Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phong trào năng suất chất lượng: Từ lý thuyết đến thực tế

Traphaco đã triển khai nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng: thực hiện và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GPs-WHO và ISO 9001:2000; ISO 14001:2004
Traphaco đã triển khai nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng: thực hiện và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GPs-WHO và ISO 9001:2000; ISO 14001:2004

Trong thập kỷ vừa qua, VN đã có những thành tích về tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, song hành với thành tích đó, nhiều vấn đề cũng đang đặt ra bức xúc như: ô nhiễm môi trường, quy hoạch thiếu cân đối…Và nền tảng để phát triển bền vững, không gì khác ngoài nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2009, DĐDN chính thức là nhà bảo trợ thông tin cho giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Với mục đích tạo sự tăng trưởng bền vững, giảm thiểu những hệ quả xấu của tăng trưởng đối với xã hội và môi trường, phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại VN đã được phát động từ nửa cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Đến nay, VN đang trong thập niên chất lượng lần thứ 2 với chủ đề “Năng suất - Chất lượng: Chìa khóa của phát triển và hội nhập”. TS Vũ Văn Diện – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: hoạt động này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cả xã hội đối với vấn đề năng suất, chất lượng, vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực để các DN nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vào cuộc

Hưởng ứng phong trào nâng cao năng suất chất lượng, không ít DN VN đã vào cuộc nhiệt tình. Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Traphaco cho biết: Nâng cao năng suất, chất lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Traphaco. Theo đó, Traphaco đã triển khai nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng: thực hiện và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GPs-WHO và ISO 9001:2000; ISO 14001:2004 tại nhà máy Hoàng Liệt; Giám sát phân xưởng sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; xây dựng và quản lý định mức vật tư và định mức lao động; triển khai và duy trì hệ thống nhà thuốc GPP, hệ thống phân phối GDP... Bên cạnh đó, Traphaco cũng tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào năng suất, chất lượng tại DN. Hiện tại, công ty đã xây dựng các tiêu chí kiểm tra, khen thưởng và quan tâm, động viên những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào việc tăng năng suất lao động. Công ty đã tổ chức các lớp học về năng suất, chất lượng, phát động phong trào sáng tạo trẻ, trao thưởng cho các sáng tạo mới giúp cải tiến quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, Traphaco đã thu được một số thành tựu nhất định: đạt giải thưởng khoa học Kovalevskaia, 13 năm liền bầu chọn hàng VN chất lượng cao, 4 năm đạt giải thưởng Sao vàng Đất Việt...

Không chỉ có DN, các cấp chính quyền tại một số địa phương cũng hăng hái tham gia phong trào nâng cao năng suất chất lượng. Một dẫn chứng là ở Hải Phòng, hoạt động này đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng kết quả khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào hầu hết các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Thạc sĩ Bùi Xuân Tuấn – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, Hải Phòng cũng đã tập trung triển khai Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ DN hội nhập như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hỗ trợ xây dựng lộ trình đổi mới và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn... Hải Phòng đã xây dựng dự án Nâng cao năng suất và chất lượng các DN sản xuất sản phẩm trọng điểm giai đoạn 2009-2020.

Tuy vậy, nhìn nhận từ thực tế, TS Vũ Văn Diện khẳng định: để đáp ứng được đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách tụt hậu của phong trào năng suất chất lượng VN và thế giới, hoạt động năng suất chất lượng cần có chỉ đạo thường xuyên, đặc biệt từ tầm vĩ mô với chương trình hành động cấp quốc gia.

Cần sự tổng thể

Nhận rõ vai trò quan trọng của việc thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, Nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu phải xây dựng chương trình quốc gia năng suất chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa VN. Theo đó, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN VN đến năm 2020” đã được Bộ Khoa học – Công nghệ tham mưu, soạn thảo và đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Cơ quan này kỳ vọng, Chương trình quốc gia trên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành sẽ tạo ra bước chuyển biến mới về năng suất chất lượng của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN VN.

Tuy vậy, TS Vũ Văn Diện cho rằng, khi Chương trình này được triển khai trong thực tế, cần có sự tham gia tích cực của các bộ ngành, địa phương và DN. Ở góc độ của một cơ quan lập kế hoạch, ông Nguyễn Đăng Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh: để nâng cao năng suất chất lượng, các công việc cần được tiếp tục triển khai là đổi mới, hoàn thiện các chính sách: chính sách khuyến khích phát triển các ngành chuyên môn hóa để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, các sản phẩm có thể mạnh trên thị trường; chính sách khuyến khích đầu tư chiều sâu, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ của sản phẩm; chính sách thu hút FDI và đầu tư tư nhân vào các ngành, vùng kinh tế gắn với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế; chính sách phát triển các vùng động lực, khu vực tăng trưởng có sức lan tỏa lớn.

Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN VN đến năm 2020”
 
a) Giai đoạn 2010 - 2015:
 
* Xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), đảm bảo đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
 
* Quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
 
* Thiết lập mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá chủ lực.
 
* Xây dựng phong trào NSCL tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
* Xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về NSCL; tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về NSCL sản phẩm, hàng hóa tại các bộ, ngành, địa phương, DN sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực.
 
* 40.000 DN được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL.
 
* 40% DN sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và  thực hiện các dự án nâng cao NSCL.
 
* Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 30% vào năm 2015.
 
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
 
*  Xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
 
* 100% phòng thử nghiệm chất lượng  sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế.
 
*  60.000 DN được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL.
 
*  Xây dựng phong trào NSCL tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
* 100% DN sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao NSCL.
 
* Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020.

(Theo Tuệ Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi