Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kích cầu đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, tại sao không?

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập này, một mặt, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng giao lưu thương mại, thu hút nhiều nguồn vốn, mặt khác, nền kinh tế cũng chịu nhiều tác động xấu của  kinh tế thế giới khi có biến động.


Việt Nam được coi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề ở châu Á từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vì: xuất nhập khẩu suy giảm mạnh do cầu thế giới giảm; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng khách du lịch và dịch vụ giảm; giá cả hàng hóa giảm, tiêu thụ khó khăn; kiều hối giảm do việc làm và thu nhập của người lao động Việt Nam ở nước ngoài giảm... Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 được Quốc hội thông qua cuối năm 2008 là 6,5%. Tuy nhiên tại Phiên họp Chính phủ  thường kỳ tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã tính đến việc trình Quốc hội xin điều chỉnh chỉ tiêu này xuống còn 5,5%.

 
Do đó, để chống suy giảm tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đang triển khai các gói kích cầu với quy mô khoảng 6 tỷ USD, bằng khoảng 6% GDP, với kỳ vọng tăng thêm 1% GDP. Gói kích cầu được quyết định trong bối cảnh các cân đối vĩ mô rất khó khăn. Theo kế hoạch kích cầu đã được công bố, gói kích cầu thứ nhất quy mô 17 nghìn tỷ đồng lấy từ nguồn dự trữ quốc gia, được sử dụng để bù lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn sản xuất, làm hàng xuất khẩu, xuất khẩu dịch vụ... Với việc bù 4% lãi suất vay ngân hàng, Chính phủ quyết tâm huy động được nguồn vốn xã hội khoảng 420 nghìn tỷ đồng vào sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm.

 
Tiếp đó, theo Bộ Tài chính, các giải pháp về tài chính với hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn và điều chỉnh nhiều sắc thuế sẽ để lại cho cộng đồng doanh nghiệp và dân cư hơn 10 nghìn tỷ đồng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Bên cạnh đó, khoảng 36 nghìn tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4. Nguồn vốn này được sử dụng cho phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, nhà ở công vụ cho giáo viên vùng sâu, y tế tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nhi, lao phổi. Nguồn vốn này cũng được sử dụng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cấp bách, cấp thiết là những nút "thắt cổ chai" của nền kinh tế, để thúc đẩy phát triển kinh tế.

 
Tuy nhiên, trong giải pháp kích cầu của Chính phủ, vị trí của ngành công nghệ thông tin (CNTT) còn rất khiêm tốn, trong khi CNTT có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Trong chừng mực nào đó, có thể coi hạ tầng CNTT của Việt Nam hiện nay là một trong những "điểm nghẽn tăng trưởng" của nền kinh tế.

 
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, trong gói kích cầu của Mỹ 787 tỷ USD, thì 0,91% được dùng để phát triển băng thông rộng, 2,8% ứng dụng CNTT trong y tế, 1,7% để đầu tư ứng dụng CNTT trong sử dụng hợp lý và tiết kiệm năng lượng và 1,5% để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D); trong 10,8 tỷ USD kích cầu của Ca-na-đa, 4,6% đầu tư ứng dụng CNTT trong y tế, 2,1% đầu tư phát triển băng thông rộng ở nông thôn và 10,5% đầu tư cho R&D. Ma-lai-xi-a dành 1,7 tỷ USD trong gói kích cầu 19 tỷ USD để xây dựng thư viện điện tử, trung tâm cộng đồng băng thông rộng  với mục tiêu đến năm 2010, nâng gấp hai lần số hộ gia đình kết nối in-tơ-nét từ 21% hiện nay lên 50% và cấp bốn giấy phép WiMAX phủ sóng 40% số hộ vào cuối năm 2009. Ở Hàn Quốc, ngay sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Chính phủ đã cho các hộ gia đình thu nhập thấp thuê 50 nghìn máy tính trong bốn năm và cung cấp miễn phí kết nối in-tơ-nét băng thông rộng trong 5 năm, cung cấp miễn phí máy tính cho các trường học.

