So với năm trước, các yếu tố gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí thời gian ở các tỉnh, TP đều bị giảm điểm. Các doanh nghiệp cũng chưa cảm nhận được sự thay đổi của cải cách hành chính.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16-3. Đây là năm thứ 6, VCCI thực hiện bảng xếp hạng này nhằm đưa ra một bức tranh toàn diện về năng lực cạnh tranh của các địa phương trong cả nước.
Dù cải cách hành chính đã có nhiều bước chuyển tiến bộ, song một số doanh nghiệp cho biết chưa cảm nhận được sự thay đổi. Trong ảnh: Doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Không còn nhóm “thấp” nhưng “tốt” giảm một nửa
Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho biết đáng mừng là lần đầu tiên, trong bảng xếp hạng không có tỉnh được đánh giá có chỉ số PCI thuộc nhóm “thấp” mà chỉ có “tương đối thấp” (đó là các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La, Đắk Nông). Điều đó cho thấy đã có sự tác động nhất định của chính quyền địa phương để cải thiện môi trường kinh doanh vì mức độ cải thiện điểm số rất cao, tỉnh tăng cao nhất là 6,29 điểm và tăng ít nhất là 2,74 điểm.
Các chi phí không chính thức vẫn là mối quan ngại lớn của nhà đầu tư nước ngoài. 20% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% phải chi trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu, 70% phải trả chi phí “bôi trơn” để thông quan hàng hóa nhanh hơn. |
Tuy nhiên, đáng lưu ý là những thách thức đặt ra ngày càng nhiều hơn. Nhóm “rất tốt” chỉ còn 3 so với 6 tỉnh năm 2009, đó là Đà Nẵng, Lào Cai, Đồng Tháp; nhóm “tốt” chỉ còn 19 so với 20. Ngay cả địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng là Đà Nẵng cũng chỉ đạt 69,77 điểm. Bình Dương - địa phương trở thành hiện tượng của các bảng xếp hạng trước đây, đã rời khỏi nhóm “rất tốt” để xuống vị trí thứ 5. Đây là trường hợp đáng tiếc vì Bình Dương đã không có đột phá trước áp lực đô thị hóa, môi trường, chất lượng sống, nguồn nhân lực. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM đều rớt hạng so với năm ngoái. Hà Nội xếp thứ 43/63, tụt 10 bậc, còn TPHCM xếp thứ 23/63, tụt 7 bậc.
Gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí thời gian là những vấn đề quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại đạt được nhiều điểm xấu so với một năm trước. Yếu tố gia nhập thị trường lần đầu tiên đã chững lại sau 4 năm cải thiện liên tục. Số lượng doanh nghiệp chờ hơn 3 tháng mới hoàn tất đăng ký kinh doanh tăng từ 4,44% năm 2009 lên 5,77% năm 2010. Tính minh bạch cũng giảm vì doanh nghiệp cho rằng khả năng tiếp cận văn bản khó khăn hơn dù Việt Nam đang thực hiện chính phủ điện tử. Các doanh nghiệp cũng chưa cảm nhận được sự thay đổi của cải cách hành chính. “Có thể Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính mới đưa ra thống kê, còn cắt bỏ và áp dụng cùng thái độ thân thiện của công chức chưa được cải thiện trong thực tế” - ông Trần Hữu Huỳnh nhìn nhận.
Quảng bá, ưu đãi đầu tư không hiệu quả
Là năm đầu tiên thực hiện điều tra tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kết quả đưa ra cũng có nhiều bất ngờ. TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, cho biết động lực lớn nhất để nhà đầu tư quyết định bỏ vốn vào Việt Nam là chi phí lao động rẻ, ưu đãi thuế đất đai, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế ngoạn mục...
Các nhà đầu tư tương lai rất quan tâm đến cơ chế bảo vệ thực thi hợp đồng, sở hữu trí tuệ, trong khi chiến lược quảng bá thu hút đầu tư của các địa phương ít đề cập các thông tin này. Do đó, 88% nhà đầu tư lựa chọn các tỉnh, thành có chính sách ưu đãi bằng hoặc kém hơn để rót vốn. Các ưu đãi đầu tư của địa phương không hiệu quả khi các doanh nghiệp FDI cho rằng họ chưa thực sự được hỗ trợ để thành công ở thị trường Việt Nam. Theo bà Virginia Palmer, đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ, có dấu hiệu đáng lo ngại về xu hướng minh bạch trong công khai chính sách, làm ảnh hưởng đến quy mô đầu tư. Cần khảo sát thêm ý kiến doanh nghiệp quyết định rút lui sau khi tìm hiểu xong thủ tục đầu tư ở Việt Nam.
Báo cáo cũng nêu rõ: Đặc điểm của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là quy mô nhỏ, định hướng xuất khẩu, tỉ suất lợi nhuận thấp, 54% hàng hóa, dịch vụ được mua ngoài Việt Nam. Như vậy, tác động lan truyền với nền kinh tế rất thấp, đây là vấn đề Việt Nam cần thay đổi để thu hút nhà đầu tư thế hệ mới.
(Theo TÔ HÀ/nld online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com