Ban ngày làm việc ở Mỹ, ban đêm làm việc với Việt Nam, là toàn bộ thời gian tiến sĩ Trương Nguyện Thành dành cho công việc tại Khoa Hóa, Đại học Utah (Mỹ) và điều hành Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM với tư cách viện trưởng.
Tiến sĩ Trương Nguyện Thành |
Trò chuyện với anh lúc 12 giờ Hà Nội, tức 23 giờ ở Mỹ, mới hay anh vẫn chong đèn làm việc tại văn phòng.
Hàng tuần anh có ba buổi lên lớp, thời gian còn lại là nghiên cứu khoa học và làm việc qua mạng với các đồng nghiệp tại Viện. Anh chỉ có trọn vẹn Chủ nhật dành cho hai con trai 11 và 12 tuổi.
Đa mang
Khoảng tháng 8/2005, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân, mời TS Trương Nguyện Thành (28 năm sống ở Mỹ) về Việt Nam diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học tính toán và chuẩn bị cho phát triển ngành khoa học khá mới này ở Việt Nam.
Sau đó ông Nguyễn Thiện Nhân tín nhiệm giao TS Thành lập đề án thành lập và phát triển Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM.
Ngày 18/12/2008, Viện hoạt động với sự tham gia của sáu nhà khoa học Việt kiều đầu ngành đang làm việc ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Australia, Canada, Ba Lan. Các nhân viên còn lại của viện đều là những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học hoặc có bằng thạc sĩ.
TS Thành cho biết, khoa học tính toán là dùng máy vi tính làm thí nghiệm nên anh không nhất thiết phải có mặt tại Việt Nam thường xuyên.
Hàng tuần, các cuộc họp giữa Viện trưởng ở Mỹ với các nhân viên ở Việt Nam và các trưởng phòng thí nghiệm ở Canada, Australia, Ba Lan và Mỹ đều được thực hiện qua Internet. Một năm,Viện trưởng chỉ về nước làm việc một vài lần để trực tiếp giải quyết một số vấn đề thực sự cần thiết.
TS Trương Nguyện Thành (ngoài cùng bên trái) tại Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM |
Anh cho biết, không gì vui sướng hơn khi mình được dốc sức cho công việc chuyên môn và đóng góp cho quê hương.
Mức lương dành cho Viện trưởng là 1.000 USD/tháng, được coi là một cơ chế đãi ngộ có tính chất đột phá, theo đề xuất của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM.
Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự: “Đó là phụ cấp chi phí, bao gồm tiền máy bay đi về, tiền khách sạn, bảo hiểm sức khỏe, ăn uống... để tôi trang trải trong tháng khi về Việt Nam. 1.000 USD/ tháng, nếu trừ các chi phí nói trên, lương tôi gần như zero”.
Tạo ra một môi trường nghiên cứu hiện đại với phong cách làm việc như các nước tiên tiến là mục tiêu hàng đầu của Viện.
Ngay từ năm 2002, TS Trương Nguyện Thành bắt đầu nhận sinh viên Việt Nam qua phòng thí nghiệm của anh để đào tạo. Nhưng anh nhận thấy còn rất nhiều sinh viên tài năng không có cơ hội.
Xuất thân từ trong gia đình nghèo khó, cha bệnh tật, anh từng làm đủ việc để kiếm sống, từ bán thuốc lá, cày ruộng, làm thuê, chăn trâu, bắt cá... để lấy tiền thuốc thang cho cha và đỡ mẹ, anh hiểu giá trị của hai chữ cơ hội.
Năm 1993, TS Trương Nguyện Thành được bình chọn là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng nhất nước Mỹ. Từ 1992 đến nay, anh có hơn 160 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế. |
Đang loay hoay tìm cầu nối với quê nhà, may mắn, anh được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nay là Phó Thủ tướng, chìa ra một cây cầu.
Anh tâm sự: “Tôi hy vọng với sự ủng hộ của các anh em Việt kiều, của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM và Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện sẽ phát triển tốt với những cơ chế hoạt động thông thoáng, không bị ràng buộc bởi những thủ rục hành chính rườm rà. Nếu được như vậy, Viện có cơ hội trở thành cơ quan nghiên cứu tầm cỡ châu Á và quốc tế”.
Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM là mô hình mới của TPHCM, mời nhà khoa học Việt kiều về làm việc, chỉ cần có mặt khi thực sự cần thiết (hai tháng/năm, lương 1.000 USD/tháng).
TPHCM đặt mục tiêu thu hút 30-50 nhà khoa học Việt kiều có uy tín ở nước ngoài về công tác tại Viện, đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ngành khoa học tính toán, đăng ký 5-10 bằng phát minh sáng chế tại Mỹ.
Viện đang triển khai một số đề án như hỗ trợ phát triển dược phẩm cho bệnh cúm gà, H5N1, phát triển hệ thống quản lý dữ liệu cho môi trường sống trong thành phố nhằm giúp thành phố quản lý chất lượng nước của các sông ngòi trong khu vực và bắt đầu triển khai đề án về tính toán kỹ thuật.
Mục tiêu chính của Viện đến năm 2012: Phát triển ngành khoa học và tính toán đạt trình độ tương đương khu vực Đông Nam Á. Năm 2009 dự tính có khoảng 10 trí thức Việt kiều là các chuyên gia giỏi làm việc ở Viện.
Nguồn: Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com