Lướt qua website bán hàng của Trần Anh, trong vô số các model của nhiều thương hiệu khác nhau, chỉ duy nhất một mẫu máy tính bảng được rao bán. Đó là chiếc máy tính HP TouchSmart TX2-1010AU-NK910PA Tablet PC của hãng máy tính HP.
Hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận tại website bán hàng của Bencomputer, Aqua Laptop và cả thegioididong, vienthong A... – những địa điểm phân phối Laptop có tên tuổi trên thị trường. Đâu đó trên một số diễn đàn, các trang raovat có giới thiệu một số mẫu máy tính bảng nhưng đều là các dòng máy second – hand, các dòng máy được xách tay về Việt Nam từ nước ngoài. Điều này cho thấy các nhà phân phối tại Việt Nam không mấy mặn mà với máy tính bảng, xuất phát từ nguyên nhân không có mấy nhu cầu từ người sử dụng.
Anh Sơn, chủ một cửa hàng máy tính trên phố Thái Hà cho biết rằng: “Thời gian gần đây dường như không có ai hỏi mua máy tính bảng. Trước đây, cửa hàng cũng có bày bán dòng máy tính bảng của HP nhưng giá khá cao nên người mua cũng không mặn mà”.
Vì sao máy tính bảng thất thế?
Không thể phủ nhận những sức hút đáng kể của những chiếc máy tính bảng như: thiết kế thời trang, có khả năng cảm ứng, khả năng di động cao... Tuy nhiên, đó đều là những ưu thế mang tính chất “thời thượng” và không bền vững. Quá trình sử dụng chỉ ra rằng máy tính bảng mang nhiều sự bất tiện hơn các dòng máy tính thông thường.
“Giá quá đắt, mà chức năng cảm ứng cũng tôi cũng không mấy khi sử dụng. Vả lại, khi cài Windows XP là máy mất khả năng cảm ứng luôn. Tôi cũng không mấy khi viết văn bản bằng bút cảm ứng kèm theo máy bởi gõ bằng bàn phím nhanh hơn nhiều”. – Anh Dương Ngô Thành, BTV của kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam nhận xét. Dòng máy mà anh Thành đang sử dụng là chiếc HP TouchSmart được đặt mua từ nước ngoài.
Theo lời anh Thành, hầu hết các model máy tính bảng hiện đang bán trên thị trường đều rơi vào tầm giá trên 1000 USD, với cấu hình tương đương các loại laptop thông thường có giá 700- 800 USD. “Ban đầu tôi bị hấp dẫn bởi khả năng xoay, gập màn hình của chiếc máy, rồi được quảng cáo là chiếc máy có thể nhận dang được chữ viết tay. Tuy nhiên, dùng một thời gian thấy khả năng xoay, gập này cũng không cần thiết lắm, chức năng nhận dạng chữ viết thì cũng có nhiều vấn đề. Máy tính không nhận dạng được chữ tiếng Việt, với lại chữ xấu thì chào thua luôn. Nếu phải viết nắn nót thì sử dụng bàn phím nhanh hơn nhiều.”- Anh Thành tiếp tục nhận xét.
Cũng giống như anh Thành, rất nhiều người có cùng quan điểm này. Với cánh phóng viên, nhà báo bây giờ đi họp, đi hội thảo thường ghi chép ra sổ tay kèm với bật máy ghi âm hoặc gõ trực tiếp lên laptop chứ mấy ai sử dụng máy tính bảng để “chọc chọc, gõ gõ”.
Theo phóng viên Nguyễn Bích, chương trình Cuộc Sống Số - VTV, một trong những nguyên nhân khiến máy tính bảng thất thế trên thị trường chính là nó không có sự tương thích tối đa với các phần mềm trên thị trường. “Nhiều phần mềm cài vào khiến máy tính không thể sử dụng tính năng cảm ứng, người dùng vẫn phải sử dụng chuột, bàn phím thông thường để sử dụng các phần mềm này.” – Chị Bích cho biết.
Trong bối cảnh thị trường CNTT, điện tử như hiện nay, tương lai của máy tính bảng ngày càng ảm đạm. Làn sóng Smart phone có màn hình cảm ứng và những chiếc netbook có khả năng di động cao, giá cả phải chăng đang khiến máy tính bảng thêm lép vế, đặc biệt là ở phân khúc thị trường bình dân. Có lẽ, để khẳng định trở lại vị thế của một thứ công nghệ của tương lai, các nhà sản xuất cần đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm dành cho thị trường cao cấp – với thiết kế và các tính năng mang tính chất đột phá chứ không phải “nhờ nhờ” như hiện nay
(Theo Hoàng Chi // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com