Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đời sống công nhân thời tăng giá: Tăng ca, giảm bữa, tiết kiệm tiền

16 giờ 30 ngày 1.3, khu chợ “ngồi xổm” Việt Lập, Bình Đường, Dĩ An (Bình Dương) nêm chật cứng những sắc màu đồng phục công nhân. Chị Luyến, công nhân may công ty Việt Thắng vừa định ngồi xuống chọn mấy trái dưa leo đành phải quay ngoắt đi chỗ khác khi nghe người bán nói giá 25.000đ/kg.

“Thứ gì cũng đắt đỏ, nhiêu đây mà đã 60.000 đồng rồi đấy. Mà có thứ gì cho đáng đâu em: hai cây xà lách 12.000 đồng, 1kg cá ngừ bể bụng 35.000 đồng, hai trái cà chua 5.000 đồng, hai chanh, ớt, hành, tỏi, gừng 8.000 đồng. Chưa kể tiền gạo, gas, mắm muối khoảng 15.000 đồng nữa mới đủ cho bữa ăn năm người trong phòng trọ”, chỉ tay vào bịch nilông lép xẹp, chị Luyến phân trần.

Bữa cơm teo tóp dần

Công nhân sống chen chúc để tiết kiệm, phải chia nhau từng đoạn dây phơi. Ảnh: A.Q

Giá cả tăng vùn vụt những ngày sau tết Canh Dần đang là nỗi ám ảnh đối với công nhân. Căn phòng rộng khoảng 7m2 mà Nguyễn Thị Thắm, công nhân công ty Omi, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 cùng nhóm bạn bốn người thuê trước tết là 800.000 đồng, nhưng sau tết bà chủ nâng giá lên… 1,8 triệu đồng. Thắm rớm nước mắt tâm sự: “Bọn em ăn tết lên, nghe thông báo giá phòng trọ tăng lên 1,8 triệu đồng mà đau điếng cả người. Lương thì chẳng được nhiêu”.

Thắm nói nhóm bạn cùng phòng mình đứa nào cũng có thâm niên bốn năm năm làm công nhân, những năm trước còn dành dụm được ít đồng, lễ tết còn siêng về quê. Nhưng từ năm 2009 đến nay giá cả thứ gì cũng tăng: một suất cơm năm 2007 có 7.000 – 8.000 đồng, bây giờ phải là 15.000 đồng mới ăn được; rau xanh, cá nục, trứng cũng tăng gấp đôi so với trước nên làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. “Công ty em ít tăng ca lắm. Lương tháng chỉ có 1,5 triệu đồng trong khi riêng tiền phòng, điện, nước mất 500.000 đồng; tiền ăn, sinh hoạt ky cóp lắm cũng phải 800.000 đồng mới đủ. Em chỉ còn 200.000 đồng gửi phụ bố mẹ, chẳng còn gì để giải trí, trang điểm nữa. Em chỉ cầu mong cho mình không bị bệnh tật gì, chứ nếu có thì chắc phải về quê trông cậy bố mẹ tiền chạy chữa thôi anh ơi”, Trang, bạn cùng phòng của Thắm tính toán như vậy.

Ngoài tằn tiện từng con cá nục, quả trứng, mớ rau muống trong bữa ăn hàng ngày, để đối phó với giá cả cao ngất hiện nay, nhiều công nhân còn nghĩ ra cách ngày ngủ đêm làm. “Phòng tụi em có bốn đứa thì mất ba đứa xin tăng ca đêm suốt cả tháng, giờ làm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Làm ca này sẽ tiết kiệm được ba bữa ăn: sáng, trưa, tối mỗi ngày vì được ăn hai bữa trong công ty, như vậy cũng tiết kiệm 30.000 đồng mỗi ngày”, Lan, công nhân trong khu công nghiệp Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương tiết lộ kinh nghiệm “bảo toàn” đồng lương còm như vậy.

Nhiều công nhân còn phản ánh, giá cả tăng nên bữa cơm công nhân vì thế cũng teo dần lại. “Mấy năm trước trong hộp cơm còn có vài miếng thịt tươi, ít rau xanh, canh bầu, bí… Còn bây giờ thì không thể ăn nổi canh, cơm vừa khô, rau cải luộc thì vàng úa, vài miếng thịt toàn mỡ là mỡ”, một công nhân tâm sự.

Tằn tiện qua ngày

Đối với những đôi vợ chồng công nhân trẻ, việc phải đối phó giá tăng hiện nay quả là hết sức nan giải.

Căn phòng rộng chừng 7m2 ở khu nhà trọ tại phường Tân Thuận Đông, quận 7 của hai vợ chồng Hoàng – Huệ làm công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận, ra tết này có thêm hai thành viên mới là người bà con bên vợ ở cùng. Hoàng tâm sự: trước khi vợ chồng anh về quê ở Nghệ An ăn tết, chủ nhà chưa nói gì đến chuyện tăng giá phòng. Thế nhưng vừa vào hôm trước, hôm sau họ đã thông báo tăng thêm 150.000 đồng, lên 700.000 đồng.

Nhìn căn phòng đã nhỏ, nay phải dựng thêm tấm rèm ngăn đôi, một nửa làm “tổ ấm” cho vợ chồng anh, nửa kia vừa để xe đạp, nấu ăn, vừa dành chỗ trải cái chiếu cho hai đứa em họ ngủ, mới thấu hiểu được nổi khổ cực mà đôi vợ chồng này phải vật lộn. “Anh coi, vợ chồng em làm công nhân, lương tháng cộng dồn xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng, nội tiền nhà đã mất 700.000 đồng rồi thì hỏi còn dư gì để nuôi con nữa. Thôi đành phải co thắt lại cho mấy đứa em ở, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”, Huệ buồn rầu nói.
Ngoài giải pháp san sẻ bớt tiền nhà, vợ chồng Hoàng còn tính xin làm lệch ca để giảm thêm tiền gửi trẻ đứa con hai tuổi. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Hoàng sẽ làm ca tối để sáng mai về chăm con cho vợ đi làm, cứ một tuần hai vợ chồng đổi lại ca. “Tiết kiệm thêm 600.000 đồng gửi nhà trẻ là cả một số tiền lớn đó anh à”, Hoàng nhoẻn miệng cười tiễn chúng tôi.

Rảo quanh những khu nhà trọ công nhân ở hai phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, quận 7, nhiều cặp vợ chồng trẻ sau khi ăn tết vào đã phải tính đến phương án gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại nuôi. Cộng cả lương tăng ca, thu nhập của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Thiện, Lương Thị Tuyết, công nhân may công ty Place khu chế xuất Tân Thuận được tròm trèm 4 triệu đồng. Tiền thuê nhà hết 1 triệu, thêm tiền gửi trẻ cho hai cậu cu ấm sinh đôi một tuổi 1,2 triệu đồng. Nay giá điện, nước, tiền nhà lại rụch rịch tăng thêm khiến anh chị không biết xoay trở như thế nào cho đủ. “Dù thương con đến mấy thì tụi em cũng phải nén lòng gửi cả hai đứa về ông bà ngoại ở Long Khánh nhờ nuôi hộ”, Thiện tâm sự.

(Theo Hoàng Bảy // SGTT Online)

  • Lao động ngoài nước: muôn nẻo đi về…
  • Bốc thuốc trị lạm phát tâm lý
  • Thận trọng chính sách tài khóa
  • Góc nhìn chuyên gia: Phát triển kinh tế tư nhân và tập đoàn kinh tế tư nhân
  • Tài nguyên nước Việt Nam “kêu cứu”
  • Tư tưởng đổi mới kinh tế đã được kiểm chứng
  • Nỗ lực kiềm chế lạm phát
  • Việt Nam hướng tới kinh tế thị trường với tốc độ cao nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi