Trái ngược với những nhận định của các chuyên gia về giá trước đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã không tăng mạnh như dự đoán khi tăng nhẹ 0,24% so với tháng trước đó.
Tác động trực tiếp của việc giá xăng tăng thêm 500 đồng/lít và giá dầu madút tăng thêm 1.000 đồng/kg từ ngày 9/8 vừa qua đã đẩy nhóm phương tiện đi lại, bưu điện trở thành nhóm có chỉ số giá (CPI) tăng mạnh nhất trong tháng này với mức tăng 1,31%.
Sự bất cập trong cách tính CPI hiện nay một lần nữa lại được thể hiện rõ khi trong nhóm phương tiện đi lại, bưu điện trong tháng này khi hai nhóm mặt hàng khác nhau bị gộp chung vào làm một. Theo đó, các đợt khuyến mại, giảm giá cước của lĩnh vực viễn thông liên tiếp được các nhà mạng đưa ra thời gian qua cũng không đủ sức bù lại sự tăng giá chung của các mặt hàng trong nhóm bị đội chi phí vì ảnh hưởng của việc tăng giá xăng.
Nếu tính riêng thì nhóm hàng bưu chính viễn thông trong tháng 8 giảm 0,04%. Còn nếu tính gộp chung thì phương tiện đi lại, bưu điện là nhóm mặt hàng duy nhất có mức tăng hơn 1% trong tháng này.
Các luồng tiền tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản, sự phục hồi của nền kinh tế kéo theo các hoạt động đầu tư xây dựng tăng mạnh khiến nhóm Nhà ở và Vật liệu xây dựng trở thành nhóm có mức tăng giá mạnh thứ hai trong rổ 10 nhóm mặt hàng dùng để tính CPI. Nhóm mặt hàng này tăng thêm 0,93% so với tháng 7.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nhóm mặt hàng Nhà ở và Vật liệu xây dựng tăng giá khá mạnh trong này này thể hiện rõ tác động tích cực của các gói kích cầu trong việc tập trung đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ.
Nhóm mặt hàng luôn được quan tâm nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm khá sâu, xuống mức âm 0,08% so với tháng 7. Trong đó, nhóm lương thực giảm mạnh nhất 0,42% trong khi nhóm thực phẩm giảm 0,09%. Xu hướng ăn uống ngoài gia đình đã tăng trở lại trong tháng khi có mức tăng nhẹ 0,35%.
Các nhóm mặt hàng khác nhìn chung không có nhiều sự biến động về giá trong tháng này. Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,53% trong khi nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,3%, nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ tăng 0,11% trong khi chi tiêu cho nhóm hàng giáo dục tăng 0,15%.
Với mức tăng 0,24% của chỉ số CPI tháng này, chỉ số giá của 8 tháng đầu năm ở mức 3,47% và ở mức 8,31% nếu so với cùng kỳ năm 2008.
Xét về tiêu chí địa phương, Hải Phòng là nơi có mức độ tăng giá cao nhất trong tháng 8 với mức tăng 0,57%, kế đến là Hà Nội 0,47%, Khánh Hòa và Gia Lai cùng tăng 0,4%, Đà Nẵng 0,38%.
Trong tháng 8, sự biến động thất thường của thị trường vàng cũng góp phần đẩy chỉ số giá của mặt hàng này tăng khá mạnh so với mặt bằng chung, tăng 1,75%, trong khi chỉ số giá đôla Mỹ chỉ tăng nhẹ 0,13%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng thêm 6,08% trong khi giá đô la Mỹ tăng thêm 6,36%.
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com