Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis, vừa chia sẻ với Tiền Phong ý tưởng xây dựng lực lượng cảnh sát 113 trên Internet với số nhân lực ban đầu chỉ cần 5 - 10 người.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Bkis. Ảnh: H.H |
Ông Quảng nói: Nhiều năm qua, Bkis đã phối hợp cùng với C15 để điều tra, khám phá và xử lý hàng chục vụ hacker phá hoại trên mạng. Trong quá trình làm việc thực tế đó, tôi thấy có rất nhiều bất cập. Chẳng hạn như trường hợp một thanh niên lên mạng buôn bán và bị đối tác lừa đảo.
Không biết cầu cứu ai, anh ta tìm đến Công an phường, nhưng đơn vị này từ chối vì cho rằng ở trên mạng không liên quan đến họ và đề nghị anh ta lên Công an quận.
Lên đến quận, người bị hại lại được tư vấn lên Bộ Công an. Nhưng Bộ cũng không thể giải quyết những vụ việc lẻ tẻ như vậy. Hầu hết mọi người đều không biết nên làm thế nào khi phát hiện ra một vi phạm trên mạng, thậm chí khi chính họ là nạn nhân.
Những việc như vậy xảy ra trên mạng hằng ngày và tôi cho rằng cần có một đơn vị mang tính đặc thù, có hiểu biết về Internet, hiểu biết về xã hội ảo với các đặc thù riêng như không biên giới, dù là ảo nhưng mỗi hành vi lại rất thật và thường liên quan đến công nghệ…
Đơn vị đó sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho những cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật, bảo vệ văn hóa truyền thống như Công an phường, Cảnh sát 113 hay an ninh văn hóa.
Lực lượng này sẽ hoạt động như thế nào?
Đây sẽ là đơn vị đứng ra làm đầu mối trung gian để tiếp nhận các thông tin cấp báo từ người sử dụng Internet, từ cộng đồng tố giác các hành vi phạm tội hay các vụ việc sai phạm trên mạng. Đơn vị này cần phải có website với địa chỉ dễ nhớ, có số điện thoại, địa chỉ email với tiêu chí tương tự được phổ biến rộng rãi trên mạng và cho tất cả mọi người.
Như vậy, khi phát hiện bất kể vi phạm nào, người sử dụng Internet có thể dễ dàng vào đó gửi mail, đơn tố giác, tin nhắn hoặc trực tiếp phản ánh tình hình.
Lực lượng chuyên trách này sẽ làm nhiệm vụ phân tích, xác định sơ bộ sự việc, chỉ ra những việc, hành vi gây ảnh hưởng đến cộng đồng, đến tình hình an ninh trật tự xã hội, an ninh quốc gia, văn hóa… để rồi phân loại và chuyển dữ liệu đến các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng chuyên môn.
Ví dụ như các vụ việc liên quan đến văn hóa thì chuyển các đơn vị thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Nếu là việc lừa đảo, tấn công trên mạng thì chuyển C15 Bộ Công an…
Thậm chí, đơn vị này cũng cần có nhiệm vụ phát hiện các vấn đề chưa chuẩn của văn bản pháp lý để đưa ra đề xuất điều chỉnh hoặc tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo được môi trường pháp lý tốt hơn.
Có khả thi không khi mỗi địa phương phải xây dựng một lực lượng như vậy?
Không cần phải mỗi địa phương có một đơn vị như Cảnh sát 113 hiện nay. Internet 113 chỉ cần một đơn vị bao quát trên phạm vi toàn quốc với các chi phí đầu tư đơn giản. Trang thiết bị không có gì phức tạp ngoài máy tính và mạng máy tính. Quan trọng nhất là nhân sự. Lúc đầu chỉ cần năm đến mười người là đảm đương được việc xử lý những vấn đề nổi cộm.
Cảm ơn ông.
TS Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính (VNCERT), Bộ Thông tin & Truyền thông (MIC), cho biết, đây là ý tưởng tích cực nhưng, để khẳng định nó có khả thi và cần thiết hay không, cần phải xác định lực lượng này là gì, hoạt động theo mô hình nào, có trùng với các tổ chức đã có không.
MIC đã có bộ phận kỹ thuật về an ninh mạng, ngành công an cũng có lực lượng cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao và một số đơn vị nghiên cứu khác.
Lực lượng đã có nhưng chưa phát huy được chức năng nhiệm vụ của mình do hạn chế về kỹ thuật và năng lực. Do đó, hiện nay chỉ có thể nói ý tưởng xây dựng lực lượng 113 trên internet thể hiện một nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực an ninh mạng mà thôi. Cần xây dựng thành đề án cụ thể.
( Theo TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com