Hình ảnh trên ti vi 3D sẽ được hiển thị ba chiều, sinh động như thật khi xem với kính 3D. |
Đầu tuần trước tại Singapore tập đoàn điện tử Samsung đã giới thiệu chuỗi sản phẩm giải trí gia đình công nghệ hiển thị hình ảnh và âm thanh 3 chiều (3D), bao gồm ti vi độ phân giải cao HDTV 3D, đầu đĩa blu-ray 3D, dàn máy nghe nhạc home theatre 3D và kính 3D. Những sản phẩm này sẽ được bán rộng rãi ở Đông Nam Á và châu Đại dương từ cuối tháng 3 này.
Đầu tuần này, hãng Panasonic công bố hợp tác với chuỗi siêu thị điện tử Best Buy lớn nhất nước Mỹ để quảng bá sản phẩm ti vi 3D mới và công bố giảm giá tới 50% để thúc đẩy sự phổ biến của công nghệ 3D. Sang thứ Ba 9-3, hãng Sony cho biết sẽ bắt đầu bán ti vi 3D ra thị trường vào tháng 6 tới. Cuộc cạnh tranh đưa công nghệ giải trí 3D vào phòng khách từng gia đình giữa các công ty điện tử lớn đã chính thức bắt đầu và hứa hẹn sẽ rất gay cấn. Những chiếc ti vi 3D đầu tiên mới xuất hiện tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES tại Las Vegas, Mỹ cuối năm ngoái. Tiếp theo đó, sự thành công ngoài mong đợi của bộ phim 3D Avatar - do James Cameron đạo diễn, vừa được 3 giải Oscar hôm thứ Ba và doanh số bán vé trên toàn cầu đã lập kỷ lục 2,5 tỉ đô la Mỹ - càng làm cho thuật ngữ “3D” trở nên quen thuộc với người tiêu dùng khắp nơi. Nhiều nhà quan sát nhận định, công nghệ 3D sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành giải trí năm nay và những năm tiếp theo. Ti vi 3D của Panasonic đã xuất hiện trên thị trường Nhật đầu năm nay và bán rộng rãi tại Mỹ từ hôm qua thứ Tư (10-3). Nhật báo kinh tế Nikkei của Nhật nhận định, Panasonic hy vọng ti vi 3D sẽ đưa phân ngành sản xuất ti vi của hãng ra khỏi thua lỗ triền miên đồng thời làm sống lại nhu cầu thị trường đối với màn hình Plasma, thế mạnh của Panasonic gần đây đã bị lép vế so với màn hình tinh thể lỏng (LCD) thông thường.Ông Je-Hyoung Park, Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, cho biết nhà máy của công ty ở Thủ Đức, TPHCM sẽ sớm lắp ráp và đưa ra thị trường các loại ti vi 3D, phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Còn Samsung từ năm ngoái đã dẫn đầu thị trường với dòng sản phẩm ti vi sử dụng đi-ốt phát quang LED, năm nay quyết định nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu bằng dòng ti vi LED tích hợp công nghệ 3D (3D HyperReal Engine). Công nghệ 3D của Samsung được đưa vào tất cả các dòng ti vi LED, Plasma và LCD, cả vào đầu đĩa và dàn máy nghe nhạc, tạo thành cái mà công ty gọi là “Giải pháp 3D toàn diện” (3D Total Solution), trong đó dòng ti vi 3D LED có kích thước vừa phải chiếm vị trí chủ đạo.
Phó chủ tịch của Sony, ông Yoshihisa Ishida, thì cho biết, trong tuần lễ từ 10-6 đến 16-6, hãng sẽ bán ra thị trường Nhật 4 mẫu ti vi 3D: 40, 46, 52 và 60 inch; các thị trường khác cũng sẽ bắt đầu bán ti vi 3D vào thời gian này. Kèm theo mỗi ti vi sẽ có hai cặp kính 3D và một bộ điều khiển từ xa có nút bấm chuyển đổi hình ảnh từ dạng 2D thông thường sang 3D. Chủ tịch Panasonic, ông Fumio Ohtsubo, cho biết Panasonic dự kiến tiêu thụ 1 triệu ti vi 3D trong năm tài chính sắp tới, một nửa của số này nhắm tới thị trường Mỹ, và để đạt mục tiêu đó Panasonic sẽ giảm 50% giá bán sản phẩm cho thị trường Mỹ. Một ti vi plasma 3D, 50 inch chẳng hạn, sẽ được bán với giá 2.500 đô la Mỹ, chỉ hơn một nửa giá một ti vi tương tự bán tại Nhật với giá 430.000 yen (4.800 đô la Mỹ). Sony cũng cho biết giá của ti vi 3D 40 inch là 290.000 yen (3.200 đô la Mỹ), đắt nhất là ti vi 3D 60 inch có giá 580.000 yen (6.400 đô la Mỹ). Sony hy vọng 10% trong số 25 triệu ti vi mà hãng dự định bán ra trong năm tài chính 4-2010–3-2011 sẽ là ti vi 3D. Samsung có vẻ lạc quan hơn. Chủ tịch ngành hàng nghe nhìn của Samsung, ông Boo-Keun Yoon, cho biết: “Sự thành công của những bộ phim 3D gần đây đã tạo nên nhu cầu thưởng thức những nội dung giải trí 3D ngay tại phòng khách của mình. Chúng tôi tự tin là người đầu tiên đưa ra thị trường các công nghệ và phương pháp tích hợp 3D mới nhất, và như vậy chúng tôi đang có cơ hội tốt nhất để chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong năm 2010”. Hãng tin AP cho biết số ti vi 3D mà Samsung dự định bán ra trong năm nay là 2 triệu chiếc và tuy Samsung chưa cho biết giá bán các mẫu ti vi 3D mà hãng này sắp tung ra nhưng các quan chức đều nhấn mạnh rằng, Samsung sẽ có giá bán hợp lý. Cho đến nay, công nghệ 3D chỉ mới phổ biến trong các rạp chiếu phim. Việc đưa công nghệ 3D vào phòng khách gia đình được thúc đẩy một phần nhờ sự cải tiến bộ kính lọc. Công nghệ 3D cũ dùng kính lọc màu để tạo hiệu ứng 3 chiều, song công nghệ mới, áp dụng ở ti vi, sử dụng bộ kính đồng màu có mạch điện chạy bằng pin, mở đóng rất nhanh, để tạo hiệu ứng 3D mà không gây khó chịu cho mắt. Để vượt lên trong cuộc cạnh tranh, Sony dự kiến sẽ khai thác sức mạnh của mình trong lĩnh vực phim ảnh, trò chơi để cung cấp một khung nội dung phong phú. “Bằng cách củng cố mối quan hệ giữa nội dung và thiết bị, chúng tôi sẽ tạo ra một Thế giới Sony (Sony World) độc đáo”, ông Ishida nói. Samsung thì dựa vào uy thế của nhà sản xuất ti vi số một thế giới và “Giải pháp 3D toàn diện” của mình; Samsung cũng vừa hợp tác với hãng phim Dreamworks ở Hollywood để xây dựng nội dung 3D cho các sản phẩm Samsung. Thế mạnh của Panasonic lại là công nghệ plasma, cho phép sản xuất các màn hình cỡ rất lớn với giá thành hạ hơn LCD hoặc LED. Một chuyên gia của Panasonic cho rằng, màn hình Plasma thích hợp với công nghệ 3D hơn nhờ độ đáp ứng nhanh hơn các loại màn hình truyền thống. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường DisplaySearch, lượng tiêu thụ ti vi 3D trên toàn cầu có thể lên mức 1,2 triệu chiếc trong năm nay và sẽ tăng lên 15,6 triệu chiếc vào năm 2013. Cuộc chạy đua đưa công nghệ giải trí 3D đến từng gia đình hy vọng sẽ tạo ra những sự cải tiến mang tính đột phá, làm hạ giá thành, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com