Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chủ tịch nước: Chúng ta tự tin bước vào năm 2010

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. - tinkinhte.com
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN).
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhân dịp Xuân Canh Dần 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Chúng ta tự tin vào sức của mình, tự tin vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vào sức mạnh hợp tác quốc tế để có thêm ý chí, quyết tâm bước vào năm 2010, năm đất nước có nhiều ngày kỷ niệm lớn, sự kiện trọng đại”.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Thưa Chủ tịch nước, trong vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới năm 2009, chúng ta đã có những giải pháp hiệu quả kiềm chế tác động của khủng hoảng, duy trì được đà tăng trưởng của đất nước. Xin Chủ tịch nước đánh giá về thành tựu của đất nước?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới tiếp tục gây tác động mạnh đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy đó. Nhưng nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã từng bước khắc phục được khó khăn, đạt tăng trưởng GDP trên 5%. Phải nói đây là một thắng lợi rất đáng mừng.

Vượt qua những trở ngại, thách thức giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm và quan trọng hơn là chúng ta có thêm tự tin trên bước đường phát triển phía trước mà chắc chắn sẽ còn không ít trở ngại, thách thức.

Chúng ta tự tin vào sức của mình, tự tin vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vào sức mạnh hợp tác quốc tế để có thêm ý chí, quyết tâm bước vào năm 2010, năm đất nước có nhiều ngày kỷ niệm lớn, sự kiện trọng đại: 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 65 năm Ngày thành lập nước, 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, 65 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm chúng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Thưa Chủ tịch nước, nhân tố nào đã giúp chúng ta đạt được thành tựu tăng trưởng GDP kể trên?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Có nhiều nhân tố mang lại thành công cho đất nước. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây những nhân tố đặc biệt. Thứ nhất, đó là sự đoàn kết, chung sức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Thứ hai, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với lòng dân, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của đất nước.

Một nhân tố nữa là nhờ đất nước ta có nền nông nghiệp mạnh. Kinh tế nông nghiệp ổn định đã giúp bảo đảm cuộc sống của người dân. Trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa rộng lớn giúp chúng ta cân bằng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có sự hợp tác, hỗ trợ từ bạn bè quốc tế. Đây là những kinh nghiệm sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Thưa Chủ tịch nước, Đảng và Nhà nước tập trung những gì cho mục tiêu năm 2010?


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đảng và Nhà nước đã có những chương trình, kế hoạch nhằm nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra cho năm 2010. Trong đó, vấn đề cần tập trung nhất là phải củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng bậc nhất ở bất cứ giai đoạn phát triển nào của đất nước.

Vấn đề thứ hai, mọi ngành, mọi người đều phải nỗ lực cao nhất, bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình để hoàn thành công tác với kết quả cao nhất.

Thứ ba, phải tập trung nỗ lực vào một số vấn đề trọng tâm, đó là khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, tập trung khơi dậy khí thế, niềm tự hào dân tộc để khích lệ ý chí vượt qua trở ngại.

Quốc hội đã đề ra các chỉ tiêu cho năm 2010. Năm tới, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, nghĩa là chúng ta đã từng bước khắc phục được khủng hoảng. Chỉ tiêu đề ra là nhằm tạo đà tăng trưởng cho những năm sau, để trở lại nhịp độ tăng trưởng của giai đoạn trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới. Chúng ta quyết tâm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Đây là tư tưởng phải quán triệt. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng hiện nay?


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cải cách hành chính và chống tham nhũng là những vấn đề được toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp rất quan tâm. Thời gian qua, cải cách hành chính ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Qua cải cách, hệ thống thể chế, pháp luật về kinh tế và tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn của đất nước và luật pháp, thông lệ quốc tế; hình thành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền dân chủ của nhân dân.

Cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương từng bước được điều chỉnh, sắp xếp hợp lý hơn và những chồng chéo đã từng bước được khắc phục, thể hiện nền hành chính công khai, minh bạch hơn.

Nhân dân Việt Nam anh hùng, dám xả thân vì cách mạng, vì đất nước, máu xương cũng không tiếc. Câu hỏi là tại sao tham nhũng, tiêu cực lại có cơ hội hoành hành? Là vì quản lý hành chính của chúng ta còn yếu, còn nhiều sơ hở. Tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực luôn là nguy cơ, là căn bệnh trong tất cả nền hành chính và là sự thách thức đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tiêu cực, tham nhũng có nguyên nhân từ sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, công chức, đồng thời cũng có nguyên nhân từ cơ chế quản lý không chặt chẽ, không hiệu quả.

Như vậy có thể thấy, cải cách hành chính là “chìa khóa” để thực hiện phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Cải cách hành chính và chống tham nhũng có quan hệ hữu cơ mật thiết. Cải cách hành chính tốt là giải pháp hữu hiệu phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tham nhũng tốt sẽ đẩy mạnh kết quả cải cách hành chính.

Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, nhưng cái chính là luật pháp, nền hành chính phải đồng bộ thì dần dần mới loại trừ được tham nhũng.

Xin Chủ tịch nước chia sẻ đánh giá về vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới hiện nay?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Năm 2009, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, trong đó có tôi, đã tham dự nhiều hoạt động đối ngoại, các chuyến thăm nước ngoài. Ấn tượng chung là lãnh đạo, nhân dân các nước đánh giá cao vai trò, vị trí và uy tín của Việt Nam. Lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua, mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.

Những vấn đề mà chúng ta đưa ra bàn bạc hầu hết đều đạt được sự nhất trí cao. Đây là điều rất thuận lợi để chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước.

Trong những thắng lợi của đất nước, thắng lợi về vai trò, vị trí và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế là rất quan trọng. Như vậy, chúng ta tự hào là người Việt Nam, tự hào về Đảng, về nhân dân ta. Niềm tự hào giúp chúng ta có thêm quyết tâm trong công cuộc xây dựng đất nước tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy, hợp tác có trách nhiệm với các nước, khu vực, tổ chức quốc tế.

Trong hợp tác, chúng ta luôn nắm vững phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, nhất là trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Chúng ta phải tự tin, nhưng luôn nêu cao cảnh giác. Sức mạnh của Việt Nam ngày càng lớn, bạn bè quốc tế ngày càng nhiều, vì thế lực lượng thù địch đang ngày càng bị thu hẹp. Chúng ta cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sáng tỏ quan điểm của Đảng và Nhà nước vì có những người hiểu chưa hết về Việt Nam, bị các thông tin xuyên tạc, bịa đặt che mắt.

Thưa Chủ tịch nước, các nước, các tổ chức quốc tế ấn tượng nhất về Việt Nam ở khía cạnh gì? Họ quan niệm thế nào về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Ấn tượng của họ là Việt Nam trước đây là một đất nước kiên cường, dũng cảm, nêu tấm gương sáng, bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, người ta ấn tượng với Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, về đoàn kết hữu nghị với các nước, các dân tộc trên thế giới.

Trong chuyến thăm Tây Ban Nha hồi giữa tháng 12 vừa qua, tôi có cuộc nói chuyện trước các nghị sĩ đại diện cho hai viện của Quốc hội Tây Ban Nha. Tôi đã khẳng định rằng, Việt Nam quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội. Tôi cũng giải thích với họ thế nào là xã hội chủ nghĩa. Đó là một xã hội không còn người bóc lột người, mọi người đều bình đẳng, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Một xã hội tốt đẹp như thế thì không chỉ Việt Nam, mà tôi tin rằng tất cả loài người đều muốn hướng đến… Họ đã rất hoan nghênh quan điểm của Việt Nam.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi cám ơn đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã nỗ lực đoàn kết, góp sức cùng Đảng và Nhà nước đưa đất nước giữ vững được đà tăng trưởng, đạt được nhiều thành tựu đối nội, đối ngoại. Tôi mong đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai phát triển của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước./.
 
Dương Đức Dũng (Vietnam+)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
  • Lập đoàn giám sát của Quốc hội về xuất khẩu lao động
  • Hoạt động Quốc hội năm 2009: Dư âm đang lan tỏa
  • "Chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của VN"
  • Tìm cách khắc phục hậu quả “bão” kinh tế 2009
  • Cải cách thủ tục hành chính: Để phục vụ tốt hơn
  • Bế mạc kỳ họp Quốc hội với nhiều kết quả ý nghĩa
  • Quốc hội không "lách luật" trong giám sát Chính phủ
  • Tuyển sinh 350 suất học bổng từ ngân sách Nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi