Trải qua nhiều năm, cuối cùng thì Chính phủ cũng cam kết sớm ban hành Quyết định thí điểm cơ chế hợp tác giữ nhà nước và tư nhân (PPP) vào tháng 9 tới. Liệu khuôn khổ pháp lý được trông chờ này có được ban hành đúng như dự kiến?
Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đang trở thành gánh nặng quá lớn đối với ngân sách vốn rất eo hẹp của nhà nước
Kinh nghiệm quốc tế
Được thành lập từ năm 1987, Công ty cho thuê hạ tầng và dịch vụ tài chính của Ấn Độ ngày nay đã trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy các công trình cơ sở hạ tầng theo mô hình hợp tác nhà nước và tư nhân. Công ty đang thực hiện các dự án đường bộ, đường sắt, cảng, cấp nước, điện lực theo mô hình PPP trị giá 25 tỷ USD ở 15 bang của Ấn Độ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn mở rộng hình thức đầu tư sang các quốc gia khác như Mehico, Philippines, Indonesia và Tây Ban Nha. Quy mô của những hoạt động trên cho thấy, công ty này đã khá thành công với mô hình PPP với sự trợ giúp của chính phủ Ấn Độ.
Trong khi đó, Nam Phi lại cho phép triển khai mô hình PPP ở lĩnh vực rất đặc thù: trông tù. Chính quyền cho phép các nhà đầu tư tư nhân xây dựng các trại tù, trông coi tù nhân, và cung cấp các dịch vụ hậu cần liên quan. Về phần mình, Chính phủ lấy ngân sách chi trả cho các hoạt động này, nghĩa là họ không tốn một công chức ăn lương nào làm việc này. Để đổi lại, các nhà đầu tư tư nhân sẽ bị phạt rất nặng nếu để tù nhân trốn trại, và phải có trách nhiệm tự bắt về. Dù các quốc gia khác nhau cho phép áp dụng mô hình PPP ở những lĩnh vực khác nhau, mô hình này rõ ràng đang trở nên phổ biến kể từ khi được bắt đầu triển khai ở nhiều nước trên thế giới cách đây vài thập kỷ. Tuy nhiên, mô hình này còn lâu mới trở thành giải pháp chính cho mọi thách thức của khu vực nhà nước trong cung cấp dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu của các nhà chuyên môn quốc tế cho thấy, kể cả ở những thị trường “trưởng thành” cho mô hình PPP như ở Anh, các dự án PPP cũng chỉ chiếm 10 - 15% tổng đầu tư vào dịch vụ công, còn ở các quốc gia khác, hầu hết ở mức 4%.
Trong một lần đến Hà Nội gần đây để giới thiệu mô hình PPP, Giám đốc công ty Ấn Độ nêu trên, ông K Ramchand khuyên các quan chức liên quan của Việt Nam rằng, để các dự án hạ tầng theo mô hình PPP triển khai được thì chính phủ phải hỗ trợ rất mạnh mẽ về cam kết tài chính và các giấy phép ràng buộc. Điều quan trọng nhất là chính phủ cần tăng cường năng lực để ra quyết định nhanh chóng và nhất quán mới khuyến khích được các công ty tư nhân đầu tư. Ông nói: “Thách thức hạ tầng với nhiều chính phủ ngày nay có vẻ như quá lớn và họ đã nhận thấy rằng không thể cứ ngồi yên mà không làm gì. Tuy nhiên PPP không phải là thuốc chữa bách bệnh”.
Việt Nam đang rất cần!
Cho dù các nhà chuyên môn quốc tế khuyến cáo như vậy, Việt Nam đang rất cần thiết lập nên hành lang pháp lý để triển khai mô hình PPP. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho dự thảo văn bản pháp quy này dường như mất quá nhiều thời gian! Cách đây vài năm, Ngân hàng Thế giới đã bắt đầu hỗ trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ liên quan khác trong vấn đề này, và suốt hai năm qua nhiều cuộc họp liên quan đến mô hình PPP đã liên tục được tổ chức. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thừa nhận, cứ vài tháng một lần ông lại tham dự một cuộc họp với các bộ ngành về mô hình PPP. Tuy vậy, văn bản pháp lý được mong đợi này chỉ có thể được Chính phủ ban hành sớm nhất vào cuối năm nay.
Bất chấp thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đã... xếp hàng với các dự án PPP trong tay. Đầu năm nay, một đơn vị thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 đã đề nghị Chính phủ xem xét khả năng đầu tư dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài theo phương thức PPP. Đề nghị của doanh nghiệp này đã được Bộ Xây dựng ủng hộ. Bộ này cho rằng, Chính phủ nên “khuyến khích” dự án này trong bối cảnh ngân sách cho cơ sở hạ tầng là rất hạn chế.
Nhưng cụ thể là ngân sách hạn chế đến mức nào? Bộ Giao thông Vận tải ước tính, nhu cầu vốn cho các dự án đường bộ, đường sắt, sân bay và bến cảng (chưa tính đường sắt cao tốc) lên đến hơn 60 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư lại nhận định, trong 10 năm tới Việt Nam cần 16 tỷ USD mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó ngân sách và ODA chỉ đáp ứng được 7 - 8 tỷ USD mỗi năm. Cho dù các số liệu là khác nhau, nhưng đều cho thấy nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng là rất thiếu hụt. Đây là điều làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Kamran Khan - chuyên gia được ngân hàng Thế giới giao nhiệm vụ đặc trách giúp Việt Nam xây dựng khung pháp luật cho mô hình PPP, nhà nước vẫn đang chiếm vai trò chủ đạo trong nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng với 64% (gồm ODA, trái phiếu, ngân sách, và của ngân hàng thương mại nhà nước), so với 36% của tư nhân, người sử dụng và cộng đồng. Chuyên gia này cho rằng, nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam quá phụ thuộc vào ODA (chiếm tới 37%) và khuyến nghị rằng, huy động vốn tư nhân là yếu tố quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn. Ông khuyến nghị thêm, Chính phủ cần phải làm rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân, một khi mô hình PPP được thể chế hóa.
Trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 5 này, Chính phủ đã cam kết sớm ban hành Quyết định thí điểm cơ chế hợp tác PPP nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự thảo về mô hình này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ với hi vọng được thông qua vào tháng 9 tới. Liệu khuôn khổ pháp lý được trông chờ này có được ban hành đúng như dự kiến, khi mà nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng chờ, còn nhà nước thì không đủ vốn để “rải” cho hàng loạt dự án phát triển hạ tầng?
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com