Cũng phải nói rằng, khá nhiều kiến nghị trước đây của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục về xác định đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, khó khăn trong thủ tục xác nhận quy hoạch, các thủ tục thông quan hải quan, sự thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính thuế… đã nhận được các lý giải tích cực là đã giải quyết xong bằng hệ thống văn bản pháp lý khá đầy đủ.
Đơn cử, tình trạng nhà đầu tư bị địa phương kìm đơn giá trong giải phóng mặt bằng đã được giải quyết khi Nghị định 69/NĐ-CP/2009 quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định rõ nguyên tắc giá bồi thường giải phóng mặt bằng sát với giá thị trường.
Tuy vậy, những lời phàn nàn vẫn chưa chấm dứt. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề VBF, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ chỉ cảm nhận và đánh giá được sự chuyển động tích cực hay không của các văn bản pháp lý khi chúng được áp dụng trong thực tiễn, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương.
Trong khi chờ đợi những kết quả cuối cùng của việc cắt giảm thủ tục hành chính theo Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn về khoảng trống giữa quy định và thực hiện. Hơn thế, đã có ý kiến lo ngại rằng, những thủ tục hành chính mà các bộ, ngành đề xuất cắt giảm chưa phải là những vướng mắc chính mà các doanh nghiệp gặp phải. Nếu không có thêm những buổi tham vấn để cập nhật thêm đề xuất từ thực tiễn, thì rất có thể, kỳ vọng từ bước cải cách đột phá trong cắt giảm thủ tục hành chính của cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt quá thực tiễn.
Lại bàn về những bước tiến thực tiễn trong cải thiện cơ sở hạ tầng mà ngành giao thông đang đạt được với hàng loạt dự án đường bộ, cầu, cảng hàng không… đang thi công, hay chuẩn bị khởi công như tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ, hệ thống đường liên cảng khu vực cảng Cái Mép… Bức tranh của hạ tầng giao thông rõ ràng khá ổn, khi vào năm 2015, hệ thống giao thông hướng tới các trung tâm kinh tế lớn, hệ thống cảng biển, sân bay được hoàn thành. Không những thế, các bước chuẩn bị khung pháp lý cho hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng được cho là cơ hội lớn cho khu vực tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài.
Tuy vậy, các nhà đầu tư có vẻ khá thận trọng khi bàn về cơ hội này. Cho dù các khung pháp lý thí điểm đang được nghiên cứu đã tăng tính khả thi của nhiều cơ hội, song trở ngại thực sự về pháp lý và nhận thức khi bắt tay vào thực tiễn vẫn khá lớn. Khuyến nghị được đưa ra là lựa chọn các dự án đã có cam kết của chính quyền địa phương, có những điều kiện thuận lợi về địa điểm… để thí điểm. Đặc biệt, thời gian là điều mà các nhà đầu tư luôn nhấn mạnh, vì các quy định, hướng dẫn kịp thời về bảo lãnh Chính phủ, phân bổ rủi ro giữa tư nhân và Nhà nước… sẽ đảm bảo khả năng thành công của các dự án…
Có lẽ cũng phải nhắc tới khuyến nghị của các doanh nghiệp về việc Việt Nam cần 4-5 cảng biển tốt ở phía Nam, 2-3 cảng biển tốt ở phía Bắc và 1-2 cảng biển tốt ở khu vực miền Trung. Có nghĩa là con số cảng biển có thể chỉ là 11-12 cảng đạt chuẩn quốc tế, để các tàu có trọng tải lớn cập cảng trực trực tiếp tại Việt Nam, mà không phải trung chuyển qua Singapore, Hongkong…, hơn là 50-60 cảng biển quy mô nhỏ nằm rải rác ở các địa phương khác nhau. Khuyến nghị về sự thận trọng trong lựa chọn địa điểm đầu tư khi nguồn lực khan hiếm thực sự cần được lắng nghe.
(Theo Khánh An // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com