Không giống các mảng thị trường khác, thị trường phần mềm kế toán được coi là “lãnh địa” của sản phẩm trong nước. Theo thống kê chưa đầy đủ của giới chuyên gia, phần mềm trong nước chiếm tới 80% tại thị trường này.
Thị trường phần mềm kế toán hiện đang có hơn 60 sản phẩm lớn nhỏ khác nhau của 30 nhà cung cấp như Fast, 1-V, Misa, Bravo, Metadata, ANSI, BORO…và phần lớn trong đó là các sản phẩm trong nước. Do yêu cầu đặt ra đối với phần mềm kế toán thường là phải mang tính đặc thù, ví dụ như tính đáp ứng chuẩn mực, quy định của nhà nước và phù hợp với nền kế toán Việt Nam, nên phần mềm nội địa chiếm đa số bởi nhà sản xuất trong nước am hiểu về thị trường hơn. Bên cạnh đó, phần mềm trong nước được bán với giá thấp nên sản phẩm ngoại nhập khó cạnh tranh. Bài toán cạnh tranh Tại lễ trao giải thưởng giải pháp công nghệ thông tin 2009 do tạp chí PC World Vietnam vừa tổ chức mới đây, phần mềm Fast Accounting và Misa SME được ghi nhận là hai giải pháp kế toán doanh nghiệp được nhiều người bình chọn. Giải pháp Fast Accounting được phát triển bởi Công ty cổ phần Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (Fast) – một trong những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường phần mềm kế toán hiện nay. Fast hiện cũng đang cung cấp cả phần mềm kế toán dành cho doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập mang tên Fast Book và phần mềm quản trị tài chính-kế toán mang tên Fast Financial. Ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng phòng tiếp thị công ty Fast, cho biết sản phẩm phần mềm kế toán của doanh nghiệp này đã được xây dựng hơn 12 năm và hiện có khoảng 3.500 khách hàng sử dụng. Công ty đang đầu tư nhiều vào dịch vụ tư vấn ứng dụng và bảo hành. Fast là sản phẩm được sử dụng trong việc đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng nên tạo ra được cộng đồng người sử dụng lớn và điều này cũng đang trở thành lợi thế của nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp sử dụng phần mềm này. Cũng tại cuộc tranh tài này, phần mềm “1C: Kế toán 8” của Công ty cổ phần Hệ thống 1-V là giải pháp phần mềm kế toán nước ngoài duy nhất được bình chọn. Đây là sản phẩm của Nga và mới tham gia thị trường Việt Nam từ hai năm nay. Sản phẩm này được thị trường đón nhận bởi đã được Công ty cổ phần Hệ thống 1-V chuyển ngữ sang tiếng Việt và phát triển theo các tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam với giá bán cũng tương tự các sản phẩm phần mềm nội địa. Ông Trần Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Hệ thống 1-V, cho biết đến nay phần mềm 1C đã được gần 500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam sử dụng. Giao diện phần mềm cũng như các tài liệu hướng dẫn đều bằng tiếng Việt, tạo tiện lợi cho người sử dụng. Thị trường phần mềm kế toán giai đoạn trước năm 2002 chủ yếu là những sản phẩm ngoại như Sun System, Exact Software, AccPack… Nhưng sau đó, hàng loạt các giải pháp kế toán được các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tập trung sản xuất và được bán ra thị trường với giá thấp đã tạo nên một cuộc cạnh tranh sôi nổi. Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến đánh giá các phần mềm kế toán ngoại có giá bán cao mà lại chưa theo đúng chuẩn mực kế toán Việt Nam. Bên cạnh đó, khi khách hàng gặp những khó khăn phát sinh trong quá trình ứng dụng cần giải quyết thì khâu dịch vụ sau bán hàng lại không có đội ngũ tại chỗ. Điều này cũng góp phần làm giảm tính cạnh tranh của phần mềm kế toán ngoại tại thị trường Việt Nam. Cập nhật tính năng mới và đón đầu xu hướng Do áp lực cạnh tranh trên thị trường, hiện các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kế toán luôn tổ chức hội thảo để giới thiệu những phiên bản mới để cập nhật những tính năng mới đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng. Công ty Fast vừa hoàn thành và tích hợp phân hệ thuế thu nhập cá nhân cho các phần mềm kế toán đang cung cấp. Bởi theo luật, thuế thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện theo phương pháp khấu trừ tại nguồn. Đối với các doanh nghiệp là đơn vị chi trả thì việc theo dõi, tổng kết và báo cáo thuế thu nhập cá nhân là một công việc khá lớn và phức tạp, đòi hỏi phải có công cụ thực hiện cho bộ phận nghiệp vụ. Ông Hiển cho biết, nắm bắt được nhu cầu này, ngay từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời, Fast đã tiến hành nghiên cứu và phát triển phân hệ quản lý thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, nhà sản xuất phần mềm kế toán 1C cũng mới đưa ra phiên bản 2.0 thêm các tính năng mới so với phiên bản trước đó. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên đặt ra yêu cầu về kiểm soát các tiềm lực, tài nguyên trong doanh nghiệp mình. Trong phiên bản 2.0, ngoài việc duy trì và phát triển các tiện ích sẵn có của phần mềm trợ giúp doanh nghiệp trong việc quản lý nguồn lực, 1C còn tạo ra một hệ thống báo cáo dành riêng cho các nhà quản trị, được xem như là “trung tâm quản lý khủng hoảng”. Đây là hệ thống các báo cáo và biểu đồ trực quan về các vấn đề công nợ, bán hàng, mua hàng, tiền gửi ngân hàng và tiền mặt… tại doanh nghiệp. Như vậy, người quản lý doanh nghiệp cũng trở thành người sử dụng phần mềm 1C như những người làm kế toán. Theo nhận định của ông Hiển, do các doanh nghiệp trong nước ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các phương thức quản lý hiện đại, người sử dụng phần mềm kế toán ngày càng hiểu và biết họ cần gì, nên các yêu cầu về phần mềm sẽ ngày càng khắt khe hơn. Do đó, xu hướng trong tương lai sẽ là sử dụng phần mềm kế toán ngày càng chuyên biệt hơn. Đánh giá về cơ hội, đa số các nhà cung cấp giải pháp phần mềm đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nên số lượng doanh nghiệp mới không ngừng tăng lên. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp ứng dụng phần mềm kế toán vào công tác nghiệp vụ là chưa nhiều nên đây là cơ hội rất lớn cho các nhà cung cấp giải pháp. Ông Thắng cho biết, khi bắt đầu chiến lược phát triển thị trường quốc tế, 1C đã chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên tại châu Á để hướng tới.
(Theo Vân Ly // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com