Economist dự báo về kinh tế và lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015
Economist mới công bố báo cáo về Việt Nam trong đó đưa ra một số nhận định và dự báo về chính trị, kinh tế, tỷ giá, lạm phát tại Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2015.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 7,2%/năm giai đoạn 2011 đến 2015
Tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 dự kiến ở mức trung bình khoảng 7,2%/năm bởi tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng trưởng tốt do thị trường lao động cải thiện và mức lương thực tăng.
Khi điều kiện kinh tế trên toàn cầu tăng, nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam tăng, lĩnh vực sản xuất sẽ có thêm điều kiện phát triển. Sản xuất phát triển, nhu cầu lao động tăng lên sẽ giúp mức lương tăng trưởng.
Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cùng lúc đó, ngành dịch vụ tài chính phát triển, tín dụng tiêu dùng trở nên thuận lợi hơn, tiêu dùng cá nhân có thêm yếu tố hỗ trợ.
Bất chấp những lo lắng về chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam và dự án có vốn đầu tư nước ngoài, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam nhìn chung vẫn khá tốt.
Nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu đối với hàng hóa Việt Nam sẽ vẫn lên cao hơn. Tuy nhiên cùng lúc đó, nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao, xuất khẩu ròng sẽ vẫn tác động nhất định lên tăng trưởng GDP thực trong giai đoạn trên.
Lạm phát
Economist dự báo chỉ số giá tiêu dùng có thể chạm 14,3% trong năm 2011 (cao hơn so với dự báo 12,3% trước đó).
Giai đoạn 2012 - 2015, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng ở mức trung bình 7,8%/năm. Từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng bởi giá cả tại thị trường nội địa dễ chịu tác động tiêu cực từ biến động của giá hàng hóa quốc tế.
EIU dự báo giá dầu thô (Brent Blend) có thể tăng 13% trong năm nay, giá thực phẩm có thể tăng tới 27% từ mức 20% theo dự báo trước đó.
Một số dự báo của Economist trong báo cáo mới nhất (Vietnam Country Report)
Giá hàng hóa toàn cầu sẽ giảm trong năm 2012 và ở mức khá ổn định từ năm 2013 đến 2015. Áp lực bình ổn giá cả sẽ giảm nhưng nhu cầu mạnh sẽ vẫn đẩy mặt bằng giá chung lên cao hơn.
Mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu năm 2011 chỉ được hạ thấp một chút, từ 23% xuống dưới 20%. Economist dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn ở mức trung bình 21% từ năm 2011 đến năm 2015.
Economist dự báo tiền đồng sẽ hạ 4,3% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015.
Economist dự báo về kinh tế thế giới và nhóm OECD
--------------
Ngọc Diệp
Theo Economist // CafeF
---------------------------------------------------------------------------------------
BNP Paribas dự báo kinh tế Việt Nam năm 2011 tăng trưởng 6,5%
BNP Paribas dự báo lạm phát năm 2011 tại Việt Nam ở mức 11% và 10% trong năm 2012.
Tổng quan
Dòng vốn vào ồ ạt, kinh tế tăng trưởng quá nóng. Việc dự trữ ngoại hối giảm mạnh phát đi tín hiệu rằng thanh khoản đang thắt chặt.
Dù tình trạng này không mang tính hỗ trợ đối với giá tài sản trong ngắn hạn (đặc biệt nếu xét đến việc chính phủ thực hiện thắt chặt chính sách hành chính/tiền tệ và nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 4 điểm phần trăm), tăng trưởng kinh tế sẽ hạ nhiệt nhưng dọn đường để tăng trưởng tốt và ổn định hơn trong năm 2012.
Các biện pháp thắt chặt chính sách mà chính phủ đưa ra trong tháng 2/2011 dường như đã giúp ổn định tỷ giá tiền đồng, điều này có thể thấy rõ ở biến động của tiền đồng trên thị trường. Tuy nhiên lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2011 bởi: độ trễ của tăng trưởng cung tiền M2; giá điện tăng; tiền đồng yếu hơn.
Đối với những nhà đầu tư nào đã từng trải qua khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998, những gì đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay giống như vậy. Tuy nhiên, BNP Paribas không tin Việt Nam sẽ đương đầu với khủng hoảng tương tự như vậy bởi tỷ lệ nợ ngắn hạn thấp và nhà đầu tư nước ngoài nắm khá nhiều tài sản ròng tại hệ thống ngân hàng.
