Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tính trên đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu USD/ha một năm, trong khi sản xuất nông nghiệp chỉ mang lại 1.600 USD (mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha một năm trên thực tế đã không thành công như mong muốn).
Các chuyên gia kinh tế cũng tính toán, các khu công nghiệp đóng góp khoảng 20% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước hằng năm. Bình quân, đất cho thuê tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 700 nghìn USD/ha một năm.
Các KCN đã tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Bình quân, 1ha đất công nghiệp thu hút được hơn 70 lao động trực tiếp trong khi đất nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 10-12 lao động.
Những tính toán này không có gì mới, dẫn ra chỉ để thấy rằng phát triển KCN là hoàn toàn cần thiết và thực tế đã có một số KCN, khu chế xuất thành công. Tuy nhiên, ồ ạt lập KCN để rồi bỏ hoang hoặc hoạt động lay lắt - tình trạng phổ biến đang diễn ra tại nhiều địa phương lại là chuyện hoàn toàn khác. Đáng chú ý, "mô hình" phát triển KCN kiểu này vẫn tiếp tục với tốc độ đáng lo ngại. Hiện tại, nhiều khu, cụm công nghiệp được thành lập nhưng không có hoặc vắng nhà đầu tư. Chẳng hạn KCN Đồ Sơn (Hải Phòng) thành lập năm 1997 chỉ "lấp" được 24,1% diện tích; KCN Khánh An (Cà Mau) được thành lập từ năm 2004 vẫn đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, mới cho thuê được... 3ha, "lấp" 1,22%; KCN Cát Lái 4 (thành phố Hồ Chí Minh) và KCN Kim Hoa (Vĩnh Phúc) được thành lập từ năm 1997, 1998 nhưng... chưa hoàn thành xây dựng cơ bản.
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cả nước hiện có khoảng 230 KCN được thành lập trên 56/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 58.000ha; 145 KCN đã đi vào hoạt động; 83 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng. KCN tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, những vựa lúa màu mỡ. Ngoài ra, cả nước còn có 14 khu kinh tế đã được thành lập với tổng diện tích gần 630.000ha. Một thống kê cho thấy, tổng diện tích đất đã cho thuê ở các khu đang hoạt động mới đạt tỷ lệ 64%; còn tính chung các KCN cả nước thì tỷ lệ lấp đầy chưa đến 50%. Trong tổng diện tích đất bỏ hoang của các tổ chức được giao, thuê lên tới xấp xỉ 300.000ha, đất từ các dự án công nghiệp "treo" chiếm một tỷ trọng lớn.
Những con số mang tính luận chứng kinh tế nêu trên dường như được dẫn ra cho có "tính khả thi" chứ xem ra trên thực tế chưa mang lại hiệu quả.
Nói chung là như vậy...
Công nghiệp hóa là quá trình tất yếu và đã trở thành một chủ trương, đường lối lớn, một mục tiêu mang tính chiến lược. Tuy nhiên, hãy nhìn vào cách chúng ta đang làm: Một nước nông nghiệp mà tất cả 63 tỉnh, thành phố đều "đòi" có KCN thì có hợp lý hay chỉ dẫn đến chia cắt, chồng chéo trong phát triển? Phát triển KCN liệu có thể theo lối mạnh ai nấy làm?
Tại sao có những vùng chỉ nên tập trung cho nông nghiệp và ngược lại để những vùng khác làm công nghiệp thì lại "cào bằng" theo kiểu "tỉnh này ăn khoai, tỉnh kia vác mai đi đào"?
Tại sao KCN nào của ta cũng gom đủ loại ngành nghề, lĩnh vực, chưa có những "đại khu" mà hầu hết nhỏ lẻ về quy mô, lạc hậu về trình độ phát triển?...
Đúng, chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa nhưng rõ ràng phải xem lại cách chúng ta đang làm. Những con số "1,6 triệu USD/ha, tạo ra việc làm cho 70 lao động trực tiếp..." nêu trên không phải là mẫu số chung, nhất là khi thực hiện chưa được khôn ngoan cho lắm.
(Theo Đồ Nghệ/Bao HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com