Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam lạc quan về triển vọng giao thương trong sáu tháng tới

Ảnh minh họa
Theo khảo sát mới nhất về chỉ số tin cậy thương mại của ngân hàng HSBC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) tại các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ấn Độ và Việt Nam lạc quan nhất về triển vọng giao thương trong sáu tháng tới.
 
Lạc quan
 
Cuộc khảo sát về chỉ số tin cậy thương mại của ngân hàng HSBC năm nay được thực hiện tại 17 thị trường bao gồm các thị trường trọng yếu của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Trung Đông, Mỹ Latinh, Mỹ, Canada và Châu Âu. Đây là đợt khảo sát có quy mô lớn nhất trong đó 5.120 DNVVN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã đưa ra các dự đoán của họ trong 6 tháng tới về: khối lượng giao dịch thương mại, các rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp, nhu cầu tài trợ thương mại, khả năng tiếp cận tài trợ thương mại, tác động của ngoại hối, chính sách của nhà nước đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát được sử dụng để tính chỉ số tin cậy thương mại, xếp từ 0 đến 200, trong đó điểm 200 thể hiện mức độ tin cậy cao nhất, điểm 0 thể hiện mức thấp nhất và 100 là trung bình.  
 
UAE, Ấn Độ và Việt Nam có chỉ số tin cậy thương mại ở mức lạc quan cao nhất trong 17 thị trường được khảo sát với số điểm 134, 133 và 132 tương ứng. Các thị trường còn lại cũng có chỉ số nằm ở ngưỡng lạc quan trừ Pháp với chỉ số ở mức 95- ngưỡng bi quan. Nhìn chung, chỉ số tin cậy thương mại toàn cầu vẫn ở mức lạc quan kể từ khi HSBC tiến hành khảo sát về chỉ số này lần đầu tiên vào nửa đầu năm 2009. 
 

Lawrence Webb - Giám đốc toàn cầu Trung tâm Thanh toán quốc tế và tài trợ Chuỗi cung ứng ngân hàng HSBC nhận định: “Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò then chốt trong sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Sự củng cố mức độ tin cậy thương mại từ các công ty xuất nhập khẩu trên toàn cầu, dù tình hình kinh tế đình trệ tại các nước phương Tây và cuộc khủng hoảng mới đây tại Trung Đông, là bằng chứng cụ thể cho thấy tầm quan trọng của thương mại xuất nhập khẩu. Rõ ràng thương mại đã chuyển trọng tâm sang các thị trường mới nổi, nơi sự hồi phục của thương mại, được củng cố qua các hoạt động giao thương giữa các nước trong cùng khu vực tiếp tục thúc đẩy  quá trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nước phát triển như Mỹ, có đầu tư tại những thị trường đang phát triển cũng được hưởng lợi”. 

Số đông các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DN XNK) tại Mỹ La-tinh (64%), Trung Quốc (63%) và Ấn Độ (61%) kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ tăng trong 6 tháng tới. Nhìn chung ở cấp độ toàn cầu, hơn nửa các DN XNK bao gồm cả Vương Quốc Anh, Mỹ, Canada và Đức đều lạc quan về khối lượng giao thương.

Chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam đạt 132 điểm

Có một sự cải thiện đáng kể trong dự đoán của các DN XNK Việt Nam về triển vọng thương mại: chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam đạt 132 điểm, tăng từ mức 110 điểm từ đợt khảo sát tiến hành vào nửa sau năm 2009. Phần lớn các doanh nghiệp được hỏi tại Việt Nam (75% so với 65% nửa cuối 2009) cho rằng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng trong 6 tháng tới. Chỉ một số rất ít các doanh nghiệp được hỏi nghĩ rằng khối lượng giao dịch thương mại sẽ giảm (4% so với 8% nửa cuối 2009). 17% các doanh nghiệp được hỏi cho rằng khối lượng giao dịch thương mại sẽ giữ nguyên mức cũ (so với 26% nửa cuối 2009).

Về rủi ro liên quan đến bên mua và nhà cung cấp, đa số các doanh nghiệp trên cả 17 thị trường được khảo sát đều tin rằng rủi ro liên quan đến bên mua và nhà cung cấp sẽ không tăng. Các DN XNK Việt Nam cũng có chung cái nhìn lạc quan này khi có nhiều hơn các DN XNK tin rủi ro thanh toán từ phía người mua sẽ giảm (24% so với 7% nửa cuối 2009). Có một sự thay đổi rõ nét trong phần trăm các DN XNK tại Việt Nam (tăng gấp 3 lần so với đợt khảo sát nửa cuối 2009) cho rằng mức độ rủi ro từ phía nhà cung cấp không thực hiện đúng thỏa thuận thương mại sẽ giảm (29% so với 3% nửa cuối 2009). Số đông các doanh nghiệp được hỏi (62%) cho biết nguyên nhân chính là do tình hình tài chính của các nhà cung cấp đã được cải thiện. 

Về các biện pháp doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ mình khỏi các rủi ro về thanh toán, các DN XNK tại 17 thị trường được khảo sát có khuynh hướng giữ thế chủ động hơn trong quan hệ với bên mua bằng cách siết chặt hơn các điều khoản thanh toán, chấp nhận các đơn hàng nhỏ hơn để giảm thiểu rủi ro cho mỗi giao dịch hay thậm chí hạn chế kinh doanh với vài đối tác nhất định. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam chọn phương pháp chấp nhận các đơn hàng nhỏ hơn để giảm thiểu rủi ro cho mỗi giao dịch tăng cao hơn so với kết quả khảo sát nửa cuối năm 2009. Sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (17% so với 6% nửa cuối năm 2009) và tài trợ thương mại của các ngân hàng (24% so với 12% trong nửa cuối năm 2009) là những giải pháp được các DN XNK chọn sử dụng nhiều hơn để bảo vệ họ khỏi rủi ro không thanh toán từ phía người mua bên cạnh giải pháp “áp dụng các điều kiện thanh toán linh hoạt” (41%).

Tự tin hơn về khối lượng giao thương và có cái nhìn lạc quan hơn về các mức độ rủi ro liên quan đến người mua và nhà cung cấp, số lượng DN XNK Việt Nam cho rằng nhu cầu tài trợ thương mại của họ sẽ tăng đã đạt đến 74% so với con số 66% trong cuộc khảo sát nửa cuối năm 2009. Xét về nhu cầu tài trợ thương mại thì các DN XNK Việt Nam đứng đầu trong cả 17 thị trường được khảo sát, theo sau là Ấn Độ (60%) và Trung Đông (51%). Dù ghi được chỉ số cao hơn so với cuộc khảo sát trước đây nhưng Úc vẫn là nước có số lượng thấp nhất (19%) các doanh nghiệp được hỏi cho rằng nhu cầu tài trợ thương mại của họ sẽ tăng.

Một trong những điểm nổi bật của đợt khảo sát lần này là sự sụt giảm đáng kể về số lượng các DN XNK (51% so với 80% nửa cuối 2009) cho rằng tỉ giá ngoại hối sẽ có tác động tiêu cực lên họat động kinh doanh của họ và có nhiều DN XNK hơn (29% so với 17% nửa cuối 2009) cho rằng tỉ giá ngoại hối sẽ có tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Ngày càng có nhiều DN XNK tin rằng các chính sách của nhà nuớc về xuất nhập khẩu sẽ có tác động tích cực lên khả năng tăng trưởng kinh doanh của họ (28% so với 9% nửa cuối 2009).

Dù có sự sụt giảm lớn trong tỉ lệ phần trăm (từ 81% ở nửa cuối 2009 xuống còn 48% nửa đầu 2010) nhưng biến động tỉ giá ngoại hối vẫn bị đa số các doanh nghiệp cho là rào cản cho sự phát triển kinh doanh, theo sau là chi phí cho các dịch vụ thiết yếu như vận chuyển, giao nhận, lưu kho (40%), chính sách về thương mại của nhà nước (40%), lãi suất leo thang (38%).

Doanh nghiệp XNK Việt Nam vẫn nhận định Trung Quốc mở rộng (trong định nghĩa của HSBC bao gồm đặc khu kinh tế Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Trung Hoa đại lục) là thị trường quan trọng nhất khi số đông các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam (52%) vẫn đang hoạt động giao thương với Trung Quốc mở rộng, tiếp theo sau là  các thị trường tại các nước Đông Nam Á (33%) và phần còn lại của Châu Á (28%). 

Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp vẫn đang giao thương với Trung Quốc mở rộng đã giảm (52% so với 64% nửa cuối 2009) và Đông Nam Á đã qua mặt thị trường các nước Châu Á khác trở thành thị trường XNK lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Trong phần xếp hạng các thị trường nhiều triển vọng nhất về giao thương trong vòng 6 tháng tới, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận thị trường Đông Nam Á là thị trường nhiều triển vọng (tăng từ 14% nửa cuối 2009 lên 19% nửa đầu 2010), trong khi con số này dành cho thị trường Trung Quốc mở rộng lại giảm 9% so với kết quả lần khảo sát trước, từ 36% nửa cuối 2009 còn 27% nửa đầu 2010.

(Theo Mai Hương // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Thuế bảo vệ môi trường “doạ” đẩy giá xăng dầu
  • Biến tiềm năng thành nguồn lực thực tế trong Tiểu vùng Mekong
  • Lời khuyên chuyên gia UNDP đưa ra cho Việt Nam: Nội lực là chính
  • Bao giờ cho đến tháng Chín?
  • Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường: Lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất
  • Không chỉ lắng nghe
  • Kinh tế phục hồi cao hơn kỳ vọng
  • Hối thúc trong triển khai PPP
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi