Cuối tuần qua, dự thảo lần thứ tư nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục đưa ra góp ý tại TP.HCM. Theo bộ Công thương, mục tiêu của nghị định lần này là hướng đến thiết lập trật tự kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người trồng lúa. Tuy nhiên, với khá nhiều điều khoản quy định trong dự thảo biến mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện. Trong đó, doanh nghiệp phải gánh cùng lúc hai chức năng: vừa tạo ra lợi nhuận, vừa chịu trách nhiệm an ninh lương thực.
Lý do có yêu cầu doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có cơ sở xay xát, kho chứa, theo bộ Công thương, nhằm hạn chế doanh nghiệp không có năng lực, bán phá giá, làm rối loại thị trường. “Chính vì vậy, việc đưa tiêu chí kho chứa, cơ sở xay xát nhằm gom lượng gạo về một đầu mối, nâng sức cạnh tranh hạt gạo” – dự thảo nghị định nêu rõ.
Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam, kho chứa gạo dành riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khoảng 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Trên thực tế, một lượng lớn kho chứa, kể cả cơ sở xay xát thuộc tư nhân (chành) nắm giữ chứ không phải của những đơn vị chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn. Một chuyên gia kinh tế, nhiều năm gắn bó với vùng đồng bằng, cho rằng, nếu yêu cầu doanh nghiệp xây kho sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh hạt gạo do phải cõng thêm chi phí. Để xây được silo kho chứa khoảng 1.000 tấn gạo, cần ít nhất bảy tỉ đồng, chưa kể phải cần thêm khoảng 15 tỉ đồng mua sắm thiết bị sấy, xay xát, lau bóng. Với mức đầu tư như vậy, theo vị này, doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành, thời gian khấu hao từ 20 – 30 năm.
Với quy định trên, các doanh nghiệp nhà nước như tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam có lợi thế hơn do có nguồn vốn ưu đãi để xây kho. Điều này khiến cho tạo sự cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường xuất khẩu gạo.
Vai trò quản lý hệ thống kho, thích hợp nhất là giao cục dự trữ. Các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ thuê lại. Cách làm này sẽ tách bạch vai trò dự trữ khỏi kinh doanh, khiến thị trường không bị méo mó về mặt cạnh tranh. |
Dự thảo nghị định cũng quy định doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đảm bảo dự trữ lưu kho 20% lượng gạo. Điều này khiến cho doanh nghiệp gánh hai vai: kinh doanh và dự trữ. Một doanh nghiệp xuất khẩu sáu tháng đạt hai triệu tấn như tổng công ty Lương thực miền Nam, con số dự trữ gạo lưu thông theo quy định sẽ là 400.000 tấn. Khi số gạo này nằm kho, không được đem ra xuất khẩu sẽ phải gánh thêm hàng loạt chi phí như lãi vay ngân hàng, chi phí lưu kho, trượt giá, mất cơ hội bán giá cao. Nếu giá thị trường không đổi, để có lời, doanh nghiệp này buộc phải tìm cách mua gạo với giá thấp.
Các ý kiến trao đổi tại cuộc họp góp ý dự thảo có nhắc tới mô hình thị trường Thái Lan với lượng gạo xuất khẩu tập trung vào 20 – 25 doanh nghiệp, trong khi thị trường Việt Nam lên tới 205 doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai thị trường không ở con số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mà ở vai trò của cục dự trữ lương thực. Ở Thái Lan, mùa giáp hạt, gạo lên giá, cục dự trữ sẽ bán cho dân với giá thấp để tránh tình trạng giá gạo tăng quá cao. Số gạo bán ra này được cục dự trữ mua đúng dịp thu hoạch, lúc đó giá sẽ thấp. Sự tham gia của cục dự trữ như vậy, theo một chuyên gia kinh tế, sẽ đóng vai trò cơ quan điều phối chịu trách nhiệm đưa ra một mức giá mang tính dẫn dắt thị trường.
Trong ngành viễn thông, các chuyên gia từ lâu đưa ra ý kiến tách biệt đường trục khỏi các nhà kinh doanh, để mọi thành phần đều được đối xử bình đẳng. Ở thị trường lúa gạo, nếu đầu tư kho thông qua các tổng công ty nhà nước chẳng khác gì giao đường trục cho các nhà mạng. Vai trò quản lý hệ thống kho, thích hợp nhất là giao cục dự trữ. Các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ thuê lại. Cách làm này sẽ tách bạch vai trò dự trữ khỏi kinh doanh, khiến thị trường không bị méo mó về mặt cạnh tranh.
( Theo SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com