Năm nay, kinh tế toàn cầu lâm vào cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải cắt giảm hàng loạt chi phí để hạ giá thành sản phẩm… nhưng thương mại điện tử lại được không ít doanh nghiệp lựa chọn để quảng bá, buôn bán. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định, năm 2099 thương mại điện tử Việt Nam có cơ hội đột phá về tốc độ tăng trưởng, nhất là doanh nghiệp có website riêng để quảng bá cho dịch vụ, buôn bán sản phẩm. Đây là một trong những hướng đi hiệu quả trong thời điểm khó khăn.
Được biết, chi phí cho một website doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam từ 5 - 20 triệu đồng/tháng, đặt logo và banner trên một website thương mại chỉ mất vài triệu đồng/tháng, nhưng hiệu quả kinh doanh cũng như quảng bá không hề thấp. Tập trung cho thương mại điện tử càng được thể hiện rõ khi cuối tháng 10- 2009, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đã ra mắt cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam tại địa chỉ http://www.vnex.com.vn, là kênh thông tin chính thống được kết nối với Sở Công thương của 63 tỉnh thành trên cả nước cùng 60 thương vụ thương mại tại các Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới. Hiện có 10.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã có tên trong cổng thông tin này.
Năm nay, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thương mại điện tử không chỉ vì nó đã mang lại hiệu quả trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà còn nhờ tiền đề từ những năm trước. Theo kết quả điều tra với 1.600 doanh nghiệp trên cả nước của Bộ Công thương trong năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 11–20 máy tính tăng dần qua các năm và đến năm 2008 đạt trên 20%. Tỷ lệ doanh nghiệp đã xây dựng mạng nội bộ năm 2008 đạt trên 88% so với 84% của năm 2007. Đến nay, có tới 99% số doanh nghiệp đã kết nối internet, trong đó kết nối băng thông rộng chiếm 98%. Tỷ lệ doanh nghiệp có website năm 2008 đạt 45%, tăng 7% so với năm 2007 và tỷ lệ website được cập nhật thường xuyên, có tính năng mua bán online cũng tăng nhanh.
Đi kèm các thuận lợi trên, thanh toán điện tử cũng “hòa nhịp” theo. Các dịch vụ thanh toán trung gian bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ năm 2006 và đến năm 2008 thì sự trỗi dậy của các cổng thanh toán điện tử như Payoo, VinaPay, Mobivi, PayNet, VnPay… Các công ty này đua nhau đẩy mạnh liên kết để thu hút người sử dụng, tạo nên sự sinh động.
Chưa hết, việc ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp được thể hiện ở mức độ đầu tư cho phần mềm, đã tăng trưởng nhanh, chiếm 46% trong tổng đầu tư cho công nghệ thông tin của doanh nghiệp năm 2008, tăng gấp 2 lần so với năm 2007…
Theo Bộ Công thương, doanh thu từ thương mại điện tử đã rõ ràng và có xu hướng tăng đều qua các năm, 75% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử chiếm trên 5% tổng doanh thu trong năm 2008. Điều này cũng cho thấy, thời điểm cuối năm 2008 nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử… nên đón được cơ hội của thương mại điện trong năm 2009.
Tuy nhiên, thương mại điện tử là lĩnh vực còn mới mẻ ở nước ta, lại dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, nên theo Bộ Công thương, để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 – 2010, các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật đã ban hành, trong triển khai cần chú trọng tới hoạt động hướng dẫn, phổ biến nội dung của các văn bản pháp luật để các doanh nghiệp hiểu và thực hiện… Có như vậy, từ cơ hội trong thương mại điện tử của năm 2009 mới chuyển thành thế mạnh cho những năm sau!
(Theo SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com