- Thưa ông, được biết trong các đối tượng trao giải của Vietnam ICT Awards, VCCI phụ trách việc thẩm định giải thưởng dành cho các DN ứng dụng CNTT xuất sắc. Xin ông cho biết, công tác chấm giải đã được VCCI thực hiện đến đâu?
Vietnam ICT Awards là giải thưởng cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực CNTT - TT được tổ chức từ trước đến nay. Giải thưởng được Bộ TT - TT và VCCI phối hợp xét và trao tặng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT - TT có thành tích xuất sắc với các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ phục vụ khách hàng có chất lượng cao. Đối tượng tham gia giải thưởng CNTT - TT VN là các cơ quan nhà nước, các tổ chức, DN VN và các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ VN. Ngay sau khi công bố giải thưởng, chúng tôi đã gửi hồ sơ tới các DN để các DN tham gia (gồm 2 đối tượng là các DNNVV và các TCty, tập đoàn lớn). Có thể nói sự hưởng ứng của các DN là rất tích cực và cho tới nay, chúng tôi đã hoàn thành công tác chấm sơ khảo, chọn ra những DN xuất sắc nhất vào vòng chung khảo.
- Hiện đang có rất nhiều giải thưởng nói chung và giải thưởng dành cho ngành CNTT nói riêng. Vậy thưa ông, điều gì khiến các DN có sự hưởng ứng như vậy, và sự khác biệt lớn nhất của Vietnam ICT Awards so với các giải thưởng khác?
Tôi xin nhắc lại rằng đây là giải thưởng cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực CNTT - TT được tổ chức từ trước đến nay, do hai cơ quan lớn là Bộ TT-TT và VCCI tổ chức. Ngoài ra, theo tôi, sở dĩ có sự hưởng ứng này vì đây là giải thưởng khuyến khích cộng đồng DN ứng dụng CNTT tốt hơn và Bộ TT-TT và VCCI đã thống nhất sẽ tổ chức để Vietnam ICT Awards trở thành một giải thưởng hoàn toàn công khai, minh bạch, khoa học, trên nguyên tắc không vì lợi nhuận. Các tổ chức tham gia Vietnam ICT Awards sẽ không phải đóng góp bất kỳ một khoản kinh phí nào. Nguồn kinh phí tổ chức sẽ được Bộ TT - TT huy động từ nguồn tài trợ của các DN.
- Được biết Viện Tin học DN là đơn vị trực tiếp chấm sơ khảo hồ sơ của các DN ứng dụng CNTT xuất sắc. Với tư cách là Viện trưởng Viện Tin học DN, đồng thời là người tham gia chấm giải, ông có nhận xét gì về tình hình ứng dụng CNTT của các DN VN trong hoạt động sản xuất kinh doanh?
Nếu chỉ dựa vào các hồ sơ tham dự giải thì thông tin mới chỉ được một phần. Thực tế hoạt động đề án 191: “Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010” cho thấy rằng các tập đoàn, TCty đã có đầu tư cơ bản cho hạ tầng công nghệ khá tốt. Họ đã ý thức được rằng thông tin là tài sản có giá trị giống như các loại tài sản khác và do đó cần có các giải pháp ứng dụng CNTT-TT nhằm khai thác, kinh doanh và bảo vệ chúng.
Có thể nói một cách văn tắt là tình hình ứng dụng CNTT-TT trong các tập đoàn, TCty trong hoạt động sản xuất kinh doanh đạt mức tốt. Nói về các DN nhỏ và vừa, chúng ta chia ra các DN nằm trên địa bàn các thành phố lớn, khu kinh tế và các DN ở các tỉnh nhỏ, vùng sâu, vùng xa. Do có điều kiện cập nhật thông tin, các DN ở các thành phố lớn, các khu kinh tế đã đầu tư vào hạ tầng CNTT khá cơ bản: có các máy để bàn, máy xách tay, có mạng nội bộ, có kết nối Internet (chủ yếu sử dụng ADSL). Về phần mềm họ cũng biết cách khai thác một cách tối ưu như tập huấn cho CBNV sử dụng bộ phần mềm văn phòng, sử dụng thư điện tử để trao đổi thông tin với các đối tác, sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm quản trị quan hệ khách hàng, biết sử dụng các phần mềm phòng chống virus máy tính, tham gia vào các sàn thương mại điện tử trên Internet để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường...
Các DN ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng CNTT kém hơn – một phần là do điều kiện chung trên địa bàn. Một số DN tuy chưa có hạ tầng tốt, họ vẫn sử dụng các phần mềm tối thiểu như bộ phần mềm văn phòng, phần mềm kế toán... Nói một cách ngắn gọn, các DN nhỏ và vừa đã ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh khá tối ưu. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức đối với họ về ứng dụng CNTT trong tác nghiệp vẫn cần được đẩy mạnh và phải tiếp tục đào tạo, tư vấn về CNTT cho họ.
- Xin cảm ơn ông.