Mạng xã hội Việt Nam đã phát triển qua nhiều giai đoạn nhưng được đánh giá là tiến chậm và chưa tạo ra được sự khác biệt so với các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như Facebook, Twitter, LinkinEd, CyWorld hay MySpace...
Nhiều chuyên gia ví von rằng mạng xã hội là “chiếc bánh ngọt nhưng không dễ ăn” khi mà những điều kiện khắc nghiệt của mô hình kinh doanh này như mức đầu tư lớn, chậm thu lợi nhuận, kinh doanh qua mạng chưa trở thành thói quen đối với doanh nghiệp trong nước... đã gây không ít khó khăn cho lĩnh vực này. Mạng xã hội ở Việt Nam tuy phát triển nhưng số mạng trụ vững trên thị trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu?
Mạng xã hội trên thế giới bắt đầu hình thành từ năm 2002 khi Friendster ra đời tại Mỹ. Ba năm sau, mạng xã hội Việt Nam mới manh nha hình thành, đa số chỉ cung cấp nội dung thông tin đơn giản dưới dạng blog và hình ảnh với một vài tên tuổi như Tamtay, Yobanbe, Clipvn, Sannhac, Anhso.net, CyVee… Những mạng xã hội này chủ yếu đi vào những phân khúc nhỏ, phục vụ cho một số đối tượng người sử dụng nhất định.
Đến năm 2009, mô hình mạng xã hội có tính tương tác cao, cập nhật thông tin theo thời gian thực và mở rộng đối tượng tham gia ra đời với đại diện tiêu biểu là Zing Me do Công ty cổ phần Truyền thông VNG phát triển. Và đến giữa năm 2010, mạng xã hội Go.vn của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC ra đời. Hai mạng này đang được giới trẻ ưa chuộng và phát triển bùng nổ cả về số lượng người sử dụng cũng như thời lượng sử dụng. Đến nay, Zing Me thu hút khoảng 6,8 triệu thành viên và Go.vn có khoảng 2 triệu thành viên.
Theo số liệu của ComScore, mười trang mạng xã hội thu hút nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam là Zing Me, Facebook, Yahoo! Pulse, Tamtay.vn, banbe.net, KST.vn, Yeulaptop.com, Cyworld, Yo88.com và Twitter.com.
Trong 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam hiện có 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội. Được nhiều người sử dụng nhất là Zing Me, chiếm 44,6%, tiếp đến là Go.vn chiếm 14,1%. Đa số người sử dụng mạng xã hội là những người trẻ, nằm trong độ tuổi 15-34 (chiếm 71%).
Nhận định về sự phát triển của mạng xã hội Việt Nam, ông Joe Nguyễn, Phó chủ tịch ComScore Đông Nam Á, cho rằng mạng xã hội Việt Nam phát triển chậm so với con số người dùng Internet và cũng phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực.
Nhìn vào các trang xã hội thu hút nhiều người truy cập nhất, các mạng nước ngoài như Facebook, Twitter… vẫn được nhiều người Việt Nam yêu thích dù chưa chiếm thế độc tôn trên thị trường nội dung Internet nội địa. Điểm đáng chú ý là những mạng xã hội nước ngoài vẫn tiếp tục thu hút người sử dụng địa phương và con số tham gia không ngừng tăng lên.
Theo ông Joe Nguyễn, các mạng xã hội trong nước sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt một khi hạ tầng Internet Việt Nam ngày càng hoàn thiện và người sử dụng không “gặp khó” trong việc truy cập các trang mạng có địa chỉ IP nước ngoài.
Lý giải vì sao người sử dụng Internet Việt Nam vẫn có xu hướng chọn các trang mạng nước ngoài, ông Joe Nguyễn nói rằng các mạng này có sự bao phủ rộng lớn, không giới hạn trong biên giới quốc gia nhất định. Ví dụ, ở Ấn Độ, mạng xã hội Friendster được yêu thích hơn vì giúp cộng đồng người Ấn Độ có thể kết nối bất cứ nơi đâu trên thế giới. Người Ấn Độ có thể liên lạc với người thân của họ đang sống ở Mỹ, nơi mà nhiều người đang dùng mạng Friendster.
Cũng theo ông Joe Nguyễn, để mạng xã hội Việt Nam tồn tại và cạnh tranh được thì yếu tố quyết định chính là nội dung. Để làm được điều đó, doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội không thể làm một mình mà cần có một cộng đồng phát triển nội dung chung tay xây dựng nó.
