Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường: Lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất

Dự kiến mức thu thuế bảo vệ môi trường có thể lên tới 4.000 đồng/lít xăng. Ảnh: Hà Thanh
Nhiều ý kiến cho rằng, những quy định trong Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có thể sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Hiện tại, nước thải sinh hoạt và công nghiệp, chất thải rắn, khai thác khoáng sản đều phải chịu phí BVMT. Ngoài ra, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có sử dụng dầu diesel, dầu hoả, dầu mazout, mỡ nhờn và xăng các loại cũng phải chịu thuế môi trường.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ phí BVMT tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, số thu ngân sách từ phí BVMT đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản và phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tăng từ 507,11 tỷ đồng (năm 2006) lên 735,859 tỷ đồng (năm 2007) và 1.224 tỷ đồng (năm 2008). Trong đó, riêng phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản tăng gấp 3 lần, từ mức 332,3 tỷ đồng năm 2006 lên gần 933,5 tỷ đồng vào năm 2008; phí xăng dầu có sự tăng đột biến trong 2 năm qua, từ mức 4.517 tỷ đồng năm 2008 lên 8.963 tỷ đồng năm 2009 (do Bộ Tài chính tăng mức phí đối với loại nhiên liệu này lên gấp 2, từ mức 500 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít).

Mặc dù số thu từ phí BVMT tăng chóng mặt trong thời gian qua, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, số thu vẫn không đủ để giải quyết các vấn đề về môi trường, nên một mặt cần phải luật hoá việc thu phí (chuyển phí thành thuế để tăng hiệu lực pháp lý); mặt khác, phải điều chỉnh tăng một số phí hiện hành và bổ sung một số mặt hàng vào đối tượng chịu thuế.

Theo Dự thảo Luật thuế BVMT (vừa được Bộ Tài chính trình Quốc hội cho ý kiến), xăng các loại sẽ phải chịu thuế BVMT trong khung thuế suất 1.000 - 4.000 đồng/lít, dầu diesel (500 - 2.000 đồng/lít), dầu mazout và dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), nhiên liệu bay (1.000 - 3.000 đồng), than (6.000 - 30.000 đồng/tấn), dung dịch HCFC để sản xuất ra các thiết bị làm lạnh dùng trong công nghiệp bảo quản thực phẩm và dân dụng (1.000 - 5.000 đồng/lít) và túi nhựa xốp (20.000 - 30.000 đồng/kg). Bộ Tài chính tính toán, nếu thu ở khung thuế sàn, hàng năm ngân sách sẽ thu từ thuế BVMT 14.324 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với số thu của năm 2008. Nếu thu ở mức thuế trung bình, hàng năm ngân sách sẽ thu về 35.853 tỷ đồng, gấp 3,5 lần số thu của năm 2008; nếu thu ở mức thuế trần, hàng năm sắc thuế này đem về cho ngân sách hơn 57.375 tỷ đồng, gấp tới hơn 5,6 lần số thu của năm 2008.

Trong khi nguồn thu ngân sách có hạn, việc tăng thu nhờ sắc thuế BVMT như trên khiến nhiều đại biểu “phấn khởi”, tuy nhiên, khi phân tích kỹ, nhiều đại biểu lại băn khoăn vì sắc thuế này sẽ đánh trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng phải gánh chịu.

“Bộ Giao thông - Vận tải đã có ý định thu phí bảo trì đường bộ với mức 500 - 1.000 đồng/lít xăng dầu bán ra. Bây giờ thu thuế BVMT với mức thu cao nhất lên đến 4.000 đồng/lít xăng, thì sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và chi phí của người dân, cũng như chính sách bình ổn giá, kiềm chế lạm phát”, Đại biểu tỉnh Thái Nguyên, bà Lê Thị Thu Nga lên tiếng.

“Tại sao lại cứ nhằm vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu như xăng dầu để tăng thuế, trong khi người dân không có sự nào khác nên tăng thuế ở mức nào, dù muốn hay không họ cũng phải chấp thuận”, bà Nga nói và cho rằng, nếu đánh thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu (chuyển từ phí xăng dầu sang), phải quy định cụ thể mức thuế vào luật để tránh tình trạng tăng thuế liên tục khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Ông Nguyễn Đức Hiền (Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) yêu cầu Ban soạn thảo phải đánh giá tổng thể sự tác động của sắc thuế này lên hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. “Sắc thuế này rất ngắn gọn, đơn giản (vỏn vẹn chỉ có 14 điều), nhưng lại tác động rất lớn đến đời sống của người dân vì suy cho cùng toàn bộ số tăng thu của ngân sách đều được đưa vào giá thành sản phẩm”, ông Hiền phát biểu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Nhân (Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) thẳng thắn: “Ban soạn thảo đưa ra các mức thuế suất đối với xăng dầu rất cảm tính và không khoa học. Theo nguyên tắc, mặt hàng nào gây ô nhiễm nhiều thì phải nộp thuế cao hơn, nhưng dầu mazout và dầu diesel gây ô nhiễm môi trường cao hơn xăng các loại rất nhiều lần lại được hưởng khung thuế suất chỉ bằng 50% so với xăng. Hệ quả là, người dân sử dụng xăng làm phương tiện giao thông hàng ngày phải gánh chịu”.

Một trong 5 mục tiêu của việc luật hoá phí BVMT là nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đại biểu TP. Đà Nẵng), phải xem lại mục tiêu này, bởi dù có đánh thuế nặng hơn nữa, cũng khó có thể thay đổi được hành vi, ý thức của người dân (bởi một lẽ đơn giản là tổ chức, cá nhân không thể sử dụng các loại nhiên liệu khác để thay thế xăng dầu khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe cơ giới).

“Xăng dầu không chỉ là nhiên liệu đầu vào của các phương tiện giao thông cơ giới, mà còn là đầu vào của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, nếu có đánh thuế với mặt hàng này, thì trước mắt chỉ đánh ở mức thuế sàn (tương đương phí xăng dầu hiện nay) và chỉ đánh đối với xăng dầu sử dụng cho các phương tiện cơ giới tham gia giao thông”, bà Hương kiến nghị và đề nghị Ban soạn thảo tính toán lại hiệu quả của việc thu thuế BVMT (số thuế thu được và chi phí để thu thuế).

Trong khi đó, một số đại biểu khác đề nghị xem lại khung thuế suất, rà soát lại đối tượng chịu thuế, bởi trên thực tế có rất nhiều loại hàng hoá, dịch vụ gây tác động rất xấu tới môi trường, nhưng không tác động mạnh tới đời sống người dân, cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế lại không phải nộp thuế BVMT.

(Theo Hàng Châu // Báo đầu tư)

  • Bao giờ cho đến tháng Chín?
  • Không chỉ lắng nghe
  • Kinh tế phục hồi cao hơn kỳ vọng
  • Hối thúc trong triển khai PPP
  • Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì
  • 3 giải pháp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế VN
  • Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng nông thôn mới
  • Triển khai công trình điện nông thôn: Khó, vì sao?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi