Các doanh nghiệp Internet đã liên tục đầu tư với hy vọng thu hút được nhiều khách hàng khi nền kinh tế phục hồi. Ảnh: Lê Toàn. |
Mặc dù kinh tế đang tăng trưởng chậm lại nhưng thị trường Internet vẫn phát triển nhanh trong thời gian qua nhờ sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp. Điều đó đã thúc đẩy thị trường chuyển biến theo hướng ngày càng tích cực và đa dạng dịch vụ hơn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, tính đến tháng 7-2009 đã có hơn 25 triệu người sử dụng Internet, tương đương 25 % dân số. Một con số đáng ghi nhận là hiện đã có gần 2,6 triệu khách thuê bao băng thông rộng (xDSL) trên cả nước và hơn 90% doanh nghiệp đã kết nối Internet băng thông rộng. Bên cạnh sự phát triển của dịch vụ ADSL thì các dịch vụ kênh thuê riêng (leasedline), mạng riêng ảo (VPN) nhắm đến các doanh nghiệp cũng đã tăng rất nhanh.
Chỉ trong năm 2008, lưu lượng kết nối Internet quốc tế của Việt Nam từ 12,6 Gbps hồi đầu năm đã tăng đến 50 Gbps vào cuối năm. Thống kê về lưu lượng trao đổi dữ liệu qua các trạm trung chuyển cũng cho thấy con số tăng trưởng khá ngoạn mục, từ 2,4 triệu Gbps năm 2005 tăng lên 41,6 triệu Gbps hồi tháng Bảy vừa qua.
Trong 14 nhà cung cấp (ISP) đang hoạt động hiện nay, thị phần chủ yếu được chia sẻ giữa VNPT, Viettel, FPT và gần đây là sự trỗi dậy của EVN Telecom; tám ISP khác chiếm thị phần khá khiêm tốn với dưới 1%. Tuy nhiên, tất cả đều đang chia nhau miếng bánh thị phần trên quy mô thị trường đang ngày càng lớn nhanh hơn. Điều đáng ghi nhận là VNPT sau một thời gian dài bị rượt đuổi và phải chia sẻ thị phần, có giai đoạn dài ở mức dưới 60%, thì từ năm 2008 bắt đầu khôi phục lại thị phần với mức trên 70%. Tuy nhiên chỉ ngay trong tháng Bảy năm nay, thị phần VNPT đã tụt xuống ở mức 63% do sự trỗi dậy bất ngờ của EVN, từ 1,4% vào tháng Sáu, tăng lên 11,7% vào cuối tháng Bảy.
Thị trường Internet đang bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ, các doanh nghiệp đã liên tục đầu tư trong hai năm qua với kỳ vọng nhu cầu về băng thông rộng và các dịch vụ riêng biệt sẽ bùng phát nhanh chóng từ đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và các tổ chức ngay trong năm tới, khi nền kinh tế hồi phục. |
Các nhà cung cấp, một mặt gia tăng dịch vụ tại các thị trường quan trọng, mặt khác cạnh tranh bằng cách mở rộng địa bàn cung cấp thay vì như trước đây chỉ cạnh tranh “quần cư” ở các địa bàn có mức thu lợi cao như TP.HCM, Hà Nội và một vài trung tâm khác.
Viettel chỉ sau vài năm đã công bố mở đường truyền đến tất cả các tỉnh thành trên cả nước, và ngay sau đó đã làm cuộc “soán ngôi” FPT – nhà cung cấp chiếm thị phần lớn thứ hai trong nhiều năm, chỉ sau VNPT. Điều này đã nhanh chóng tạo nên các ảnh hưởng và sự cạnh tranh trên thị trường, nhất là về việc giảm giá cước, mặc dù thị phần của Viettel trong những năm qua chỉ duy trì được ở mức trên dưới 10%, và liên tục bị mất khách hàng do sự cạnh tranh của các nhà cung cấp khác.
FPT Teleom từ năm 2008 đến nay cũng đã mở rộng mạng lưới của mình ra 13 tỉnh thành khác thay vì chỉ có mặt tại Hà Nội và TP.HCM như trước đó. Lặng lẽ hơn, EVN Telecom đã nhanh chóng tăng thị phần của mình chỉ cách đây vài tháng sau một thời gian dài “ngủ quên” trong lĩnh vực này. Hiện nay, ở các khu vực trung tâm của TP.HCM, các doanh nghiệp cần chuyển đổi nhà cung cấp, dịch vụ đường truyền có thể được đáp ứng chỉ ngay trong một buổi, thậm chí vài giờ. Các hộ gia đình cũng chỉ chờ vài ngày, nhờ các tuyến cáp đã được phủ khá rộng và sâu.
Nhu cầu ứng dụng các dịch vụ Internet cũng ngày càng đa dạng và khác biệt, tạo nên động lực lớn làm thay đổi cách nhìn của các nhà cung cấp về các dịch vụ và tiện ích trong việc chăm sóc khách hàng. Chính vì các yếu tố này, để giữ chân khách hàng, bên cạnh việc giảm cước, khuyến mại ồ ạt, các nhà cung cấp còn nỗ lực đưa ra những gói cước và dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn hơn. Có nhiều dịch vụ, giải pháp ứng dụng Internet xuất hiện do chính các ISP cung cấp như thoại Internet, truyền hình trực tuyến, chia sẻ dữ liệu... FPT Telecom đưa ra các gói dịch vụ tích hợp giữa Internet, điện thoại cố định và truyền hình Internet với dung lượng lên đến 6 Mbps và đường truyền cáp quang FTTH. FPT mới đây cũng công bố đối tác Pacnet đã hoàn thành điểm kết nối đầu tiên tại Việt Nam thông qua FPT Telecom nhắm tới việc cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng quốc tế cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Pacnet cũng công bố đang khảo sát để cho cập bờ tuyến cáp biển EAC-C2C tại Việt Nam. Khi tuyến này kết nối thành công, FPT Telecom có thể truy cập vào mạng lưới cáp biển có dung lượng lớn nhất tại châu Á hiện nay.
Sau một thời gian bị lấn lướt thị phần bởi Viettel, FPT đang tạo ra những điểm nhấn nhất định trên thị trường. Với lợi thế là nhà phát triển nội dung lớn, FPT đang nắm những dịch vụ khác biệt hơn để cạnh tranh thay vì chỉ “đối đầu” với các nhà cung cấp lớn đang có hệ thống hạ tầng phủ rộng như VNPT hay Viettel. Sự đột phá này của FPT được đánh giá là sẽ góp phần đưa thị trường Internet vào giai đoạn phát triển và cạnh tranh cao hơn trong thời gian tới.
VDC vẫn đang là nhà cung cấp hàng đầu, sau nhiều năm chịu sức ép cạnh tranh và có nguy cơ mất khách hàng vào tay các nhà cung cấp đi sau và nhỏ hơn nhưng năng động và linh hoạt, đã dần thay đổi phương thức kinh doanh của mình. Hiện tại, VDC bắt đầu “phong tỏa” thị trường băng thông rộng với lợi thế nắm khoảng 70% khách hàng sử dụng dịch vụ này. VDC cũng liên tục đầu tư vào hệ thống kết nối quốc tế. Nhà cung cấp này hiện nắm giữ hạ tầng kết nối lớn nhất với tổng dung lượng đường truyền quốc tế lên tới 33Gbps, và dự kiến đạt đến 40Gbps vào cuối năm nay. Phần lớn kênh mới chạy trên tuyến cáp quốc tế AAG kết nối Đông Nam Á trực tiếp tới Mỹ. Bên cạnh việc đầu tư nâng dung lượng đường truyền, ISP này cũng triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng mới trên nền dịch vụ MegaVNN như xem phim trực tuyến chất lượng cao (Mega Movie), chia sẻ dữ liệu (Mega Data); Website cho mọi người, mọi nhà (Mega Web)...
Thị trường Internet đang bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ, các doanh nghiệp đã liên tục đầu tư trong hai năm qua với kỳ vọng nhu cầu về băng thông rộng và các dịch vụ riêng biệt sẽ bùng phát nhanh chóng từ đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và các tổ chức ngay trong năm tới, khi nền kinh tế hồi phục; đồng thời đang nhắm đầu tư mở rộng hạ tầng cho các khu vực đầy tiềm năng như y tế, giáo dục và nông nghiệp, nơi chưa mang lại nguồn doanh thu lớn nhưng sẽ giúp các ISP chiếm lĩnh thị phần trước.
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com