nông dân được cải thiện.
Về thương mại - dịch vụ: Nam Định tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án trọng điểm như: Siêu thị và văn phòng cho thuê tại 40 Lê Hồng Phong, Trung tâm thương mại Cửa Đông, Trung tâm thương mại tại KCN Hoà Xá. Khởi công xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ Nam Đồng bằng sông Hồng... Nhìn chung lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh thông suốt; Tổng mức lưu thông hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 3 năm 2006-2008 tăng 17,6%/năm cao hơn mục tiêu đề ra.
Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả khả quan, các sản phẩm xuất khẩu tốt là hàng dệt may, thịt đông lạnh, hàng thủ công mỹ nghệ. Tốc độ xuất khẩu 3 năm qua tăng bình quân đạt 18,5%/năm cao hơn mục tiêu đề ra (15%/năm). Tổng giá trị hàng nhập khẩu thời kỳ 2006-2008 ở Nam Định tăng nhanh nhưng luôn thấp hơn tổng giá trị hàng xuất khẩu tại địa phương.
Nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến Nam Định, Tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng phục vụ công tác này: đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đến các khu du lịch, nâng cấp hệ thống kè biển... Đầu tư, khai thác các khu du lịch sinh thái và các lễ hội truyền thống; Xây dựng các Tour du lịch tổng hợp trong tỉnh và liên tỉnh, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Tỉnh đang xây dựng chương trình liên kết khai thác tuyến du lịch tham quan các khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng.
Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng: Tổng vốn đầu tư xã hội 3 năm 2006-2008 ước đạt 18.725 tỷ đồng phục vụ cho phát triển sản xuất và hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 29,7%, vốn huy động trong dân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 59,6%. Trong cơ cấu vốn, tỷ trọng đầu tư cho sản xuất công nghiệp tăng từ 5% (năm 2006) lên 17,2% (năm 2008); đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông từ 4,9% (năm 2006) lên 6,4% (năm 2008).
Nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong 3 năm 2006-2008 ước đạt 3.067 tỷ đồng, tăng bình quân 16,7%/năm. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng: Chương trình nâng cấp tuyến đê biển, Cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền Ninh Cơ, dự án S2 và cầu Nam Định vượt sông Đào, đường 51B, hạ tầng KCN Hoà Xá, bệnh viện Phụ sản... Thời gian tới tiếp tục đầu tư các dự án trọng điểm khác: cải tạo sông Sò, hệ thống tiêu Hải Hậu, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, thảm nhựa QL21 đoạn Nam Định - Phủ lý, Bảo tàng Nam Định...
Lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: Số lượng học sinh các cấp phổ thông liên tục tăng, bình quân 3 năm tăng 4,5%. Năm 2007, 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THCS. Công tác đào tạo học sinh giỏi được duy trì với chất lượng cao, nhiều học sinh đạt giải nhất, giải nhì quốc gia. Toàn tỉnh có 395 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 huyện 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Tỉnh quan tâm đầu tư cho y tế cả về tổ chức mạng lưới và cơ sở vật chất. Công tác y tế dự phòng được chỉ đạo chặt chẽ nên thời gian qua ở địa phương không xảy ra dịch lớn. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được hoàn thiện, đến nay toàn tỉnh có 191/229 trạm y tế xã phường đạt chuẩn quốc gia, số trạm y tế có bác sỹ và nữ hộ sinh đạt tỷ lệ 73,8% và 82,1%.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ngày càng phát triển, đã có hàng nghìn làng, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá cấp tỉnh, nhiều thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng. Các lễ hội đã đi vào nề nếp, phát huy được giá trị văn hoá, truyền thống dân tộc. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích văn hoá, lịch sử đã đi vào nề nếp.
Tỉnh đã thực hiện lồng ghép chương trình giải quyết việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Tổng số lao động được giải quyết việc làm trong 3 năm 2006-2008 là 113 nghìn người; đưa được hơn 6 nghìn người đi lao động xuất khẩu. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6% (2006) xuống còn 5,75% (2008). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã đưa được 2.750 lượt người nghèo đi tập huấn khuyến nông, khuyến ngư... Hàng chục nghìn hộ nghèo được vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 7,7%. Mạng lưới dạy nghề trên địa bàn tiếp tục được bổ sung phục vụ có hiệu quả Chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
Giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 2006-2010
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII về phát triển kinh tế-xã hội, Nam Định tập trung vào các giải pháp sau đây:
Một là, tập trung rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách; Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành hiện nay không còn phù hợp. Đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy hoạch phát triển ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo quy hoạch , kế hoạch. Có chính sách ưu đãi đối với những người có trình độ chuyên môn giỏi về tỉnh làm việc. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm có quy mô lớn trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
UBND tỉnh có Kế hoạch 86/KH-UBND phân công rõ trách nhiệm các cấp, các ngành tham gia thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại trên các lĩnh vực: thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư từ trung ương và các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp ngoại tỉnh. Tăng cường vận động xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các doanh nghiệp có tiềm lực lớn để kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Ba là, huy động tối đa nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, tăng cường công tác quản lý đầu tư nâng cao hiệu quả đầu tư.
Trong các năm 2009-2010 tập trung vốn thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động đầu tư và xây dựng; đánh giá chất lượng các dự án đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất do các huyện, thành phố quản lý, đánh giá kết quả thực hiện việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng... ngăn chặn các hành vi gây lãng phí, thất thoát. Chỉ đạo sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong quá trình thực hiện các dự án có liên quan đến nhiều ngành, huyện, thành phố.
Bốn là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá để nâng cao trình độ dân trí, tỷ lệ lao động được đào tạo và sức khoẻ người lao động. Chú ý đào tạo nghề cho lao động nông thôn kết hợp giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm cho người lao động. Khi triển khai các dự án, chủ đầu tư phải thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất được chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Quản lý và khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Không cho nhập các thiết bị lạc hậu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình.
Thực hiện tốt Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 27/5/2008 của Tỉnh uỷ Nam Định về đẩy mạnh công tác dân số kế hoạch hoá gia đình. Đưa công tác này trở thành nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật dân số, kế hoạch hoá gia đình nhất là đối với vị thành niên, thanh niên. Duy trì hoạt động của mạng lưới dịch vụ xã hội về truyền thông - giáo dục - tư vấn bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cho gia đình và cộng đồng. Kiên quyết xử lý công chức vi phạm chế độ dân số. Tăng cường đầu tư phương tiện tuyên truyền và điều kiện làm việc cho các cơ quan làm công tác dân số kế hoạch hoá gia đình.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Tập trung xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế hội họp và quy tắc ứng xử của cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện chế độ Thủ trưởng trong các cơ quan hành chính; phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cán bộ công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng./.
(Ngô Quang An - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com