Việt Nam sẽ không thể tránh được ảnh hưởng từ động đất và khủng hoảng hạt nhân tại Nhật. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi: dòng vốn vào hạn chế; Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu thô; Việt Nam không nằm trong hệ thống sản xuất khu vực hiện vốn thống trị các nền kinh tế châu Á khác. Tỷ lệ tương tác của nhà máy tại Nhật đối với sản xuất hàng hóa Việt Nam ở mức khoảng 23%, thấp hơn nhiều so với con số 50% của Philippin và 32% của Thái Lan.
Dự báo cho năm 2011
Ngân hàng BNP Paribas dự báo kinh tế Việt Nam năm 2011 tăng trưởng 6,5% và tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2012. Mức tăng trưởng này thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7 đến 7,5%/năm trong kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015.
Dù động thái thắt chặt chính sách đóng vai trò quan trọng “hãm phanh” tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng giá hàng hóa toàn cầu cao và tiền đồng hạ giá. Tiền đồng hạ giá, nông dân Việt Nam tham gia sản xuất hàng xuất khẩu có lợi. Việt Nam xuất khẩu mạnh các mặt hàng cao su, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu; giá các loại hàng hóa này đang tăng. 50% lực lượng lao động Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp; nông nghiệp đóng góp 21% GDP.
Ngành du lịch cũng hưởng lợi không nhỏ khi tiền đồng Việt Nam hạ giá. Theo Tổng cục du lịch Việt Nam, doanh thu của ngành du lịch năm 2010 tăng 40% so với năm trước và đạt mức 5 tỷ USD; cao hơn so với lợi nhuận thu được từ 2 ngành xuất khẩu lớn nhất bao gồm xuất khẩu dầu (4,9 tỷ USD) và gạo (3,2 tỷ USD).
Khách Trung Quốc và Mỹ chiếm 27% trong tổng khách du lịch đến Việt Nam. Tiền đồng hạ giá, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về giá cả trong năm 2011.
Cần nhấn mạnh rằng nhà đầu tư đã nhìn ra xu thế này; 10 tỷ USD đã được rót vào lĩnh vực khách sạn trong năm 2009; tăng vọt so với con số 1,3 tỷ USD năm 2008 và là nguồn nhận FDI lớn nhất trong năm 2009. So tương quan, FDI đầu tư vào khách sạn còn lớn hơn vào sản xuất và bất động sản.
BNP Paribas dự báo lạm phát năm 2011 tại Việt Nam ở mức 11% và 10% trong năm 2012.
----------
Ngọc Diệp
Theo BNP Paribas // CafeF
-------------------------------------------------------------
WB dự báo GDP Việt Nam năm 2011 tăng trưởng 6,3%
WB dự báo dù các chính sách bình ổn sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nếu thành công, Việt Nam sẽ giành lại được vị thế trước khủng hoảng trong trung hạn.
Ngày 21/03/2011, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo có tựa đề “Securing the Present. Shaping the Future” trong đó có đưa ra một số nhận định và dự báo về kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục nhanh từ khủng hoảng toàn cầu. Sau khi tăng trưởng 5,3% trong năm 2009, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2010, mạnh nhất trong 3 năm.
Kinh tế phục hồi nhanh nhờ nhu cầu nội địa tăng trưởng tốt, đầu tư cao và xuất khẩu phục hồi. FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh và kiều hối tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu hiện đang tăng trưởng 25,5%; xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu mỏ khá tốt, ghi nhận mức tăng trưởng 31,5% trong năm 2010. Cán cân thương mại cải thiện và kiều hối giúp giảm thâm hụt tài khoản vãng lai từ 8% vào năm 2009 xuống 4% vào năm 2010.
Việc trì hoãn rút đi chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ bất chấp kinh tế phục hồi mạnh đã khiến Việt Nam đương đầu với khá nhiều khó khăn. Đến quý 3/2010, lạm phát bắt đầu tăng nóng, vấn đề tỷ giá và tình hình tại Vinashin thu hút sự quan tâm của thị trường trong và ngoài nước.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng GDP năm 2011, năm 2012 của một số nền kinh tế tại châu Á (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)
Giá cả các loại hàng hóa tiếp tục tăng nóng trong quý 4/2010 do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng, và chịu tác động từ việc giá hàng hóa toàn thế giới tăng cao, nguồn cung nội địa cũng chịu áp lực từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh.
Đến Tết Nguyên đán năm 2011, lạm phát lên 12,2%, cao nhất trong 2 năm, tiền đồng chịu khá nhiều áp lực. Dù thâm hụt tài khoản vãng lai giảm và thặng dư tài khoản vốn tăng, dự trữ ngoại hối vẫn giảm trong suốt năm 2010. Phần lớn thặng dư trong cán cân thanh toán nằm ngoài hệ thống ngân hàng, vượt 10 tỷ USD đến năm thứ 2 liên tiếp.
Vấn đề vĩ mô qua thời gian đã tác động đến niềm tin. Một số người Việt Nam mất niềm tin đã chuyển sang mua mạnh USD và vàng do lo ngại về rủi ro lạm phát lên cao và thiếu rõ ràng về hướng chính sách.
Đến đầu tháng 2/2011, chính phủ đã đồng thuận về việc đưa ra biện pháp mạnh mẽ để khôi phục sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Việt Nam chấp nhận tăng trưởng chậm trong ngắn hạn nhưng giải quyết được các vấn đề bất ổn. Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11 bao gồm nhiều cải cách về chính sách tài khóa, tiền tệ, cơ cấu để làm dịu nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Chính sách đúng hướng
Theo Ngân hàng Thế giới, chính sách gần đây của Việt Nam đánh dấu bước đi đúng hướng, hạ nhiệt chu kỳ tăng trưởng quá nóng, tăng trưởng chậm lại và khôi phục hình ảnh của một đất nước được coi như điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn FDI trong khu vực.
Thị trường tài chính quốc tế đã phản ứng tích cực sau động thái chính sách mới đây của Việt Nam, rủi ro trái phiếu ngoại tệ của Việt Nam giảm nhẹ trong vài ngày gần đây. Chính phủ Việt Nam sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để thực thi chính sách thành công.
WB nhận định sự chuyển hướng chính sách gần đây của Việt Nam đã làm giảm đi một số rủi ro đối với kinh tế Việt Nam.
Giá điện, năng lượng tăng, giá hàng hóa toàn cầu và áp lực lên tiền đồng sẽ có thể khiến lạm phát tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên lạm phát cơ bản (không tính thực phẩm và năng lượng) sẽ giảm bởi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt.
Thông qua kế hoạch ngân sách năm 2011 và nghị quyết gần đây của chính phủ, có thể thấy các nhà hoạch định chính sách thể hiện rõ quyết tâm củng cố tình hình tài khóa và giảm thâm hụt tài khóa về mức trước khủng hoảng.
Tình hình nợ công của Việt Nam sẽ ổn định kinh tế tiếp tục phục hồi và thâm hụt tài khóa giảm.
WB dự báo dù các chính sách bình ổn sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nếu thành công, Việt Nam sẽ giành lại được vị thế trước khủng hoảng trong trung hạn.
--------
Ngọc Diệp - Quỳnh Nguyễn
Theo Ngân hàng Thế giới // CafeF
----------------------------------------------------------
ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2011 tăng trưởng 6,1%
ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2011 tăng trưởng 6,1%, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 13,3%.
Theo ADB, chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa ra những chính sách tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua nghị quyết 11. Nếu thực hiện thành công nghị quyết 11, kinh tế Việt Nam sẽ được khôi phục.
Tuy nhiên, dù có thực hiện thành công sẽ vẫn cần thời gian để lạm phát giảm.
Lạm phát được dự báo duy trì ở mức cao khoảng 13,3% trong suốt năm 2011 trước khi giảm xuống mức 6,8% trong năm 2012.
Ông Ayumi Konishi, giám dốc ADB tại Việt Nam, cho rằng: “Việc giảm tỷ lệ lạm phát cả năm xuống dưới 1 con số vào cuối năm nay đòi hỏi tỷ lệ lạm phát trung bình tháng từ giờ đến hết năm phải dưới 0,4%. Điều này rất khó khăn song vẫn có thể đạt được".
ADB đưa ra một số rủi ro chính đối với Việt Nam ở hiện tại:
Sớm nới lỏng chính sách hiện thời
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (Vinashin)
Khu vực ngân hàng dễ bị tổn thương
Nền kinh tế toàn cầu nhiều biến động (tăng trưởng tại Trung Quốc; thảm họa tại Nhật, ODA)
Giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế
Triển vọng dài hạn của Việt Nam được tóm gọn trong một số dự báo:
Triển vọng kinh tế vẫn lạc quan nếu ổn định kinh tế vĩ mô được khôi phục và duy trì ổn định.
Trung Quốc + 1 sẽ chuyển đầu tư trực tiếp vào ASEAN
Thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ thu hẹp do nền kinh tế sản xuất được thêm mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng.
---------------------------
Cao Sơn - Khánh Ly
Theo ADB// CafeF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com