Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức phát triển bền vững

Nền kinh tế Việt Nam hướng tới tạo giá trị gia tăng cao, không chạy theo số lượng. Ảnh: Hà Thanh
Khi góp ý Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011- 2015, nhiều chuyên gia nhấn mạnh là Việt Nam phải hướng tới mô hình phát triển bền vững.
 
Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức lớn nhất của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng kế hoạch 5 năm tới đây. Bởi sau những tổn thất của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sau cuộc khủng hoảng, buộc những dự tính trước đó phải thay đổi.

Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thừa nhận, những dự tính lớn cho nền kinh tế Việt Nam nhằm tạo nên những bước chuyển lớn trong giai đoạn 5 năm tới đã phải lùi lại, thế vào đó là những dự tính tương ứng cho giai đoạn phát triển cẩn trọng sau khủng hoảng.

Đây là lý do mà những chỉ tiêu phát triển dự kiến cho giai đoạn này được cân nhắc thận trọng với GDP bình quân 2011-2015 tăng 7-8%/năm, cơ cấu công nghiệp, dịch vụ khoảng 40-41%, nông nghiệp và thuỷ sản khoảng 18-19%. Tỷ trọng đầu tư phát triển 5 năm tới được dự kiến ở mức 40-41% GDP.

Trao đổi thẳng thắn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, kế hoạch 5 năm này có vai trò quyết định trong chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2020 là trở thành một quốc gia công nghiệp. Trong bối cảnh nảy sinh hàng loạt những bất ổn mới của nền kinh tế, mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng, thực sự là thách thức lớn.

Trên thực tế, chỉ trong hai năm 2008-2009, nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều bất ổn tác động tới sự phát triển bền vững. Sự bấp bênh của ranh giới đói nghèo, những khó khăn trong phát triển y tế, giáo dục, cộng với khoảng cách giàu nghèo đang là vấn đề mà các chuyên gia nước ngoài quan tâm tới. Đặc biệt, bẫy của nền kinh tế thu nhập trung bình vẫn sẽ là thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam không chỉ trong 5 năm tới.

“Các thành tựu Việt Nam đã đạt được như giảm tỷ lệ đói nghèo, giữ ổn định kinh tế vĩ mô… thực sự đáng ấn tượng. Song, điều đáng quan tâm là chất luợng của thành tựu đó. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy những biện pháp cụ thể để đảm bảo yếu tố này trong kế hoạch 5 năm tới”, bà Kwakwa bình luận và cho rằng, Việt Nam phải đẩy mạnh hơn các nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, để đưa người vượt nghèo xa khỏi ranh giới đói nghèo.

Trong số các tiêu chí cho phát triển bền vững, môi trường vẫn nổi lên là những quan ngại lớn nhất. Cùng với đó, các giải pháp cân bằng giữa môi trường và tăng trưởng cũng sẽ cần những nghiên cứu và các giải pháp thận trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng nhanh và bền vững. “Đúng là sẽ có những mâu thuẫn trong mục tiêu này. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước đang phát triển, cần có những bước đi rõ rệt để tạo được tăng trưởng, từ đó tạo ra nguồn lực để cân đối các chỉ tiêu khác. Tuy vậy, tôi đồng tình với quan điểm sẽ không chạy theo số lượng”, ông Bá chia sẻ.

Sự cân đối trong tăng trưởng được nhìn thấy trong lựa chọn các ưu tiên cho phát triển. Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), ưu tiên cho công nghiệp và dịch vụ là các sản phẩm cạnh tranh cao, nông nghiệp là hiện đại, hiệu quả, dịch vụ hướng tới cạnh tranh quốc tế và xuất khẩu sẽ đi vào hướng tạo động lực thúc đẩy cho nền kinh tế.

Bà Fiona Lappin, đại diện UK DFID đồng tình với sự lựa chọn ưu tiên của Việt Nam, tuy nhiên, bài toán phát triển bền vững sẽ khó giải hơn, nếu không làm rõ được những tồn tại của giai đoạn 5 năm 2006-2010.

“Đó là hiệu quả đầu tư vẫn thấp, trong khi nền kinh tế nảy sinh những khó khăn mới. Tình trạng lao động sẽ được giải quyết như thế nào khi sự dịch chuyển lao động nông thôn ra thành thị chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Tôi đặc biệt quan tâm đến các cơ chế đánh giá, giám sát thực hiện các kế hoạch. Nếu cơ chế này vận hành không tốt, các nỗ lực sẽ khó thành hiện thực”, bà Fiona Lappin kiến nghị.

Đặc biệt, vị trí mới của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN từ năm 2010, mức độ trầm trọng của Việt Nam về biến đổi khí hậu… cũng được đề nghị đưa vào như là những cấu thành quan trọng của kế hoạch 5 năm tới.

(Theo Tuyết Ánh // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi