Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lời khuyên chuyên gia UNDP đưa ra cho Việt Nam: Nội lực là chính

Đẩy mạnh thị trường nội địa sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững

Làm cách nào để Việt Nam vừa có thể giải quyết được những sức ép ngắn hạn, vừa đảm bảo phát triển dài hạn? Đó là bài toán mà các chuyên gia UNDP đưa ra cho Việt Nam trong Điều tra kinh tế - xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2010. 

Kiểm soát vốn để kiềm chế lạm phát

Điều tra 2010 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) nhận định, trong khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề do nền kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất thì kinh tế Việt Nam lại tỏ ra thích ứng tương đối tốt so với nền kinh tế của các nước láng giềng khu vực Đông Nam Á. Mặc dù nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi và đi lên, song tăng trưởng GDP lại giảm trong quý I/2010 (giảm từ 6,9% trong quý IV/2009 xuống còn 5,8% trong quý I/2010). Do đó, ủy ban này dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2010 ở mức 5,8%. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức trên 8% trước khi xảy ra khủng hoảng. Trong khi Chính phủ mới đây tuyên bố sẽ nỗ lực phấn đấu để kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức 8%, thay vì mức 7% đã Quốc hội đã thông qua hồi cuối năm ngoái, thì UNESCAP dự báo mức lạm phát 2010 của Việt Nam sẽ ở mức 10,3%. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với mức 4,1% dự kiến cho toàn tiểu vùng Đông Nam Á và khu vực châu Á đang phát triển.

Theo đại diện của Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam đang thâm hụt ngân sách lớn nhất từ trước tới nay (theo tính toán của UNDP là khoảng 8,2% GDP) nên vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm thế nào để đưa được về mức 4% GDP? Nếu Việt Nam tập trung giảm đáng kể mức thâm hụt ngân sách thì sẽ phải trả giá bằng việc không có thêm tiền cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài… để chuẩn bị cho sự phát triển. UNESCAP cảnh báo rằng, mặc dù thắt chặt tiền tệ có thể là biện pháp cần thực hiện để hạn chế áp lực lạm phát, song các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vẫn phải thận trọng lựa chọn thời điểm và trình tự thực hiện khi ngừng áp dụng các gói kích thích tài chính để tránh tình trạng quá trình phục hồi vừa mới nhen nhóm đã bị dập tắt.

Theo các chuyên gia kinh tế của UNESCAP, Việt Nam cần phải áp dụng biện pháp kiểm soát vốn để tiết chế các luồng vốn ngắn hạn, tránh tình trạng tạo ra bong bóng tài sản ảo, giảm áp lực lên lạm phát và tỷ giá hối đoái. Ông Alex Warren Rodriguez, Cố vấn chính sách kinh tế của UNDP, nhận xét rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng can thiệp bằng cách công bố một loạt các gói kích thích tài chính nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp Việt Nam nhanh chóng giải quyết bài toán tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với sức ép về dài hạn mà Việt Nam cần phải đối mặt. Đó là làm thế nào để vừa đảm bảo đạt được các chỉ tiêu kinh tế, vừa phát triển bền vững về lâu dài. “Không nên quá tập trung vào mục tiêu mà cần xem xét mô hình nào là tốt nhất cho Việt Nam, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội”, ông Alex Warren Rodriguez nói.

Tập trung cho thị trường nội địa

Để giải bài toán về phát triển bền vững trong tương lai, theo ông Eugene Gherman, chuyên gia kinh tế của UNESCAP tại Bangkok, Việt Nam cần phải tập trung cho thị trường nội địa. Khó khăn lớn nhất mà Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực đang gặp phải là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu nên khi khủng hoảng xảy ra ở những nước này, các nước xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ông Eugene Gherman cho rằng, biến phản ứng tích cực thành phục hồi bền vững sẽ đặt ra những thách thức còn phức tạp hơn. Lý do là khủng hoảng ẩn chứa tình trạng mất cân bằng về cơ cấu trên phạm vi toàn cầu, trong đó mức độ tiêu dùng của phương Tây khó có thể phục hồi lại như thời kỳ trước đây. Do đó, khắc phục tình trạng mất cân bằng trong nhiều lĩnh vực và phát triển dựa trên nhu cầu của thị trường nội địa sẽ giúp Việt Nam không ngừng tự phát triển và tạo ra các nguồn tăng trưởng kinh tế mới ngay trong nội bộ đất nước mình. Vị chuyên gia gợi ý “Trung Quốc là một thị trường mà Việt Nam nên học tập”.

Để phát triển thị trường nội địa thì tăng cường công tác bảo trợ xã hội là một trong những nội dung quan trọng nhất mà UNESCAP đưa ra nhằm giúp Việt Nam và các nước trong khu vực phát triển bền vững. Bà Noeleen Heyzer - Trợ lý Tổng thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP, khuyến nghị các chính phủ phải nắm bắt cơ hội này để đảm bảo duy trì được những thành quả đã đạt được thông qua đầu tư vào các chương trình xã hội mà người được hưởng lợi trực tiếp là những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng, để giảm nghèo và tạo ra một nền kinh tế bền vững hơn. “Chúng tôi đã đúc kết được kinh nghiệm từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Đó là, đối với người nghèo nhất có thể phải mất rất nhiều năm để phục hồi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ kéo dài 2 năm này. Các chính phủ cần duy trì các chương trình giúp người dân phục hồi lại tài sản và sinh kế của họ. Nếu số người thoát khỏi nghèo càng lớn thì trong tương lai chúng ta sẽ càng tạo ra được nhiều người tiêu dùng và nhiều thị trường phát triển hơn” - bà Noeleen Heyzer nói.

Không nên quá tập trung vào mục tiêu mà cần xem xét mô hình nào là tốt nhất, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

Bà Heyzer dẫn ra ví dụ như tại Ấn Độ có hẳn Đạo luật quốc gia đảm bảo việc làm cho nông thôn nhằm đảm bảo mỗi năm các thành viên trưởng thành trong các hộ gia đình nông thôn có việc làm trong 100 ngày. Hay tại PhiliPines có chương trình cấp kinh phí có điều kiện cho các hộ gia đình nghèo để giải quyết các nhu cầu về y tế và giáo dục… Những hỗ trợ này là cơ sở giúp người dân, đặc biệt là những người nghèo, có cơ hội phát triển, tạo ra tiền đề để kích cầu thị trường nội địa tăng lên.

Việc tăng cường các dịch vụ tài chính phù hợp với khả năng của người dân cũng cần phải được ưu tiên. Các sản phẩm dịch vụ đó sẽ bao gồm tiết kiệm, tín dụng và các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế riêng phù hợp với nhu cầu của người nghèo với các điều kiện ưu đãi hơn và các yêu cầu thế chấp không quá chặt chẽ. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam cũng đang thực hiện rất hiệu quả mô hình tài chính vi mô và sự thành công của mô hình này sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo ra sự ổn định về mặt cơ cấu, giảm gánh nặng cho nhà nước và là cơ hội cho sự phát triển sau này.

Ngoài việc khuyến khích có những chính sách cho người nghèo, các chuyên gia kinh tế của UNESCAP cũng nhấn mạnh đến một số chương trình chính sách khác giúp Việt Nam có được sự phát triển bền vững, chẳng hạn như thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ các động lực tăng trưởng xanh (sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường)…

(Theo Bích Ngọc // Báo Doanh nhân)

  • Bao giờ cho đến tháng Chín?
  • Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường: Lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất
  • Không chỉ lắng nghe
  • Kinh tế phục hồi cao hơn kỳ vọng
  • Hối thúc trong triển khai PPP
  • Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì
  • 3 giải pháp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế VN
  • Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng nông thôn mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi