Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp tục kích cầu vào mục tiêu trung và dài hạn

Ngày 28-10, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010. Nhiều ĐBQH đồng tình chủ trương tiếp tục kích thích kinh tế trong năm 2010 của Chính phủ, nhưng cần tập trung vào các mục tiêu trung và dài hạn. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội.

Tập trung cho phát triển bền vững

Nhiều ĐBQH tiếp tục bày tỏ sự thống nhất với các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2010, như GDP tăng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng không quá 7%, xuất khẩu tăng 6%. Đa số các ý kiến đều cho rằng nên có tiếp gói kích cầu thứ 2 nhưng tập trung vào các khoản đầu tư trung và dài hạn và tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời phân loại từng phần, danh mục đầu tư, giảm thủ tục không cần thiết để các khoản vay đến đúng được đối tượng cần hỗ trợ.

Để nền kinh tế phát triển bền vững, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu: “Ở một số nước, nội các của họ đã họp dưới nước để biểu thị sự quan tâm đến vấn đề này. Ở ta, Chính phủ tuy đã khởi động dù muộn, nhưng đòi hỏi phải hành động cụ thể, khẩn trương”.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định), một căn bệnh cố hữu cần được “trị” dứt điểm, đó là công trình khởi công rất nhiều nhưng tiến độ rùa bò, việc này xảy ra từ TƯ đến địa phương, đây là một trong yếu tố làm “nghẽn” nền kinh tế.

Trong ngày hôm qua, nhiều ý kiến cũng bày tỏ, Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, vì vừa để phát triển đời sống vùng biển, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

ĐB Bùi Thị Hòa (Đắc Nông) băn khoăn về các chỉ tiêu xã hội khác đang có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, trong đó có chênh lệch giới tính, khi một số nơi, tỷ lệ 125 trẻ em nam/100 trẻ em nữ; vấn đề quá tải bệnh viện vẫn trầm kha.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) thì đề nghị Chính phủ phải quan tâm đến vấn đề phòng chống thiên tai. “Cơn bão số 9, thiệt hại tới 14.000 tỷ đồng, gần bằng giá trị của gói hỗ trợ lãi suất 18.000 tỷ đồng. Phòng chống thiên tai hiện nay mới chỉ chủ yếu là khắc phục hậu quả, chưa chú ý đầu tư cho công tác phòng chống. Nếu cứ làm theo cách này, chúng ta sẽ loay hoay mãi với bài toán đói nghèo” - ĐB Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Xem lại kỷ luật chi ngân sách

Thảo luận về phương án bội chi ngân sách năm 2010 ở mức 6,5% mà Chính phủ trình, nhiều ĐBQH cho rằng cần phải tính toán lại. ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) kiến nghị nên đặt mục tiêu bội chi tối đa ở mức 6%, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho những năm sau.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) thì nhận định, mức bội chi 6,5% là cao, nhưng để giảm xuống cũng rất khó. Vấn đề đặt ra là phải cố gắng tăng thu và giảm chi.

Về vấn đề này nhiều ĐBQH cho rằng, Chính phủ còn chưa nghiêm trong thực hiện kỷ luật chi ngân sách. “Chi ngân sách năm 2009 có đến 15/20 lĩnh vực vượt dự toán đến 20%-30%. Chính phủ cần giải trình cụ thể hơn và lập lại kỷ luật về vấn đề này” – ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng nêu ra một vài ví dụ về kỷ luật chi ngân sách: chẳng hạn với gói kích cầu chiếm đến 8% GDP, nhưng Chính phủ quyết rồi sau đó mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hay việc bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra phương án phân bổ trước khi được Quốc hội thông qua... “Đây là những điều cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc để quyết định dự toán chi ngân sách cho năm 2010” – ông Thuyết nhấn mạnh.

Để cân đối được ngân sách, giảm bội chi, nhiều ĐBQH lưu ý Chính phủ về việc chống thất thu các nguồn vào ngân sách, đặc biệt là thuế. ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng thu ngân sách hiện có 3 hạn chế, đó là: thu không vững chắc; thu không đúng với chi; và thất thu. Trong đó, có thất thu từ đất. Đây là nguồn đóng góp nhiều cho ngân sách, nhưng phần lớn các dự án khi giải phóng mặt bằng dân đều kêu giá đền bù thấp. Nhà nước cũng không được lợi trong việc này. Vì thế, Quốc hội và Chính phủ cần có biện pháp kiểm tra, đánh giá.

Tình trạng thất thu thuế VAT, mua bán hóa đơn... cũng được ĐB Nguyễn Đình Xuân nêu ra. Ở đây cũng thấy rõ tình trạng này, từ các cửa hàng ở đô thị đến các cửa khẩu biên giới. “Cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan thuế thì mới có thể chống được thất thu” – ĐB Nguyễn Đình Xuân nói.

  • Đại biểu HUỲNH THÀNH LẬP: TPHCM tiếp tục đề nghị được tăng gấp đôi mức phạt vi phạm giao thông

Trong ngày hôm qua, thay mặt đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Huỳnh Thành Lập đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề “nóng” của TP. TPHCM đang phải đối mặt với tình trạng giao thông, ngập nước, dân số tăng nhanh, kẹt xe triền miên, dân số đã lên tới 7,2 triệu người, đến năm 2009 đã có tới 4,3 triệu các loại phương tiện giao thông... Hạ tầng và các lĩnh vực khác đều quá tải. TP dù đã nỗ lực nhiều nhưng vẫn khó khăn, không thể tự giải quyết được, phải có sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, sự quan tâm của Quốc hội.

 

TPHCM kiến nghị QH, Chính phủ chỉ đạo để TP giải quyết các vấn đề bức xúc về vốn, đào tạo nhân lực, hạ tầng, giải quyết giao thông. Cụ thể, đề nghị cho phép TP tăng gấp đôi mức phạt giao thông so với quy định chung; cho phép thu phí tự động ô tô vào khu vực trung tâm, cứ mỗi nửa giờ mức phí điều chỉnh một lần; Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Cư trú theo hướng vừa bảo đảm quyền tự do quyền cư trú của công dân theo hiến pháp, vừa bảo đảm quy mô dân số đô thị phù hợp với tiêu chí về nhà ở và cây xanh, đường sá…

“TPHCM quyết tâm nỗ lực thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, thể hiện trách nhiệm của TP đối với sự phát triển của cả nước”, ĐB Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh.

  • Bộ trưởng Bộ KH-ĐT VÕ HỒNG PHÚC: Gói kích cầu đã đến được với tất cả các doanh nghiệp

Trong ngày thảo luận thứ 2, nhiều Bộ trưởng đã đăng đàn hồi đáp các vấn đề mà ĐBQH cũng như cử tri cả nước quan tâm.

Bị các ĐBQH “soi” nhiều về gói kích cầu thứ nhất, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, gói có tổng giá trị khoảng 8 tỷ USD, được triển khai trong thời gian ngắn. “Về tổng thể, gói kích cầu đã phát huy tác dụng, giúp cho GDP không ngừng tăng trưởng giữa các quý và đạt mức khoảng 5,2% cả năm”.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, gói kích cầu lớn, khi đánh giá cần phân loại thành các “gói” nhỏ hơn. Gói hỗ trợ đầu tư chung, chúng ta đã dành khoảng 90,8 ngàn tỷ đồng bằng nhiều nguồn để giải quyết các vấn đề trước mắt, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Nhờ vậy, tỷ trọng tăng trưởng của ngành xây dựng rất lớn, 3 quý tăng 9%, lấy lại độ tăng trưởng chung cho cả ngành công nghiệp-xây dựng. Xi măng, sắt thép đều tăng cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Còn riêng gói hỗ trợ lãi suất gồm 18.000 tỷ đồng, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến nói nhiều nông dân, doanh nghiệp chưa được vay. Có thể là do thủ tục còn phiền hà, hiện Chính phủ đã giao ngân hàng xử lý.

Về chính sách kích cầu năm 2010, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, một số chính sách sẽ tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng như giãn thuế, đầu tư dài hạn. “Riêng về gói hỗ trợ lãi suất, tôi đồng ý với QH là phải xem xét lại, nếu hỗ trợ phải phân loại. Hỗ trợ cho nông dân, nông nghiệp sẽ lâu dài, Chính phủ sẽ ban hành nghị định. Còn các đối tượng khác có được hỗ trợ lãi suất tiếp hay không, Chính phủ đang tính toán rất thận trọng. Về chỉ số giá tiêu dùng, năm 2010 Chính phủ cố gắng giữ mức 7%, có thể dưới hoặc trên 7%.

  • Bộ trưởng Bộ Công thương VŨ HUY HOÀNG: Sẽ xem xét, điều chỉnh quy hoạch thủy điện ở miền Trung

Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến vấn đề “loạn” quy hoạch thủy điện ở miền Trung, nhất là thủy điện nhỏ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, không có việc thủy điện phát triển tự phát. Trong tổng sơ đồ phát triển điện, ngoài quy hoạch chung còn có quy hoạch riêng về thủy điện. Quy hoạch thuỷ điện do Chính phủ (đối với thủy điện lớn) và địa phương (thủy điện nhỏ) phê duyệt. Các thủy điện ở miền Trung đều tuân thủ quy hoạch này. Địa hình đặc thù của miền Trung có lợi thế để phát triển thủy điện. Các công trình ở đây đều có sự tham gia thẩm định của các địa phương, không phải là ý chí chủ quan của bộ ngành nào. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, sẽ phải xem xét, điều chỉnh quy hoạch, nhất là sau cơn bão số 9 (bão lớn, một số thủy điện phải xả lũ).

Về xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, năm 2010 Chính phủ dự kiến tăng 6% là có cơ sở, vì nền kinh tế bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Trên cơ sở tăng khối lượng xuất khẩu và dự kiến giá xuất khẩu “ấm lên”, Chính phủ sẽ cố gắng điều hành xuất khẩu tăng trên 6%.

(Theo L.Nguyên - B.Minh - N.Hà // SGGP online)

  • Điện hạt nhân chiếm 9% hệ thống điện vào 2030
  • Tiết kiệm để mua nhà chiếm 80% thu nhập: Giới hạn nguy hiểm?
  • Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh
  • Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn
  • 71,692 tỷ đồng phí môi trường sử không đúng mục đích
  • Nhà máy lọc dầu Dung Quất xuất triệu tấn xăng dầu
  • EVN lại muốn… “đa đoan”
  • Thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân: Cần sự bình đẳng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com