Hiện tượng groupon bắt đầu từ sự thành công “không thể bắt kịp” của trang web chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ giá rẻ cho người mua theo nhóm www.groupon.com ở Mỹ trong năm 2008 và lan nhanh ra các nước khác bằng cả groupon chính hãng (Groupon.com) lẫn hàng ngàn groupon nhái (groupon clone) áp dụng theo đúng mô hình kinh doanh hàng khuyến mãi với ít nhiều tùy biến. Cho đến nay Groupon.com vẫn được xem là một sự sáng tạo nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Vì là một hình thức kinh doanh có lợi cho cả ba bên (win-win-win) gồm nhà cung cấp, chủ trang web groupon và khách hàng đã nhanh tay đặt mua món hàng với giá rất hời trong một khoảng thời gian nhất định, nên các trang web mang tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Giới chuyên gia nhận định rằng ngày nay groupon đã trở thành một phần của thương mại điện tử, gọi là khuyến mãi điện tử, tức hoạt động quảng cáo có bán hàng. Các trang groupon hiểu theo nghĩa chung liên tục tổ chức các sự kiện khuyến mãi (promotion events). Bằng việc thuyết phục các nhà cung cấp bán hàng hoặc dịch vụ của họ với mức giá giảm rất nhiều nhằm vào mục đích tiếp thị, các trang này lôi kéo một lượng người mua lớn cho mỗi mặt hàng trong một khoảng thời gian nhất định để được chia phần chiết khấu với khách hàng.
Sự nở rộ của mô hình groupon
Có lẽ những người quan tâm đến lĩnh vực thương mại điện tử đã khá quen thuộc với câu chuyện khởi nghiệp của Andrew Mason với www.groupon.com – một mô hình kinh doanh mới mẻ và đầy tính sáng tạo để rồi định hình nên hình thức khuyến mãi điện tử gọi là groupon trên toàn cầu. Cử nhân âm nhạc Andrew Mason của trường Đại học Northwestern ở Illinois, Mỹ nhận được học bổng và theo học thạc sĩ về chính sách công tại trường Đại học Chicago, cùng lúc đó nhận làm thêm công việc thiết kế web cho một doanh nhân giàu có là Erik Lefkofsky. Cảm nhận được ý tưởng sáng tạo của Andrew Mason, Erik giúp đỡ cho cậu nghiên cứu sinh lập nên trang web ThePoint.com nhằm “quy tụ những nhà đầu tư trẻ có hoài bão lớn nhưng không có vốn”. Lefkofsky rất bén nhạy và đã để ý ngay đến ý tưởng “giảm giá một món hàng nếu có từ 20 người mua trở lên” của Mason và nhanh chóng đầu tư bằng việc cấp cho chàng trai này 1 triệu đô la Mỹ vốn ban đầu để định hình lại trang web và phát triển nó thành một công ty kinh doanh trên mạng Internet.
Trang kinh doanh www.groupon.com bắt đầu hoạt động từ tháng 11-2008 vào lúc nền kinh tế thế giới suy thoái và người tiêu dùng ngày càng chú tâm hơn đến những món hàng giá rẻ hoặc cơ hội giảm giá. Không được đào tạo từ trường kinh doanh nhưng Mason vẫn rất giỏi trong việc điều hành công ty. Ba nguyên tắc của Mason trở thành văn hóa kinh doanh của groupon là: (1) mỗi ngày một mặt hàng giảm giá, (2) mỗi mặt hàng phải đạt được lượng người mua nhất định mới được giảm giá, và (3) cơ sở bán hàng giảm giá không được cách nơi ở của người mua quá xa. Công việc kinh doanh của Groupon.com bắt đầu từ thành phố Chicago, rồi đến Boston và New York, đến cuối năm 2009 thì có mặt tại 10 thành phố ở Mỹ và nay thương vụ được thực hiện ở hơn 400 thành phố lớn ở nhiều châu lục với doanh thu năm 2010 vào khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Cuối quý 2-2011, trang web này có tới 115,7 triệu người đăng ký và đã có 23 triệu người sử dụng dịch vụ mua hàng siêu khuyến mãi. Tờ Forbes cho biết hiện nay Groupon.com là công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được định giá lên tới 1,35 tỉ đô la. Giá trị này cao gấp 10 lần vốn ban đầu do Lefkofsky và hai quỹ đầu tư mạo hiểm Battery Venture (Mỹ) và Digital Sky Technologies (Nga) bỏ vào. Trong lúc này Groupon.com tập trung vào việc phát triển và mở rộng thị trường, giữ vững thị phần, và thực hiện kế hoạch thôn tính bằng việc mua lại các trang web có mô hình tương tự như uBuyiBuy (Hong Kong), Beeconomic (Nhật Bản), Atlaspost (Đài Loan) nhằm tạo nên chuỗi bán hàng giá rẻ siêu lục địa.
Sự thành công của Groupon.com và việc hình thành hàng ngàn groupon clone trên khắp thế giới kể cả ở Việt Nam đã thực sự tạo nên cơn sốt ở cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng. Nhận thấy tiềm năng to lớn của Groupon, ngay từ tháng 6-2010 Yahoo! đã tính đến chuyện mua lại với giá 3 tỉ đô la; không lâu sau đó Google vào cuộc với giá đề nghị vào khoảng 5,75 tỉ đô la, nhưng cả hai đều thất bại. Người ta biết rằng sau mỗi cái nhấp chuột vào chức năng “mua” của Groupon thì khách hàng phải điền vào đó những thông tin liên quan và cả vị trí giao hàng cho mình. Đó chính là kho thông tin hết sức quý giá cùng với lượng khách hàng đông đảo của Groupon hiện có mà Google nhắm tới để tạo nên một thị trường quảng cáo mới khả dĩ đem lại lợi nhận gấp hai, gấp ba. Công ty nghiên cứu Gartner dự báo việc khai phá thông tin quảng cáo dựa trên vị trí (location-based advertising) sẽ mang lại cho Groupon khoảng 7,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014.
Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường
Trong lúc này các nhà khổng lồ trong ngành công nghệ thông tin bắt đầu thành lập mô hình khuyến mãi điện tử của chính mình. Amazon đã đầu tư 175 triệu đô la để thành lập LivingSocial.com tập trung vào các giao dịch trong phạm vi nhà hàng, quán bar, rạp hát với số khách hàng hiện có khoảng 10 triệu người ở Mỹ, Canada, Anh, Ireland và Úc. Microsoft cũng âm thầm tổ chức khuyến mãi điện tử bằng việc mua lại trang kinh doanh cudo.com.au ở Úc. Trong số các trang khuyến mãi điện tử mạnh nhất hiện nay có Gilt City, BuyWithMe, Tippr ở Mỹ, Snippa ở Anh, đặc biệt Daily Deal ở Đức đã bắt đầu mua một số cổ phần của Groupon.com. Các trang groupon thường khởi động với tốc độ nhanh nhờ nhắm vào phân khúc thị trường dịch vụ ít cần đến nhiều vốn ban đầu. Trong các groupon clone đầu tiên ở Trung Quốc có s.baidu.com đã nhanh chóng vượt qua con số 1 triệu khách hàng.
Sự thất bại của Groupon khi tiến vào thị trường Trung Quốc đã phần nào nói lên tính cạnh tranh khốc liệt trong thị trường kinh doanh phiếu giảm giá trực tuyến dành cho nhóm mua này. Vào tháng 8-2011, liên doanh của Groupon Inc. ở Trung Quốc đã đóng cửa văn phòng tại một số thành phố và sa thải hàng trăm nhân viên, đặt ra những nghi vấn về chiến lược của công ty phiếu giảm giá trực tuyến tại thị trường lớn này. Cách đó tám tháng, Groupon đã đầu tư 8,6 triệu đô la cho 40% cổ phần trong liên doanh GaoPeng, vốn cũng được đầu tư bởi nhà khổng lồ về Internet – Tencent Holdings Ltd. – và công ty tư nhân Yunfeng Capital.
Việc các công ty Internet nước ngoài luôn phải chật vật phát triển tại Trung Quốc không phải là câu chuyện mới mẻ gì ở thị trường có nhiều người sử dụng Internet hơn bất kỳ ở nền kinh tế nào. Yahoo!, một trong những công ty đầu tiên thâm nhập vào trị trường này, đã chuyển giao công việc kinh doanh tại Trung Quốc cho Alibaba Group Holdings Ltd. vào năm 2005 và kể từ đó đã luôn tranh chấp với công ty Trung Quốc này. eBay đã thu nhỏ quy mô hiện diện tại đây sau khi mất thị phần vào một trang web mua sắm trực tuyến cũng do Alibaba sở hữu. Còn Google phải chứng kiến thị phần giảm, rơi vào tay đối thủ Baidu kể từ khi công ty Mỹ này chuyển công cụ tìm kiếm bằng tiếng Trung tới Hồng Kông vì quá mệt mỏi và chán nản với các vấn đề về kiểm duyệt và bị tấn công (hacking).
Sự thâm nhập vào Trung Quốc của Groupon đã gặp khó khăn từ đầu. Công ty này đã phải vật lộn để giành thị trường khi đoàn quân các đối thủ cạnh tranh địa phương cũng đầu tư rất nhiều vào khâu tiếp thị và mở rộng sự hiện diện. Hàng trăm công ty Trung Quốc cũng đã cung cấp các dịch vụ mua sắm trực tuyến ở quốc gia này tính tới thời điểm GaoPeng bắt đầu cung cấp các giao dịch tới người sử dụng trong nước vào tháng 3-2011. Một trong những đối thủ cạnh tranh sở hữu tên miền Groupon.cn tại Trung Quốc, mà theo công ty nghiên cứu Analysys International, có khách truy cập trong quý 2 nhiều hơn cả trang GaoPeng của Groupon.
Trong khi Groupon là trang web giao dịch hằng ngày hàng đầu tại Mỹ thì GaoPeng chỉ đứng thứ tám trong số những trang web có hoạt động tương tự ở Trung Quốc trong quý 2-2011 với 15 triệu lượt khách truy cập một tháng – thấp hơn 30% lượng truy cập vào trang web đứng đầu trong danh sách là Lashou.com.
Việc Groupon từ chối lời đề nghị mua lại của Google cũng khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ, nhưng họ cũng lờ mờ nhận ra nguyên nhân đằng sau quyết định đó. Thái độ thận trọng của Mason khi nhận xét về thành công của Groupon là có cơ sở bởi mặc dù không thể phủ nhận Groupon đang chiếm hơn 80% thị phần của lĩnh vực kinh doanh mới mẻ có tốc độ tăng trưởng lên đến 200% này nhưng sự cạnh tranh từ các đối thủ như Living Social, Friendster, Crowd Cut, YouSwoop và hàng trăm trang web có hoạt động tương tự xuất hiện như nấm sau mưa trên toàn cầu đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Mason lại không xem đây là mối đe dọa bởi ông đã sẵn sàng với mô hình Groupon 2.0. Ở giai đoạn đầu tiên của mô hình thương mại xã hội, Groupon đã làm rất tốt khi kết nối được các doanh nghiệp địa phương với người tiêu dùng địa phương bằng các khoản giảm giá đáng kể. Ở giai đoạn tiếp theo, Groupon sẽ xây dựng tính “siêu địa phương” cho các dịch vụ của mình. Groupon 2.0 sẽ không chỉ biết khách hàng sống ở đâu, có sở thích gì, trải nghiệm mua sắm ra sao, mà còn hiểu được điều gì sẽ kích thích sự tò mò của họ.
_____________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
INSIDE GROUPON: The Truth About The World’s Most Controversial Company
http://www.businessinsider.com/inside-groupon-the-truth-about-the-worlds-most-controversial-company-2011-10
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com