Ngày càng có nhiều người cao tuổi ứng dụng công nghệ mới và các nhà sản xuất đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của họ bằng những sản phẩm mới…
Khi dân số Mỹ già đi và người cao tuổi trở nên sành công nghệ hơn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc sản xuất thiết bị công nghệ dành riêng cho đối tượng khách hàng này, với font chữ lớn hơn, ánh sáng rõ hơn, nút điều chỉnh to hơn và âm thanh lớn hơn...
Đa dạng về kiểu dáng, chức năng
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính thế hệ những người trưởng thành trước khi ti-vi, điện thoại di động và Internet ra đời có thể trở thành phân khúc hấp dẫn nhất của thị trường công nghệ. Từ chai thuốc biết nói cho đến loại bàn cân trong nhà tắm có khả năng thu thập thông tin cho bác sĩ, những thiết bị này được một số người gọi là “công nghệ nana”.
Để hiểu rõ hơn đối tượng khách hàng này, các nhà nghiên cứu và thiết kế mang trên người những bộ trang phục hoặc thiết bị đặc biệt được dùng để mô phỏng những tác động của tuổi già.
Chẳng hạn như phòng thí nghiệm AgeLab thuộc Viện Công nghệ Massachusetts gần đây tung ra hệ thống AGNES 2.0, bao gồm các miếng đệm và băng quấn tay được thiết kế để cản trở chuyển động nhằm bắt chước tác động của chứng viêm khớp và đau xương sống.
Trong khi đó, Viện Macklin Intergenerational ở bang Ohio (Mỹ) yêu cầu thực tập sinh mang kính làm suy yếu thị lực trước khi đọc bản đồ. Ở công ty General Electric, một số nhân viên nhét bông vào lỗ tai để mô phỏng tình trạng khiếm thính.
Người cao tuổi có khuynh hướng sử dụng công nghệ vì những lý do cụ thể như sự an toàn, sức khỏe, sự độc lập và tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội. Họ cũng muốn có những thiết bị dễ sử dụng để bù đắp cho sự sụt giảm về mặt sức khỏe, như suy yếu thị lực và thính lực.
![]() |
Chiếc điện thoại di động Jitterbug. |
Một ví dụ hoàn hảo về thiết bị dành cho người cao tuổi là chiếc điện thoại di động Jitterbug (của hãng Samsung) được thiết kế để giảm tiếng ồn bên ngoài và một loa giúp cho âm thanh nghe to và rõ hơn. Ngoài ra, điện thoại cũng có nút bấm to hơn và hiển thị chữ rõ hơn.
Không như những thiết bị cồng kềnh dành cho người cao tuổi trước đây, những thiết bị công nghệ này hiện có nhiều kích cỡ và kiểu dáng hấp dẫn, và nhất là dùng được cho nhiều mục đích khác nhau. Sức hút và nhu cầu về công nghệ và thiết bị dành cho người cao tuổi lớn đến nỗi cuộc triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) ở Las Vegas vào tháng 1 vừa qua lần đầu tiên đã tổ chức một hội nghị về những sản phẩm này.
Trong những thiết bị thân thiện với người cao tuổi có hệ thống dẫn đường giúp chỉ ra đường đi thuận tiện nhất, thiết bị điều khiển truyền hình từ xa được đơn giản hóa về chức năng, bàn cân trong nhà tắm biết thăm hỏi về tình hình sức khỏe của người sử dụng và lưu lại câu trả lời cho bác sĩ, chiếc máy giặt với những nút điều khiển to hơn và phát ra tiếng động lớn hơn mỗi khi giặt xong quần áo.
Thị trường đầy tiềm năng
Các cuộc nghiên cứu về tiếp thị cho thấy người cao tuổi ở Mỹ sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và đang sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao trong những điều kiện cho phép. Theo một cuộc nghiên cứu được tiến hành cho Hiệp hội hàng điện tử tiêu dùng, có 78% những người từ 50 đến 54 tuổi và 45% những người từ 70 đến 75 tuổi đang lướt web. Một cuộc khảo sát khác nhận thấy đầu DVD, máy ảnh số, mạng băng thông rộng và điện thoại di động là những thiết bị phổ biến nhất trong nhóm những người từ 60 tuổi trở lên.
Bà Terry Rohm là một người trong số họ. Khi gia đình con gái bà đi nghỉ ở Colorado vào tháng Tư, bà lên Twitter để cập nhật thông tin về con cháu mình. Ngoài ra, bà còn dùng thiết bị chơi game Wii Fit để tập thể dục và dùng e-mail để giữ liên lạc hầu như mỗi ngày với những người con khác đang sống cách xa bà. Bà Rohm nhận định: “Một khi bạn khắc phục được yếu tố sợ hãi, việc sử dụng thiết bị công nghệ mang lại cho bạn nhiều niềm vui. Bạn không phải sử dụng mọi thứ, chỉ dùng những gì mình muốn và cần.”
Còn ông Robin Raskin, một nhà tư vấn công nghệ tại New York và là người đồng tổ chức hội nghị về thiết bị và công nghệ cho người cao tuổi tại CES vào đầu năm nay, cho rằng đã đến lúc loại thiết bị và công nghệ này được chú ý sau nhiều năm bị các nhà bán lẻ và nhà quảng cáo làm ngơ. Thị trường dành cho người cao tuổi giờ đây đã trở nên quá lớn đến nỗi không thể bỏ qua. Các chuyên gia dự báo thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 12% dân số nước Mỹ. Đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 20%. Nếu tính luôn cả những người từ 50 tuổi trở lên thì tỷ lệ này sẽ là 31%. Thêm vào đó, nhóm dân số này có nguồn thu nhập sẵn có. Tổ chức SmartSilvers Alliance cho biết tính đến năm 2001, 78 triệu người Mỹ từ 50 tuổi trở lên kiểm soát khoảng 67% của cải ở nước này và họ đã chi tiêu tổng cộng khoảng 2.000 tỷ đô-la trong năm 2005.
Bà Suanne Piero, sống tại thành phố Coral Gables, liên lạc với những người thân ở xa thông qua Internet. Bà thích xem phim trên đầu DVD, và phần mềm Skype là công nghệ ưa thích nhất của bà. Sử dụng một webcam và phần mềm Skype miễn phí được tải về từ Internet, bà nói chuyện với con trai, con dâu và đứa cháu chín tháng tuổi của mình đang sống ở Úc từ hai đến ba lần mỗi ngày.
Nhờ những thiết bị và công nghệ này, bà có thể chứng kiến cô cháu gái này ăn uống, mỉm cười và bò trên sàn nhà như thể bà đang ở cùng phòng với nó. “Thật là tuyệt diệu !”, bà nói, “Tôi có thể chứng kiến mọi giai đoạn trưởng thành của con bé. Nó biết tôi là ai. Nó thậm chí còn vẫy tay chào tôi.” Piero thừa nhận rằng lúc đầu bà tỏ ra miễn cưỡng trong việc sử dụng Skype. Nhưng sau lần sử dụng đầu tiên, bà đã bị nó cuốn hút.
Một số chuyên gia dự báo rằng nhiều thiết bị dành cho người cao tuổi sẽ vượt ra khỏi ranh giới của đối tượng người tiêu dùng này vì có thể giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn.
(Theo The Miami Herald/TBVTSG)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com