Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lao động ngoài nước: muôn nẻo đi về…

Có thời, đi lao động nước ngoài là niềm mơ ước của biết bao người. Nhưng đến giờ, trong thời buổi hội nhập, thì chuyện ấy đã trở nên dễ như… trở bàn tay.

Chuyện ba lao động Việt Nam (gồm chị Nguyễn Thị Hải 35 tuổi, quê ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, có hộ khẩu thường trú ở Giao Thuỷ, Nam Định, chị Nguyễn Thị Xuân, 31 tuổi, ở Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; và anh Trần Xuân Hoá, 43 tuổi, Hùng Sơn, Thanh Miện, Hải Dương) bị sát hại một cách bí hiểm ở Angola hồi giữa tháng 2 vừa qua, mà cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) – Bộ Lao động, thương binh và xã hội chỉ được biết qua… báo chí, đã khiến không ít người giật mình khi nhận ra rằng, người lao động hiện nay có thể đi ra nước ngoài làm việc bằng rất nhiều con đường khác nhau. Và rằng, đã có không ít người ra đi mà cơ quan quản lý nhà nước không hề hay biết.

Trong luồng và…  ngoài luồng

Khoảng từ chục năm về trước, hầu như chỉ có một con đường duy nhất để đi lao động ở nước ngoài, đó là “nhờ” đến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hầu hết mọi người mặc nhiên thừa nhận đó là cách XKLĐ “trong luồng” hợp pháp dưới sự tổ chức và quản lý của Nhà nước. Gần đây có thêm phương thức đi làm việc theo hợp đồng nhận thầu của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu là sang Lào làm việc, cũng được gọi là “đi XKLĐ”.

Nhưng thực ra, đó chỉ là bề nổi của “tảng băng”. Cách đây vài năm, dư luận đã từng một phen xôn xao khi được biết công ty TNHH Khải Nam ở TP.HCM, dù không có chức năng XKLĐ nhưng đã đưa trót lọt gần 1.000 lao động sang Úc. Gần như cùng lúc, một công ty khác đưa hàng chục lao động sang Mỹ, nhưng xuất cảnh ở… Campuchia. Những “sự kiện” này, cục QLLĐNN đều không hay biết, và chỉ “tá hoả” khi báo chí đưa tin.

Ở Quảng Bình, nhiều gia đình sống nhờ vào nguồn tiền do người nhà đi làm… ôsin ở Thái Lan gửi về. Người đi trước dắt theo người đi sau, đến giờ ở tỉnh này có hàng trăm người lao động nghèo đang kiếm sống ở Thái Lan, mặc dù các quan chức cục QLLĐNN đã nhiều lần khẳng định “chưa có chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở Thái Lan!”

Giữa lúc thị trường XKLĐ “chính thống” đang gặp nhiều khó khăn, thì các con đường “ngoài luồng” ra nước ngoài làm việc vẫn luôn rộng mở. Mới đây, tại TP.HCM đã diễn ra một hội thảo giới thiệu chương trình đưa người sang Canada, New Zealand, Úc, Mỹ,… học nghề, làm việc bán thời gian và có cơ hội định cư. Chưa biết thực hư thế nào, nhưng chương trình này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Chấp nhận đánh đổi!

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Bùi Anh Thuỷ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết bộ Lao động, thương binh và xã hội chỉ chịu trách nhiệm quản lý đối với các trường hợp người lao động đi ra nước ngoài theo các dạng hợp đồng được quy định tại luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Còn với những trường hợp tự đi bằng các con đường không chính thống, về nguyên tắc Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại sẽ quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng, nếu người lao động có liên hệ với cơ quan này sau khi nhập cảnh. Còn nếu sang lao động “chui”, cơ quan ngoại giao không biết, thì chính người lao động sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro.

Vấn đề còn lại là các cơ quan hữu trách trong nước cần phải nhanh chóng phát hiện và dẹp bỏ những đường dây đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp. Công việc này thời gian qua tỏ ra chưa thật hiệu quả.

Từ gần một năm nay, báo chí Anh nhiều lần đưa thông tin về việc nhà chức trách bắt quả tang một số người Việt Nam trồng cần sa ở nước này. Kết nối với những thông tin trong nước, có thể khẳng định là hiện có không ít lao động Việt Nam đã nhập cư bất hợp pháp vào Anh thông qua những “cánh cửa hẹp”.

Không riêng gì nước Anh, mà ngay ở Nga, bên cạnh những lao động được các doanh nghiệp XKLĐ đưa sang, còn có một số lượng người khác lớn gấp nhiều lần, nhập cư vào nước này bằng các con đường không chính thức, bị đẩy xuống các căn hầm tăm tối để làm việc trong những “xí nghiệp đen”. Ở Cộng hoà Czech, dù cho con đường XKLĐ chính thức vừa mới mở đã đóng sập, nhưng hiện vẫn có hàng chục ngàn người làm việc trong các nhà máy, hoặc buôn bán ngoài chợ trời. Ở Đức, Ba Lan, Pháp,… cũng có thể gặp những người Việt đang kiếm sống dưới mọi thứ nghề khác nhau, kể cả buôn lậu, bán hàng giả và những công việc bị đặt ngoài vòng pháp luật khác. Họ đến những nước này bằng con đường nào, chỉ có chính những người trong cuộc mới biết rõ!

Giữa năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện một đường dây đưa người lao động sang Úc và Anh thông qua đường quá cảnh Indonesia, do một doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ đóng tại quận Tân Bình (TP.HCM) đứng ra điều hành. Trước khi bị phát giác, đường dây này đã đưa được một số người đi trót lọt. Cách thức “làm ăn” của đường dây này là sử dụng các “chân rết” ở mọi vùng quê để tìm những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao. Họ thu của mỗi lao động khoảng 15.000 USD, tổ chức xuất cảnh sang Indonesia dưới dạng đi du lịch. Từ điểm tập kết này, họ tiếp tục đưa người lao động sang Anh hoặc Úc bằng giấy tờ giả. Ở những nước này, họ đã kịp thiết lập những hệ thống tìm kiếm việc làm, chủ yếu là trong những cơ sở sản xuất, chế biến hàng cấm. Không loại trừ khả năng các đường dây này có quan hệ với những tổ chức tội phạm quốc tế. Một khi đã chấp nhận làm việc tại những nơi này, người lao động coi như không còn được làm chủ chính bản thân mình. Đổi lại, họ được trả lương cao, có đường dây chuyển tiền về tận gia đình ở Việt Nam một cách an toàn!

Đối với lao động nghèo, họ có thể bỏ ra vài trăm USD để sang Thái Lan làm ôsin, hoặc sang Macau làm bồi bàn ở các nhà hàng, khách sạn, thông qua những người quen. Với những công việc này, họ có thể “thu hồi vốn” chỉ sau một vài tháng, rẻ hơn nhiều so với đi XKLĐ “chính thống”. Nhưng vây quanh họ là bao rủi ro. Không ít cô gái đã trở thành gái bán dâm “hạ cấp”, đêm đêm kiếm sống dưới ánh đèn mờ của các sòng bạc ở Macau; hoặc bị chủ quỵt lương, ngược đãi, thậm chí phải trả giá cả bằng mạng sống vì chìm đò như những ôsin quê Quảng Bình, từ Thái Lan về quê ăn tết cách đây hai năm, hay như vụ ba lao động bị giết hại ở Angola mới đây.

(Theo Hải Việt // SGTT Online)

  • Đời sống công nhân thời tăng giá: Tăng ca, giảm bữa, tiết kiệm tiền
  • Bốc thuốc trị lạm phát tâm lý
  • Thận trọng chính sách tài khóa
  • Góc nhìn chuyên gia: Phát triển kinh tế tư nhân và tập đoàn kinh tế tư nhân
  • Tài nguyên nước Việt Nam “kêu cứu”
  • Tư tưởng đổi mới kinh tế đã được kiểm chứng
  • Nỗ lực kiềm chế lạm phát
  • Việt Nam hướng tới kinh tế thị trường với tốc độ cao nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi