Đại biểu Nguyễn Đức Kiên trao đổi về quá trình xây dựng báo cáo thẩm tra kinh tế, xã hội của Ủy ban Kinh tế. |
Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của Chính phủ tại sao chỉ có Ủy ban Kinh tế thẩm tra, các ủy ban còn lại liên quan đến các lĩnh vực về xã hội, văn hóa… đã vào cuộc như thế nào?
Câu hỏi này được đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đặt ra cuối ngày thảo luận thứ nhất (27/10) của Quốc hội tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội. Phiên họp này được truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.
Theo đại biểu Mai, đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, nhưng phương thức thẩm tra chưa đi vào quỹ đạo của nó.
Đầu giờ hôm sau, thể hiện sự đồng tình với đại biểu Mai, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng “điều này là không được”. Vì báo cáo của Chính phủ là một bức tranh toàn cảnh quan trọng, nó không chỉ là báo cáo kinh tế, vậy mà chỉ có Ủy ban Kinh tế thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thẩm định.
Vị đại biểu này kiến nghị rằng ở những kỳ họp sau, thẩm định báo cáo của Chính phủ không phải là Ủy ban Kinh tế, mà nên do đại diện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày. Nhằm “thể hiện rõ một cách nhìn mới, một cách nhìn toàn cảnh, một cách nhìn biện chứng chứ không phải là cách nhìn kinh tế thuần túy”.
Sau những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), với tư cách là ủy viên Ủy ban Kinh tế đã “trao đổi lại trình tự xây dựng báo cáo thẩm tra kinh tế, xã hội của Ủy ban Kinh tế để cho nhân dân cả nước cũng như các đại biểu Quốc hội nắm được”.
“Trên tay các vị đại biểu Quốc hội từ nhiều kỳ họp đều có báo cáo ghi rõ là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Tức là trong đấy có cả các vấn đề kinh tế và qua vấn đề kinh tế tác động đến vấn đề xã hội của đất nước như thế nào thì Ủy ban Kinh tế đều có nhận định”, ông Kiên nói.
Còn trình tự, theo ông Kiên, ngay từ tháng 8, tháng 9, Ủy ban Kinh tế đã chọn các vấn đề thông qua các văn bản của các đoàn đại biểu Quốc hội, qua các thành viên của Ủy ban Kinh tế, qua cơ quan thông tin, cơ quan nghiên cứu và có ý kiến gửi đến tất cả 11 đầu mối, là các ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Các cơ quan này sau khi nhận được đề nghị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đều có văn bản gửi lại Ủy ban Kinh tế. Sau khi tập hợp, Ủy ban Kinh tế sẽ chọn các vấn đề nóng và nổi nhất, trong đó có vấn đề liên quan đến nhiều vùng, nhiều tỉnh, nhiều địa phương trên cả nước.
Tiếp theo, Ủy ban mời các bộ có liên quan, chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề đã chọn cùng làm việc, cùng trao đổi để đi đến thống nhất về nhận định. Các ngành, các địa phương có dự án công trình trọng điểm liên quan đến các vấn đề đó cũng được mời trao đổi, đại biểu Kiên cho biết.
Liên quan đến những báo cáo chuyên đề gửi đến đại biểu Quốc hội, như báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách kích thích kinh tế và dự kiến sơ bộ các chính sách trong thời gian tới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Kiên nói cụ thể, ngày 18/9 Ủy ban Kinh tế đã có họp chuyên đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề đánh giá lại gói kích cầu như thế nào.
Từ 21 - 23/9, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể, có mời đại diện lãnh đạo của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… để trao đổi về vấn đề nóng của năm cũng như những nhận định tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong buổi họp ấy có mời đại diện các ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Kiên cho biết cụ thể hơn.
Ông Kiên cho rằng báo cáo thẩm tra đã được xây dựng từ nhiều nguồn thông tin và “tương đối chặt chẽ”.
Tiếp sau ý kiến của đại biểu Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn cũng đã phát biểu “làm rõ thêm cơ sở khoa học cũng như quan điểm của Ủy ban Kinh tế khi đề xuất một số chỉ tiêu cho năm 2010”.
“Trong quá trình phân tích chúng tôi tổng hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau và phân tích một cách chi tiết, cụ thể”, ông Ngoạn cho biết.
Vị đại biểu này cũng đã dành toàn bộ phần phát biểu của mình để trình bày những căn cứ của Ủy ban Kinh tế khi đề xuất chỉ tiêu xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng cho năm 2010. Đây là hai chỉ tiêu cơ quan chủ trì thẩm tra đã đề nghị mức cao hơn so với dự kiến của Chính phủ.
Trước đó, trong giờ giải lao của phiên họp buổi sáng, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng trả lời câu hỏi của VnEconomy liên quan đến băn khoăn của một số vị đại biểu về độ tin cậy của các con số tại báo cáo kinh tế, ngân sách.
Ông Hiển cho biết, thẩm tra là cả một quá trình chứ không phải khi Chính phủ đưa báo cáo sang mới ngồi “soi”. Báo cáo thẩm tra chỉ được đưa ra từ kết quả của sự theo dõi, đánh giá, giám sát liên tục cùng với kết quả làm việc với nhiều địa phương, bộ ngành có liên quan. Việc Chính phủ đưa báo cáo sang là chỉ để đối chiếu giữa thực tế giám sát và báo cáo.
“Ủy ban đã đưa ra báo cáo thẩm tra thì sẽ chịu trách nhiệm trước độ chính xác của những con số và những đánh giá của mình”, Chủ nhiệm Hiển quả quyết.
(Theo Nguyên Hà // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com