Minh họa: Khều. |
Trong khi các nhà cung cấp quốc tế đang nỗ lực khuếch trương và quảng bá các xu hướng công nghệ mới đến người sử dụng, nổi bật là điện toán đám mây, thì tại Việt Nam, những “đám mây” này cũng đang đến gần.
Hai công ty của Nhật, Brain Child và NIC (Nippon Information and Commu-nication), mới đây đã công bố sẽ thiết lập một trung tâm thử nghiệm điện toán đám mây tại Việt Nam thông qua việc sử dụng nhân lực từ Công ty Phát triển Nguồn lực Việt-Nhật (VIJA) và triển khai dịch vụ xử lý dữ liệu thương mại thông minh trên nền điện toán đám mây (Cloud Computing Business Intelligence). Dịch vụ này nhắm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các dữ liệu có hiệu quả hơn so với những phần mềm hiện nay. Trung tâm sẽ sử dụng hệ thống nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ Internet NTT Việt Nam – thuộc tập đoàn NTT của Nhật – dịch vụ trung tâm dữ liệu của GDS và phần mềm xử lý dữ liệu mã nguồn mở Pentaho của IBM. Triển khai thử nghiệm Ông Nguyễn Bách Khoa, đại diện của VIJA, cho biết họ nhắm tới việc đưa ra các phần mềm dịch vụ (SaaS) hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng chuyển từ hình thức sử dụng phần mềm chuyên môn sang tự phát triển phần mềm sử dụng nền tảng điện toán đám mây. Các ứng dụng từ phần mềm mã nguồn mở sẽ cung cấp cho người sử dụng nhiều tiện ích hơn với chi phí thấp hơn. Trung tâm sẽ tuyển dụng khoảng 100 chuyên gia phần mềm của Việt Nam để triển khai thử nghiệm các dịch vụ này từ tháng Tư tới và dự kiến cuối năm nay sẽ triển khai với khách hàng là các doanh nghiệp Nhật, trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Vào năm 2008, IBM đã cộng tác với Bộ Khoa học - Công nghệ xây dựng Cổng thông tin đổi mới và sáng tạo trong khoa học và công nghệ nhằm tạo ra một chương trình thí điểm chạy trên hạ tầng điện toán đám mây của hãng tại Việt Nam. Cho đến nay hai phòng thí nghiệm “đám mây” (IBM Cloud Lab) đã được hãng này thiết lập tại Hà Nội và TP.HCM. Gần đây, IBM và Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cũng đã công bố hợp tác để xây dựng nền tảng đám mây phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử tại TP.HCM. Với sự hỗ trợ của IBM, phòng thí nghiệm này sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ của thành phố. Dự án điện toán đám mây này được thiết lập với hệ thống hosting cung cấp các giải pháp chính quyền điện tử, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dân. Theo ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc QTSC, việc ứng dụng công nghệ mới là nhằm chuyển đổi hệ thống và tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Nền tảng đám mây sẽ giúp tạo ra một hạ tầng có năng lực kiểm soát tốt hơn, các tài nguyên được cung cấp một cách linh hoạt, có tính bảo mật và có khả năng mở rộng cao. Nền tảng này cũng sẽ cho phép công dân thành phố truy cập vào nguồn tài nguyên và thông tin một cách đơn giản và dễ dàng hơn. Điều này cho phép chính quyền TP.HCM đưa ra các dịch vụ trực tuyến tốt hơn. Có thể thấy những chương trình kể trên là bước tiến của IBM trong việc đẩy mạnh các mô hình CNTT có chiều sâu tại thị trường Việt Nam trong những năm qua, từ việc đầu tư nguồn nhân lực tại Trung tâm dịch vụ toàn cầu, Trung tâm sáng tạo và đổi mới, Phòng thí nghiệm điện toán đám mây hay Trung tâm năng lực máy chủ System z…. Hiện tại, thông điệp “thành phố thông minh” đang được IBM theo đuổi tập trung vào bốn lĩnh vực: hạ tầng giao thông, công nghiệp chế biến thực phẩm, giáo dục và chính phủ điện tử, mà trong đó chính phủ điện tử đã trở thành điểm khởi động. Ông Võ Tấn Long, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, nói: “Việc tạo ra một hệ thống dịch vụ công thông qua chính phủ điện tử sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ sự phát triển đó”. Giá trị thực tế Theo các chuyên gia, các công nghệ mới đang chờ đợi được chứng minh về giá trị thực tế. Dù điều này đến nhanh hay chậm thì điểm mấu chốt của ứng dụng CNTT vẫn là dịch vụ và những giá trị gia tăng. Hiện thế giới đang “nóng” lên với điện toán đám mây và công nghệ điện toán được kỳ vọng rằng nó không đơn thuần nằm ở hạ tầng kỹ thuật mà sẽ trở thành một triết lý kinh doanh: dịch vụ là nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp đi đến thành công. “Đám mây” khi làm thay đổi bộ mặt công nghệ sẽ tạo ra những dịch vụ thông minh hơn cho phép doanh nghiệp khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin để hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh, đầu tư hoặc sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần chú ý về xu hướng, cách tiếp cận cũng như các khoản đầu tư cho ứng dụng CNTT để phù hợp với xu hướng công nghệ tương lai. Trong môi trường thực tế của Việt Nam hiện nay, việc doanh nghiệp đầu tư cho CNTT được các chuyên gia nhận định rằng đang dần dịch chuyển từ việc chỉ chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng sang phát triển có chiều sâu, có nghĩa là chú trọng tới giá trị dịch vụ mà ứng dụng CNTT mang lại. Mặt khác, sự cạnh tranh gay gắt cũng giúp thúc đẩy CNTT đi vào đời sống nhanh hơn. Chính vì thế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hướng tới việc xây dựng quy trình quản lý chuyên sâu hơn để giảm thiểu các rủi ro và các phương thức kinh doanh truyền thống cũng phải thay đổi. Như vậy, việc tìm hiểu các xu hướng công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra chiến lược dài hạn phù hợp, các khoản đầu tư cho CNTT sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, để đầu tư hay ứng dụng CNTT cần nắm vững xu hướng và những lợi ích mà nó mang lại. Ông Long nêu ví dụ, một trong những lĩnh vực mà IBM tập trung trong thông điệp “thành phố thông minh” là làm sao để CNTT góp phần giải quyết được các cấu thành của hạ tầng giao thông, chứ không phải mang CNTT vào thì hệ thống giao thông bỗng chốc trở nên thông minh. “Công nghệ chỉ là công cụ và là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định cũng như giúp cho quy trình tiến triển nhanh hơn. Các quyết định thông minh vẫn ở chính con người”, ông nói.
(Theo Quế Sơn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com