Các giải pháp hỗ trợ hoạt động thanh toán như mô hình ví điện tử đang góp phần làm đa dạng bộ mặt thanh toán trên thị trường. Ảnh: Lê Toàn. |
Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước đã có những đánh giá đầu tiên về vai trò của thanh toán trung gian (mô hình ví điện tử) sau một năm cấp giấy phép thử nghiệm. Kênh dịch vụ này được xem là đã góp phần làm đa dạng bộ mặt thanh toán trên thị trường.
Theo Vụ Thanh toán, ngày càng có nhiều doanh nghiệp không thuộc các tổ chức tín dụng tham gia vào thị trường thanh toán điện tử. Họ đưa ra các giải pháp hỗ trợ hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại đồng thời kết nối đến mạng lưới các doanh nghiệp. Các giải pháp dịch vụ do các tổ chức này cung ứng đã được các tổ chức tín dụng sử dụng ngày càng nhiều thay vì phải đầu tư hạ tầng và tự phát triển sản phẩm. Dịch vụ này cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ngoài các doanh nghiệp trong nước còn có các nhà đầu tư nước ngoài như IDG Ventures (đầu tư vào mạng VinaPay), Tổ chức Tài chính quốc tế – IFC (đầu tư vào Paynet)… Kỳ vọng thị trường Trước xu hướng đó, từ năm 2009 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép cho sáu doanh nghiệp thực hiện thí điểm việc cung ứng phương tiện ví điện tử thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành những quy định pháp lý phù hợp để hỗ trợ cho loại hình này phát triển trong tương lai. Cho đến nay sáu doanh nghiệp đã chính thức thử nghiệm dịch vụ, gồm Công ty Giải pháp thanh toán Việt Nam – VNPay (www.vnpay.vn), Công ty Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt – VietUnion (www.payoo.com.vn), Công ty Việt Phú – Mobivi (www.mobivi.com.vn), Công ty Dịch vụ thẻ Smartlink (www.smartlink.vn), Công ty Công nghệ thanh toán Việt Nam – VinaPay (www.vinapay.com.vn) và Công ty Dịch vụ di động trực tuyến M_Service (www.mservice.com.vn). Theo đánh giá của Vụ Thanh toán, ba doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ gồm VNPay, VietUnion và Mobivi đã phát triển khá nhanh. Tính đến cuối năm 2009 đã có khoảng 70.000 tài khoản ví điện tử, trong đó Payoo đạt hơn 32.000, VNPay hơn 30.000 và Mobivi hơn 7.000. Các công ty này cũng đã kết nối tài khoản đến hàng chục ngân hàng và hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Những kết quả này được xem là nền tảng cho các dịch vụ hỗ trợ thanh toán ngoài tổ chức tín dụng phát triển, tạo thêm nhiều kênh thanh toán hấp dẫn và chi phí rẻ cho người sử dụng, đồng thời góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp tạo lập mạng lưới thanh toán trung gian trong những năm tới. Theo ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc VietUnion, cộng đồng là yếu tố quyết định sự phát triển của loại hình dịch vụ này, chính vì thế cuộc chạy đua giữa các nhà cung cấp là nhằm tăng nhiều tiện ích đồng thời gia tăng người sử dụng. Hiện nay, người sử dụng ví điện tử Payoo có thể mua bán, trao đổi hàng hóa với hơn 50 trang web bán hàng trực tuyến đã kết nối. Payoo cũng kết nối với các ngân hàng có số lượng tài khoản lớn như Vietcombank, Đông Á, Navibank, Sacombank và đang kết nối vào hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Hoặc như ví điện tử Mobivi cũng được nhiều người biết đến trong dịch vụ kết nối với các công ty chứng khoán. VinaPay đến nay cũng kết nối đến các đối tác Vietcombank, Đông Á, Ngân hàng Quân đội, cổng Smartlink và được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng mạng biết đến... “Mạng lưới ngân hàng có lượng khách hàng lớn và hàng hóa trực tuyến dồi dào là cơ sở để mở rộng cộng đồng và quyết định sự thành công của ví điện tử”, ông Ly cho biết. Sau khi thử nghiệm dịch vụ công cấp 4 hồi năm ngoái với Viện Công nghệ thông tin, Payoo cũng vừa cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán hóa đơn trực tuyến (PayBill) với Công ty Điện lực Hà Nội. Theo bà Quản Thị Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội, việc kết nối với dịch vụ mới này là nhằm tạo thêm tiện ích cho khách hàng, đồng thời giúp công ty tiết giảm chi phí xây dựng hạ tầng công nghệ và nhân sự thu phí. Các dịch vụ công đang là điểm nhắm của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán nói chung và mô hình ví điện tử nói riêng. Kết quả mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này đạt được mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng đã tạo được điểm nhấn trên thị trường. Cho đến nay, khái niệm ví điện tử đã được đông đảo các doanh nghiệp, ngân hàng cũng như người dân biết đến. Chờ sự đồng bộ Theo Vụ Thanh toán, bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ thanh toán. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, người tiêu dùng cần nhiều thời gian để “làm quen”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về chi phí tiếp thị, quảng bá và triển khai các dịch vụ. Tuy vậy, Vụ Thanh toán nhận định các dịch vụ hỗ trợ thanh toán do các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng cung ứng trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu thế thị trường thế giới, sẽ góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển. Theo ông Ly, điều kiện thị trường hiện vẫn còn nhiều khó khăn cho thương mại điện tử cũng như thanh toán trung gian. Nhất là Việt Nam chưa có những công ty “đầu đàn” thật sự như eBay, Amazon của Mỹ hay Alibaba, Taobao của Trung Quốc. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ trong những lĩnh vực có khả năng thúc đẩy sự bùng nổ giao dịch điện tử như thanh toán hóa đơn, dịch vụ công điện tử… Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ hiện vừa phát triển cộng đồng vừa gia tăng kết nối đến ngân hàng và doanh nghiệp; vừa chủ động xác định và thử nghiệm những thị trường ứng dụng thanh toán tiềm năng như mua bán qua mạng (E-Commerce B2C, B2B, C2C); thanh toán trả trước (thẻ cào, topup di động, game…); thanh toán hóa đơn (điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp…); giao dịch điện thoại di động (M-Commerce); dịch vụ công (chính phủ điện tử); thanh toán offline (siêu thị, nhà hàng, cây xăng, giao thông…)… Ở góc độ là nhà doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, ông Ly cho biết, thị trường Việt Nam hiện đang phát triển đồng bộ ở cả ba mảng: mô hình thanh toán (ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, giao hàng thanh toán…); phương tiện thanh toán (Internet, Mobile…); các dịch vụ ứng dụng thanh toán (E-Commerce, thanh toán trả trước, thanh toán trả sau, chính phủ điện tử…). Điều này thể hiện mô hình thanh toán này đang được các doanh nghiệp tập trung đầu tư chiều rộng. Vì thế cần có thời gian để đầu tư chiều sâu và giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng công nghệ, chất lượng dịch vụ, quy trình giao nhận… Nếu làm một bài toán so sánh, các chuyên gia cho rằng thị trường thanh toán của Việt Nam hiện nay không khác gì so với Trung Quốc cách đây 5-7 năm khi Alipay hay Yeepay vừa mới ra đời. Thế nhưng đến nay, các cổng thanh toán này đã có vài trăm triệu tài khoản. Alipay thậm chí không giới hạn với khách hàng có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng mà chấp nhận cả người sử dụng tiền mặt. Theo ông Ly, những khó khăn nói trên mang tính ngắn hạn vì khi doanh nghiệp phát triển hàng ngang có thể làm nguồn lực, nguồn vốn bị chia sẻ, dễ xảy ra tình trạng liên kết chéo. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu phát triển đồng bộ cả ba mảng thành công, Việt Nam sẽ có hệ thống giao dịch điện tử nhanh chóng tương xứng với các nước phát triển. Các tổ chức tài chính công như thuế, kho bạc, hải quan… nếu khai thác hết công năng của hệ thống CNTT và mở rộng liên thông đến các doanh nghiệp và tổ chức khác sẽ thúc đẩy việc thanh toán điện tử cùng phát triển. Vụ Thanh toán cho rằng để tạo được chỗ đứng trên thị trường, bản thân dịch vụ này cần có một quá trình gầy dựng lòng tin của cộng đồng. Việc phát triển mô hình ví điện tử cũng giống như thẻ tín dụng trước đây, sẽ có nhiều người sử dụng giúp dịch vụ phổ biến. Để giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến, các ngân hàng phải có hệ thống Internet Banking, Mobile Banking và các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến sẽ phải mở rộng kết nối để tăng tiện ích cho khách hàng. So với vài năm trước, hiện nay hạ tầng thanh toán của hệ thống ngân hàng đã phát triển khá nhanh, sự chấp nhận kết nối của các ngân hàng với các ví điện tử đang là yếu tố thúc đẩy dịch vụ này thành công. Chính vì những yếu tố này mà hiện Ngân hàng Nhà nước đang khảo sát, đánh giá thực tiễn hoạt động của mô hình mới này để chỉnh sửa và bổ sung các quy định liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và giúp nó vận hành phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động thanh toán của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com