Mở để phát triển
Với những tiềm lực mà mạng xã hội mang lại, việc hợp tác để phát triển truyền thông, nội dung cũng như các dịch vụ, ứng dụng trên mạng xã hội sẽ tạo cho doanh nghiệp những bước phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy cần phải có sự “mở” của các công ty đang sở hữu các mạng xã hội trong nước cho đối tác, để có những sự hợp tác có lợi cho cả hai bên.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG, nói rằng mạng xã hội đã đến lúc phải phát triển cởi mở hơn và cần có sự đóng góp tương tác giữa chủ sở hữu mạng, các cá nhân và tổ chức để xây dựng một cộng đồng mở với nhiều tính năng và nội dung tương tác hơn. Theo ông Khải, dưới góc nhìn của nhà làm quảng cáo trực tuyến hay nhà phát triển ứng dụng thì đây là cách thức rẻ nhất để tiếp cận đến hàng triệu người dùng Internet. Còn đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội thì đây là cách nhanh nhất để tăng trưởng về nội dung và xây dựng thêm hệ sinh thái của mình. Do đó, việc xây dựng mạng xã hội trên nền tảng mở sẽ mang lại cơ hội phát triển cho cả hai bên.
Đồng quan điểm, ông Phan Anh Tuấn, Phó giám đốc VTC – đơn vị phát triển mạng Go.vn, cũng nhìn nhận rằng về lâu dài, các mạng xã hội sẽ phát triển theo hướng hội tụ trên các thiết bị truyền hình, Internet và thiết bị di động. Do đó, mạng Go.vn sẽ cần một nguồn nội dung khổng lồ bao gồm cả các ứng dụng thiết thực cho ba loại thiết bị đầu cuối này. “Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội không thể đứng một mình mà cần hợp tác với nhiều đối tác khác nhau để phát triển. Cộng tác và chia sẻ lợi nhuận là bước đi đúng đắn của các mạng xã hội trong nước”, ông nói.
Theo ông Khải, các ứng dụng mạng xã hội (social apps) là một trong những kênh đem lại doanh thu nhiều nhất cho Zing Me. Theo thống kê, doanh thu từ các ứng dụng chạy trên Zing Me của công ty VNG là rất lớn, cụ thể là nếu như năm 2009 Zing Me chỉ có 10 ứng dụng và hằng tháng không thu được đồng nào, thì đến năm 2010 con số ứng dụng đã tăng lên 20 và doanh thu hằng tháng lên tới 30 tỉ đồng. “Đến cuối năm nay con số ứng dụng sẽ là 60 và mức doanh thu dự kiến lên tới 80 tỉ đồng/tháng. Do đó, Zing Me rất muốn hợp tác với các nhà phát triển nội dung (content provider) để đưa các ứng dụng thành một kênh thu lợi nhuận chính”, ông Khải nói.
Cả hai người đại diện của mạng Zing Me và Go.vn đều khẳng định rằng họ rất mong muốn đón nhận sự hợp tác từ phía cộng đồng phát triển nội dung địa phương. Để khẳng định việc “mở” này, họ nói rằng ngay cả các ứng dụng của các doanh nghiệp đối tác nếu trùng với ứng dụng của VNG hay Go.vn, họ vẫn sẵn sàng hợp tác và công tác kiểm duyệt chỉ áp dụng với nội dung, chất lượng ứng dụng và các vấn đề liên quan đến pháp lý mà thôi.
Để cộng đồng phát triển nội dung có thể tham gia vào nền tảng mở thì nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Zing Me và Go.vn cần cam kết cung cấp những công cụ và nền tảng đã đóng gói sẵn cho đối tác để họ phát triển các ứng dụng, nội dung và số người sử dụng. Đồng thời, phía nhà cung cấp mạng xã hội cũng xây dựng sẵn hạ tầng như đường truyền, hệ thống máy chủ cho các đối tác thuê hoặc mượn để phát triển nội dung và ứng dụng của mình.
”Vấn đề còn lại là ý tưởng. Nghĩ ra được một ý tưởng đã là một việc khó và biến nó thành hiện thực còn khó hơn nhiều. Do đó, những công cụ đóng gói sẵn của mạng xã hội nền tảng mở sẽ giúp các nhà cung cấp nội dung vượt qua những khó khăn đó”, ông Khải nói.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com