 
Người ta cũng đã tính được rằng, phát triển băng thông rộng, trị giá tăng thêm của cộng đồng sẽ gấp từ 18 đến 20 lần so với lợi ích của nhà khai thác mạng. Nếu chậm trễ trong phát triển mạng, cứ ba năm giá trị   tăng thêm sẽ giảm đi 25%. Theo các chuyên gia quốc tế, trong ba năm thực hiện chương trình phát triển kết nối in-tơ-nét, với nguồn vốn chỉ bảy triệu USD, trong đó ngân sách địa phương chiếm 80%, bang Ken-tuc-ky, Hoa Kỳ đã tăng số hộ gia đình kết nối in-tơ-nét băng thông rộng từ 60% năm 2005 lên 97% năm 2008, mang lại 63 nghìn việc làm mới với tổng thu nhập từ lương 2,1 tỷ USD, tiết kiệm 22,6 triệu USD tiền khám chữa bệnh, 92,1 triệu USD tiền xăng xe đi lại hằng năm, giảm 46,7 triệu ga-lông khí thải các-bon hằng năm ở bang Ken-tuc-ky, tính chung cho toàn Hoa Kỳ, hiệu quả mang lại khoảng 134 tỷ USD.

 
Theo tính toán của Tập đoàn Intel, tại Hoa Kỳ, cứ tăng 7% số thuê bao in-tơ-nét băng thông rộng, sẽ tạo ra 134 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, 2,35 triệu việc làm mới, giảm thiểu 3,2 tỷ ga-lông khí thải các-bon hằng năm. Việt Nam hiện mới có khoảng hai triệu thuê bao in-tơ-nét băng thông rộng, chiếm khoảng dưới 10% số hộ gia đình, cũng bằng với bình quân tỷ lệ phủ in-tơ-nét của thế giới với 400 triệu người sử dụng so với bốn tỷ người mong muốn được sử dụng in-tơ-nét. Vì vậy, tiềm năng phát triển còn rất lớn.

 
Do đó, đây có thể là cơ hội để tạo sự đột biến trong phát triển hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong hàng loạt lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ có thể nghiên cứu đưa vào gói kích cầu các chương trình như: ứng dụng CNTT trong chẩn đoán và khám chữa bệnh từ xa (có thể lồng ghép trong chương trình trái phiếu Chính phủ  về y tế); CNTT trong học tập và giảng dạy (lồng ghép với chương trình kích cầu giáo dục, hỗ trợ lãi suất  cho sinh viên vay để học tập); trong phát triển in-tơ-nét băng thông rộng cho vùng sâu, vùng xa, phục  vụ giao dịch thương mại trực tuyến, theo dõi thị trường giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp, tư vấn khuyến nông, khuyến ngư (lồng ghép trong chương trình kích cầu ở nông thôn, hỗ trợ nông dân); chỉ đạo, điều hành trực tuyến hoạt động của  nhà nước; tuyên truyền, phổ biến chính sách, thông tin về môi trường và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ biến đổi khí hậu... Hàng triệu máy tính và hạ tầng CNTT, viễn thông sẽ được đầu tư, tạo ra nhiều công ăn, việc  làm cho xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Phát triển băng thông rộng không dây sử dụng công nghệ WiMAX là con đường nhanh nhất để mọi người có thể đến với in-tơ-nét, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long hay miền núi.

 
Vì vậy, ngoài những chính sách về miễn, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu... thực hiện chung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các DN sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, cho nông nghiệp, nông thôn; ngoài những chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh cho DN vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam, cần có những gói kích cầu riêng cho ngành CNTT, cả về phát triển hạ tầng, viễn thông, phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Ngoài tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết việc làm, băng thông rộng còn có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế quốc dân như  y tế, giáo dục, điện năng, giao thông, môi trường... Với những thông tin sơ bộ như đã trình bày ở trên, cộng đồng CNTT mong được Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu sâu hơn, để Quốc hội và Chính phủ sớm có những quyết sách thích hợp, hình thành và đưa ra gói kích cầu cho lĩnh vực công nghệ cao càng sớm càng tốt.

 
TS Trần Văn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính
và Ngân sách Quốc hội

TS Trần Văn Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Thương mại điện tử và “bức tường” tâm lý
  • Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ kinh tế
  • Người Việt chưa mặn mà với giao dịch thương mại điện tử
  • Đầu tư mạnh cho thông tin
  • Thiếu nhân lực: Khu công nghệ cao có nguy cơ thành khu công nghiệp
  • Cần hàng nghìn tỷ đồng cho "thành phố không dây"
  • Đức xúc tiến phòng ngừa chiến tranh tin học
  • Microsoft bị phạt vì vi phạm bản quyền
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị