Cùng lúc với giá điện tăng, cắt điện luân phiên đã bắt đầu từ 1/3 ở nhiều tỉnh thành. Quy hoạch điện 6 "phá sản" đã cho thấy, thiếu điện không chỉ do hạn hán hay thiếu vốn. Hiệu quả đầu tư nguồn điện đang ở tình trạng báo động đỏ.
Mùa khô năm nay, từ tháng 3-6 được dự báo cả nước thiếu tới 1,7 tỷ kWh. Lý giải về tình trạng thiếu điện, lãnh đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực (EVN) chỉ nhấn mạnh 2 lý do dễ nhìn thấy nhất, một là hạn hạn - lỗi bất khả kháng, hai là thiếu vốn - vấn đề phổ biến ở mọi ngành.
Câu chuyện thiếu điện loanh quanh được dẫn giải tới vấn đề giá điện Việt Nam quá thấp và cần phải tăng giá.
Nhưng nhìn lại 5 năm qua, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng được bỏ ra để làm điện, nhưng rồi, hoặc chậm chạp, kéo dài tiến độ; hoặc hoạt động hỏng hóc, không đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn cung điện lại ít được nhắc đến như một vấn đề nóng cần nghiêm túc kiểm điểm.
Chậm 1 năm, lỡ hàng tỷ kWh
Nếu như quy hoạch xi măng, thép, hai ngành ngốn tới hơn 10 tỷ kWh/năm liên tục bị phá vỡ vì bội thực dự án, thì qui hoạch của ngành điện lại phá sản vì "đói" cung.
GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết, quy hoạch điện 6 (Quy hoạch điện giai đoạn năm 2006-2010) vừa qua chỉ thực hiện được 63-64% phần lưới điện và 70% phần nguồn điện.
Bộ Công Thương đã rốt ráo làm Quy hoạch điện 7, nhưng lại chưa có một đánh giá công khai đầy đủ, toàn diện về những thiệt hại từ việc vỡ Quy hoạch điện 6. Mối liên hệ mật thiết nhân - quả của việc chậm quy hoạch nguồn điện với tình trạng thiếu điện triền miên 3 năm nay vẫn không được lý giải rõ ràng.
Báo cáo cập nhật mới đây nhất của Ban chỉ đạo Quy hoạch điện 6 cho thấy, 42 nhà máy điện, gồm cả thủy điện và nhiệt điện đưa vào vận hành giai đoạn 2010-2012 thì có tới 28 nhà máy thuộc diện bị chậm tiến độ 1-2 năm.
Nổi tiếng nhất trong việc chậm tiến độ, phải kể đến là nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Hải Phòng 1 do EVN làm chủ đầu tư. Cả 2 nhà máy này đều chậm hơn 27 tháng.
Một công trình khác điển hình cho sự trì trệ là Nhiệt điện Sơn Động (2x110 MW), do TKV làm chủ đầu tư cũng đã được điểm mặt nhiều lần. Đáng lẽ, dự án này phải vận hành từ năm 2008 nhưng đến quý II năm 2010 mới bắt đầu vận hành. Nhiệt điện Cẩm Phả 300MW cũng chậm 1 năm, khi phải lùi thời gian phát điện từ năm 2009 sang 2010.
Năm nay, hệ thống điện quốc gia dự kiến sẽ đưa vào 18 nhà máy điện với tổng công suất 4.585MW, nhưng trong đó, có 10 nhà máy với 1.705MW thuộc diện để lại từ 2009-2010 sang.
Cũng theo thống kê này, có tới 8 nhà máy tổng công suất 3.410MW, đáng lẽ phải phát điện năm 2010-2011 thì giờ, đã phải khất hẹn tiếp sang năm 2012, 2013 như nhà máy Quảng Ninh 2 (2 x 300MW) Hải Phòng 2 (2 x300MW), như thủy điện Khe Bố 50MW, thủy điện A Lưới 2 x 85MW, nhiệt điện Mạo Khê (2 x 220MW), nhiệt điện Vũng Áng (2 x 600MW).
Nói về thiệt hại của việc chậm tiến độ này, GS. Trần Đình Long cho hay, mỗi nhà máy thường chạy tối đa khoảng 6.000 giờ/năm. Một nhà máy 300MW có sản lượng điện khoảng 1,8 tỷ kWh/năm. Như vậy, có thể hiểu rằng, khi một nhà máy 300MW chậm 1 năm thì năm đó, hệ thống điện quốc gia đã bị mất cơ hội được cung ứng tới 1,8 tỷ kWh.
Theo cách tính của GS Long, với việc lui lại 8 nhà máy điện có tổng công suất 3.410 MW từ năm nay sang năm 2012-2013, nghĩa là, nguồn cung ứng điện cho cả nước năm nay đã bị "thiệt" mất một sản lượng khoảng 20,46 tỷ kWh so với kế hoạch. Nếu so với nhu cầu khoảng 115 tỷ kWh năm 2011, con số thất hẹn trên đã chiếm khoảng 20%.
Năm 2010, nếu 10 nhà máy công suất 1.705MW không bị chậm trễ thì hệ thống điện quốc gia đã có trên 10 tỷ kWh được cung ứng. Và nếu vậy, dù cho hạn hán, thiếu nước thì không đến mức cả nước bị cắt giảm tới 1,4 tỷ kWh như vậy.
Xốc lại tiêu chí làm điện
Câu chuyện trên đã được nói nhiều từ 3 năm nay. Thậm chí, có vị chuyên gia trong ngành còn cười rằng, bản cập nhật của Ban chỉ đạo Quy hoạch 6 mỗi quý một lần vẫn thế thôi, vì nhà máy nào đã chậm thì cũng đã chậm rồi. Việc "chậm tiến độ" gần như được coi là đặc tính tự nhiên của ngành này. Không có ai chịu trách nhiệm trong việc phá sản Quy hoạch điện 6.
Cái nhìn của người trong cuộc có lẽ là chuẩn xác hơn cả. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, lên tiếng, chậm tiến độ này còn do một vấn đề lớn là việc chọn đối tác nhà thầu. Hầu hết, các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm nhà máy nhiệt điện than, theo Quy hoạch 6, đều bị chậm và trục trặc.
Ngay cả Tập đoàn TKV, một "khổ chủ" của nhiều dự án nhiệt điện hợp tác với các nhà thầu nước này, cũng phải thừa nhận, tất cả các dự án nhiệt điện đốt than thực hiện tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đều bị chậm tiến độ 1-2 năm hoặc hơn đã làm tăng chi phí đầu tư của dự án, như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, chi phí chuẩn bị sản xuất. Vì vậy, làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án. Việc đàm phán để nhà thầu EPC nộp khoản phạt chậm tiến độ là công việc rất khó khăn và thường bị kéo dài, nhất là đối với các nhà thầu Trung Quốc.
Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, dự án nhiệt điện Sơn Động của TKV, chậm 2 năm so với quyết định đầu tư, chậm 3 năm so với yêu cầu ban đầu của Thủ tướng đã dẫn tới, tăng chi phí đầu tư lên gần 10 tỷ đồng.
Chính nhà đầu tư này cũng đã báo cáo Bộ Công Thương, cho rằng một số thiết bị phụ của Trung Quốc như bơm, quạt, hệ thống vận chuyển than, đá vôi... trong quá trình vận hành thử bộc lộ những khiếm khuyết dẫn đến thời gian chạy thử, chạy tin cậy bị kéo dài chậm tiến độ của hợp đồng.
Trong quá trình thi công, nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng như: thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật...Việc này làm mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án của Chủ đầu tư. Các dự án điện của EVN do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu cũng gặp phải tình huống tương tự.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, một chuyên gia ở nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho biết, tổ máy 2 của nhà máy này đã tê liệt từ ngày 13/2, và hiện, tổ máy 1 cũng đang được đề nghị dừng nốt để sửa chữa. Các lỗi xảy ra vẫn như cũ, hệ thống thải xỉ bị hỏng... Nếu tiến tới bàn giao công trình này cho chủ đầu tư thì chắc chắn hỏng hóc vẫn xảy ra. Công suất tổ máy 1 của nhà máy này chỉ được khoảng 240MW, thay vì 300MW như thiết kế.
Thông thường, tính hiệu quả kinh tế của 1 dự án được đo bằng cả việc suất đầu tư/đơn vị sản phẩm, đo bằng chỉ số thu hồi vốn... Và theo cách hiểu thông thường, suất đầu tư rẻ, chi phí rẻ mà vẫn đảm bảo cho ra đời một sản phẩm tốt, có thể coi là cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Nhưng với ngành điện, lý thuyết này đã chỉ áp dụng được một vế, chi phí rẻ nhưng lại kèm theo là chậm tiến độ và thiếu điện.
Có lẽ, ngành điện đã thấm thía cái giá của việc bắt tay, chọn các nhà thầu Trung Quốc theo tiêu chí giá rẻ, công nghệ rẻ không đủ năng lực. Tiêu chí giá rẻ có thể là một sai lầm lớn trong chính sách phát triển đầu tư của ngành điện. Giống như mạch máu của một cơ thể sống, điện là lĩnh vực đặc biệt hơn tất thảy, quyết định tới sự phát triển của cả một nền kinh tế và cũng là quyết định độ văn minh cho đời sống sinh hoạt người dân.
Đúng là, mỗi năm, ngành điện cần tới hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển các công trình nguồn, lưới... Và thiếu vốn là câu chuyện có thật. Nhưng với hàng chục dự án đã đủ vốn thì việc chậm tiến độ, kém hiệu quả sẽ được lý giải như thế nào?
Với bài học xương máu ở Quy hoạch 6 và tình hình thiếu điện nay còn trầm trọng hơn cả năm 2010, đã đến lúc, cơ quan quản lý nên xem xét lại tiêu chí và cơ chế đầu tư cho nguồn điện. Giá thành thấp không thể coi là hiệu quả nếu như, nó không được cân đối với tiêu chí công nghệ hiện đại, nhà máy điện hoạt động chất lượng, ổn định.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com