Tại Hà Nội vừa diễn ra hội nghị “Các phát hiện, khuyến nghị đóng góp cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020”.
Ảnh minh họa. |
Đây là Hội nghị trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020” do UNDP tài trợ với sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt và Ông John Hendra, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các thành viên tổ Biên tập Chiến lược 2011 - 2020 đã trình bày kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị trong 4 báo cáo, đó là: Báo cáo nghiên cứu số 1 “Phân tích các xu hướng phát triển kinh tế thế giới và trong khu vực và tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới”; Báo cáo nghiên cứu số 3 về “Năng lực cạnh tranh của các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân và kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”; Báo cáo nghiên cứu số 7 về “Thúc đẩy tăng năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập khu vực nông thôn ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực”; Báo cáo nghiên cứu số 8 về “Thị trường lao động, việc làm và đô thị hoá ở Việt Nam đến năm 2020: Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế”.
Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà chiến lược tham dự hội nghị đã thảo luận, chia sẻ quan điểm về những phát hiện, khuyến nghị, những kết luận chủ yếu, các báo cáo nghiên cứu, các cuộc thảo luận trong năm 2009. Đây là kết quả đầu vào rất quan trọng cho quá trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: Mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới không còn là xóa đói giảm nghèo mà cần phải phát triển được khối các doanh nghiệp mạnh có sức cạnh tranh quốc tế cao, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, tiến sĩ Nguyễn Bá Ân nhận xét về báo cáo “Thúc đẩy tăng năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập khu vực nông thôn ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực” của GS. Ian Coxhead, Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ. Ông cho rằng: Việc trao quyền cho người dân như báo cáo đã nêu chưa chắc đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Ở Việt Nam phát triển nông nghiệp cần phải dựa trên nền tảng năng suất lao động. Nếu năng suất lao động không tăng thì tiềm năng tăng trưởng kinh tế bền vững của nền kinh tế sẽ bị hạn chế.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn khẳng định: Thời gian qua trong khi hầu hết các ngành nhập siêu, thì nông nghiệp là ngành liên tục xuất siêu. Hiện tại, nông nghiệp đóng góp 20% vào GDP nhưng mức đầu tư vào ngành này lại chưa tương xứng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã có nhiều nhận xét về báo cáo nghiên cứu về “Năng lực cạnh tranh của các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân và kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” của tác giả Frederick Nixson và Bernard Walters.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng báo cáo đã có phân tích khá chi tiết về tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D). Trong đó đáng chú ý là tỷ lệ trung bình đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp ở Việt Nam là thấp (0,3%), các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tỷ lệ đầu tư cho R&D trên lợi nhuận cao nhất ở mức 0,55 %.
Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, PGS. TS Ngô Doãn Vịnh cho rằng: Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách kinh tế rất đúng đắn, tuy nhiên một số chính sách khi đưa vào thực thi lại vướng mắc, đó là do thiếu thể chế thực hiện đồng bộ. Vì vậy, việc lượng hóa các tác động của các chính sách đối với nền kinh tế thời gian tới cần được các chuyên gia kinh tế nỗ lực hơn nhằm đóng góp quan trọng vào quá trình hoạch định chiến lược và chính sách kinh tế.
(Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com