Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có cần tiếp tục gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn?

Ngày 15-1-2009, Chính phủ thông qua kế hoạch sử dụng gói kích cầu đầu tiên trị giá 17 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho khoản vay ngân hàng bằng đồng Việt Nam (VND) của doanh nghiệp, hộ sản xuất.

 

Những kết quả bước đầu của việc triển khai gói kích cầu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã đi đúng hướng. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tám tháng đầu năm đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi được tiếp vốn từ chính sách kích cầu của Chính phủ đã phục hồi sản xuất và đạt kết quả kinh doanh tốt hơn những tháng đầu năm.

 

Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ kết thúc. Chính phủ có tiếp tục gói này trong năm 2010 hay không còn là vấn đề đang thảo luận. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng phải làm khác so với lần thứ nhất. Theo nhiều DN, mức tăng trưởng của DN những tháng gần đây vẫn chưa thật sự ổn định và bền vững, do đó, kiến nghị Chính phủ nên nới thêm thời hạn gói kích cầu, ưu tiên cho một số ngành nghề chủ lực vay vốn hỗ trợ. Sự hỗ trợ về cơ chế và vốn được xem là cần thiết đối với DN trong giai đoạn suy thoái và hậu suy thoái. Thế nhưng, liệu nó có tạo nên sức ỳ từ các DN hay không cũng là vấn đề cần được tính tới. Hơn nữa, do tính hai mặt cũng như độ trễ của chính sách tiền tệ, chúng ta cần tiên liệu những tác động ngoài mong muốn một khi gói kích cầu mới đi vào hoạt động.

 

Tính đến thời điểm này, gói kích cầu bù lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn đã thực hiện được hơn hai phần ba thời gian. Thời hạn của gói kích cầu lần thứ nhất đang gần kết thúc, nhưng cho đến giờ chưa có sự nghiên cứu hay khảo sát nào lượng hóa được những tác động của gói kích cầu lần thứ nhất một cách đầy đủ. Bởi lẽ, lý do quan trọng là việc thu thập thông tin và dữ liệu đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Theo chúng tôi, ngay bây giờ, Chính phủ cần giao cho một tổ chức có đủ năng lực thực hiện đề án nghiên cứu tác động của việc triển khai gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Ðể chúng ta có cơ sở đánh giá hiệu quả của nó, từ đó quyết định có cần tiếp tục gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn cho DN nữa không. Có như vậy mới kiểm soát được dòng vốn hiệu quả, để không rơi vào tình trạng vốn kích cầu chảy vào các thị trường bất động sản và chứng khoán hoặc khu vực trực tiếp sản xuất thì ít được hưởng lợi, trong khi khu vực trung gian lại hưởng lợi nhiều.

 

Vấn đề đặt ra là phải xem xét diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và xu hướng phục hồi của các nền kinh tế lớn. Việc dự báo chính xác vấn đề này sẽ giúp xác định được thời điểm điều chỉnh, thay đổi chính sách cùng với các giải pháp kích cầu kinh tế của chúng ta.

 

Nền kinh tế nước ta đang có xu hướng hồi phục, nhưng đi kèm là những cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn. Giai đoạn hậu suy thoái đang đặt ra những yêu cầu mới đối với chính sách tiền tệ. Giải pháp nào để vừa kích thích phát triển kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát; có cần thêm một gói kích cầu nữa hay không là những vấn đề được đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hậu suy giảm.

 

Cơ chế hỗ trợ lãi suất được Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2009 và công bố công khai nên DN không bị sốc về mặt thời điểm. Nhưng với mức hỗ trợ lãi suất 4%/năm là khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay hơn 30%. Xét về mặt tâm lý và hạch toán giá thành sản phẩm, theo chúng tôi cần có thêm bước đi giảm dần về đối tượng, lãi suất để ổn định tâm lý. Các biện pháp kích cầu thời gian qua chỉ là liều thuốc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì phát triển sản xuất. Nhà nước không thể hỗ trợ DN mãi được, vì còn những yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập, DN phải tự nâng cao sức cạnh tranh.

 

Kinh tế tám tháng đầu năm 2009 dần lấy lại được đà phục hồi. Trong những tháng cuối năm, dù còn khó khăn, nhưng xu hướng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng thuận lợi. Lạm phát cũng có xu hướng tăng do tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng và tăng giá. Sang năm 2010, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, nhưng lạm phát có sức ép tăng. Làm sao để bảo đảm động lực tăng trưởng mà vẫn tránh được nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế chính là điểm nhạy cảm và cái khó cho chính sách kích cầu trong giai đoạn hậu suy thoái. Vì thế, trong giai đoạn mới, khi kinh tế ổn định và phát triển, nếu chính sách kích cầu không tiếp cận vấn đề mới một cách nhanh chóng thì không những không thúc đẩy phát triển, mà những thành quả đạt được cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, cần có phản ứng nhanh nhạy với tình hình mới và ngay từ bây giờ phải xây dựng các chính sách cho giai đoạn hậu khủng hoảng. Việc thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nếu sử dụng dài hạn thì không những không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng lạm phát.

 

Do vậy, việc gói kích cầu rút dần dần và có lộ trình để DN có thể thích nghi dần thì đó là biện pháp rất tích cực. Bởi lẽ, nó vừa giúp cho chủ trương chống suy giảm của Nhà nước được bền vững, vừa giúp cho DN tránh được những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra. Theo chúng tôi, nên thực hiện gói hỗ trợ này có thể ít hơn, lãi suất thấp hơn và đối tượng được hỗ trợ hẹp hơn. Ðồng thời, tập trung nguồn vốn vào những DN làm ăn hiệu quả, những lĩnh vực kinh tế trọng yếu chứ không nên dàn trải.

 

Chúng tôi đồng tình về việc thực hiện thêm biện pháp để hỗ trợ DN và nền kinh tế lấy đà hồi phục, sau khi gói hỗ trợ lãi suất kết thúc vào cuối năm nay. Khi kết thúc gói hỗ trợ 4%, có thể tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn, thời gian ngắn hơn (có thể khoảng 4 - 6 tháng), đối tượng hỗ trợ hẹp hơn, với mức hỗ trợ thấp, chẳng hạn 1-2%.

 

Bên cạnh đó, để bảo đảm hỗ trợ DN phát triển trong giai đoạn hậu suy thoái, Nhà nước cần có những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để ổn định mức lãi suất thấp. Mức lãi suất cơ bản 7% đã được giữ ổn định trong hơn sáu tháng qua. Ðây là mức lãi suất tích cực đối với ổn định thị trường, kích thích đầu tư, giảm khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... yếu tố rất cần trong giai đoạn hậu suy thoái. Ðây là mức lãi suất phù hợp trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

(Theo NGÔ TRÍ LONG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Sẽ kiểm tra việc sử dụng đòn bẩy tài chính
  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng chậm lại
  • Cơ quan nhà nước ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam
  • Ngành muối cần phát huy “địa lợi”, tìm lại “nhân hòa”
  • Giám sát hiệu quả gói kích cầu
  • Vướng do thiếu quy định cụ thể
  • Tuyến tàu trên cao kết nối Hà Đông - Xuân Mai
  • Lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Vinh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi